Đổi mới giáo dục ở TPHCM - Cần chính sách thu hút người giỏi

Nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa; làm sao cải thiện đời sống, thu nhập cho giáo viên; nâng cao tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS; khắc phục tình trạng chạy trường; tăng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia… là những nội dung chính của buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBND TPHCM diễn ra sáng 8-4.
Đổi mới giáo dục ở TPHCM - Cần chính sách thu hút người giỏi

Nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa; làm sao cải thiện đời sống, thu nhập cho giáo viên; nâng cao tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS; khắc phục tình trạng chạy trường; tăng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia… là những nội dung chính của buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBND TPHCM diễn ra sáng 8-4.

  • Tăng chủ động trong biên soạn sách giáo khoa

Thừa nhận một số bất cập, yếu kém của sách giáo khoa hiện nay như nặng tính hàn lâm, thiếu sự cân đối cần thiết giữa lý thuyết và thực hành, trùng lặp một số nội dung giữa các môn học, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết TPHCM đã biên tập lại nội dung sách giáo khoa từ năm 2008. Về mặt pháp lý, giáo dục TP vẫn đảm bảo tuân thủ theo một nội dung chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất nhưng có thêm nhiều bộ sách tham khảo đáp ứng nhu cầu học tập ở từng môn.

Trả lời câu hỏi nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa, ông Nguyễn Hoài Chương khẳng định: “Việc cả nước chỉ có một bộ sách giáo khoa dùng chung cho các địa phương là chưa phù hợp thực tế dạy và học, hạn chế quyền sáng tạo của người dạy. Thay vào đó, Bộ GD-ĐT nên biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa để tăng tính chủ động, mở rộng phạm vi sáng tạo của việc dạy và học ở nhà trường”.

Phụ huynh “đau đầu” trước một rừng sách giáo khoa. Ảnh: MAI HẢI

Phụ huynh “đau đầu” trước một rừng sách giáo khoa. Ảnh: MAI HẢI

Ngoài ra, theo đề xuất của Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận, việc biên soạn sách giáo khoa nên tập trung về một mối, tránh phân cấp dàn trải khiến việc soạn thảo tồn tại nhiều bất cập. Riêng đối với bộ môn Lịch sử, đã đến lúc tích hợp nội dung kiến thức vào kho dữ liệu hình ảnh, thay cho việc yêu cầu học sinh nhớ thuộc lòng các con số, sự kiện. Việc dạy và học lịch sử ở trường phổ thông cần chú trọng khâu tái hiện hình ảnh thông qua các đoạn phim ngắn, giúp học sinh hiểu rõ, nhớ lâu chứ không ghi nhớ một cách máy móc về các sự kiện.

  • Khó nâng tỷ lệ trường chuẩn

Báo cáo kết quả dạy và học tại TPHCM những năm vừa qua, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương thừa nhận, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia còn thấp. Hiện nay ở bậc THPT chỉ có 2 trên tổng số 100 trường THPT trên địa bàn TP được công nhận đạt chuẩn quốc gia, riêng ở bậc THCS và tiểu học có chưa đến 10% trường được công nhận đạt chuẩn. Đơn cử như tại quận 1, địa bàn trung tâm luôn đi đầu trong công tác giáo dục và đảm bảo chất lượng của TP, hiện mới có 4 trường mầm non đạt chuẩn, khối phổ thông chưa có đơn vị nào được công nhận đạt chuẩn.

Theo lý giải của lãnh đạo TP, đó là do phát triển giáo dục không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số. Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, TP đã tăng thêm hơn 2 triệu người, dù đã đẩy mạnh tối đa việc xây dựng trường, lớp nhưng khó lòng đảm bảo sĩ số chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận bày tỏ: “Do những đặc trưng riêng về mặt quy hoạch đô thị của TP, hiện nay không thể mở rộng diện tích đất cho giáo dục theo chiều ngang mà chỉ tăng thêm tầng cao, giúp giảm phần nào gánh nặng sĩ số”.

Học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa TPHCM trong ngày được tuyên dương. Ảnh: Mai Hải

Học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa TPHCM trong ngày được tuyên dương. Ảnh: Mai Hải

  • Hệ thống lương mới cho giáo viên

Trả lời những thắc mắc xoay quanh thu nhập của giáo viên TP, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Tiến Đạt cho biết, thu nhập trung bình của một giáo viên có thâm niên công tác 15 năm tại TP chỉ ở khoảng 3 triệu đồng/tháng đối với bậc mầm non, 3,7 triệu đồng/tháng đối với bậc tiểu học, 4,1 triệu đồng/tháng đối với THCS và 4,6 triệu đồng/tháng đối với bậc THPT. Riêng ở huyện Cần Giờ, giáo viên được phụ cấp thêm 950.000 đồng/người/tháng, các huyện, xã nghèo khác trên địa bàn TP cũng nhận được phụ cấp 700.000 đồng/người/tháng. Thu nhập này chỉ đủ đảm bảo đời sống cơ bản của các nhà giáo, chưa có khả năng tích lũy và phụ giúp gia đình. Đặc biệt đối với những người làm công tác bảo mẫu ở bậc mầm non, thu nhập hiện chưa đến 2,5 triệu đồng/tháng, không được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thu nhập trong 3 tháng hè gần như “tay trắng”.

Kết thúc buổi làm việc, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trưởng đoàn giám sát, lần này cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng phê duyệt hệ thống thang bậc lương mới, trong đó quy định về chế độ, chính sách riêng cho những người làm công tác giáo dục. Bên cạnh đó, do chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên chuyên ngành sư phạm hiện đã không còn thu hút người học nên thời gian tới cần nghiên cứu ban hành thêm một số chính sách mới nhằm thu hút thêm nhiều người giỏi “đầu quân” vào ngành sư phạm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sư phạm của TP nói riêng, cả nước nói chung.

Chiều cùng ngày, đoàn giám sát tiếp tục đến thăm, làm việc với các trường: THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Ngô Thời Nhiệm và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa để tìm hiểu thêm về mô hình hoạt động riêng của từng đơn vị. 

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục