Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - Giảm tải phải đúng nghĩa

Trong những ngày gần đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lắng nghe nhiều ý kiến bức xúc của giáo viên, cán bộ ngành giáo dục ở TPHCM, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về chương trình, sách giáo khoa hiện hành quá nặng, bộc lộ nhiều bất cập phải chỉnh sửa.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - Giảm tải phải đúng nghĩa

Trong những ngày gần đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lắng nghe nhiều ý kiến bức xúc của giáo viên, cán bộ ngành giáo dục ở TPHCM, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về chương trình, sách giáo khoa hiện hành quá nặng, bộc lộ nhiều bất cập phải chỉnh sửa.

  • Từ khâu biên soạn...

Có thể nói phần đông học sinh phổ thông đều có tâm trạng ngán học, ngán thi vì phải học quá nhiều môn, tải quá nhiều kiến thức từ chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành. Để đáp ứng yêu cầu kiểm tra một tiết, giữa kỳ, hết học kỳ, cuối năm học rồi hết cấp, dung lượng bộ nhớ của các em không còn chỗ trống nào để tư duy, sáng tạo.

Một chuyên gia giáo dục phải thốt lên: “Học sinh VN thông minh nhưng do cách dạy nhồi nhét, truyền thụ lý thuyết nhiều hơn thực hành, cộng với cách thi cử đánh đố khiến các em bị thui chột tri thức, không phát huy được sự năng động, sáng tạo theo tiêu chí công dân trẻ toàn cầu”. So sánh với học sinh phổ thông trên thế giới học ít môn hơn và được chọn môn yêu thích, môn năng khiếu, nhiều học sinh bậc THPT chất vấn lãnh đạo ngành giáo dục: “Tại sao chúng em phải học đến 13 môn với dung lượng kiến thức quá lớn, nặng về hàn lâm, thiếu thực tế ứng dụng và không có thời gian trang bị kỹ năng sống cần thiết? Thậm chí, trong nhiều môn học, bài học có những kiến thức không biết học để làm gì nhưng vẫn phải học để thi?”.

Nhìn nhận thực tế này, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư Phạm TPHCM) cho rằng, chương trình, SGK giáo dục phổ thông bị cả giáo viên lẫn học sinh kêu ca, phàn nàn vì đội ngũ biên soạn ít gần gũi, am hiểu về giáo dục phổ thông. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, họ có quy trình nghiên cứu rất kỹ trước khi biên soạn SGK, như học sinh cấp nào, quan sát SGK ra sao, dừng lại trang nào lâu nhất, định lượng sức mua của phụ huynh… nhưng ở nước ta việc này chưa được coi trọng. Đó là chưa kể chương trình học của họ chỉ thiết kế 5 - 7 môn, với số tiết như nhau, không phân biệt môn chính, môn phụ. Vì thế, học sinh của họ lĩnh hội kiến thức nhẹ nhàng và việc đánh giá kết quả học hành, thi cử cũng khoa học, đúng thực chất.

Các em học sinh chọn mua sách giáo khoa. Ảnh: MAI HẢI

Các em học sinh chọn mua sách giáo khoa. Ảnh: MAI HẢI

  • ...đến học vẹt

Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã đưa ra chuẩn kiến thức, quy định gọn hơn trong SGK nhưng trên thực tế, chương trình vẫn nặng nề, dàn trải nhưng không sâu, nhiều kiến thức không phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý học trò. Do học kiến thức dàn trải, học những điều không thực tế và chỉ để đối phó với thi cử đã biến học sinh thành những con vẹt trả bài, làm bài tốt nhưng gấp sách lại là quên hết. Vậy học để làm gì và gánh nặng học hành này bao giờ chấm dứt?

Ở các môn học từ tự nhiên đến xã hội, các giáo viên đều than vãn thời lượng dành cho chương trình còn chưa đủ thì lấy đâu thời gian mở rộng, nâng cao kiến thức như đòi hỏi. Nhiều giáo viên nhận xét việc giảm tải các môn học mới dừng ở mức 10% và họ đòi hỏi phải giảm thêm 30% nữa mới giảm được gánh nặng dạy và học. Một vấn đề đáng nói khác là dù ngành giáo dục hô hào đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên được quyền thiết kế bài giảng cho phù hợp, khuyến khích học sinh tích cực nhưng trên thực tế rất ít giáo viên dám đổi mới và tiết học tích cực cũng chỉ làm điểm.

Bởi lẽ, nếu không bám chương trình, sa đà vào việc thiết kế lại bài giảng cho dễ hiểu thì học sinh khó có thể đạt điểm cao trong thi cử, nhất là thi đại học, cao đẳng. Trong khi đích đến của phần lớn học sinh là học lên bậc cao hơn, bước chân vào những trường ĐH có tên tuổi. Chính vì “thi gì học nấy” nên phần đông giáo viên chọn cách dạy an toàn nhất - bám chặt chương trình thay vì coi nghiệp dạy học sinh làm người, dạy cách nghĩ, cách học là hồn cốt.

  • Đổi mới toàn diện

Theo một số giáo viên ở các trường THPT chuyên: Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về giảm tải chương trình SGK ban hành từ năm 2011 chỉ mang tính hình thức. Cắt giảm chương trình một cách cơ học, không theo hệ thống khiến giáo viên cực nhọc hơn vì phải trám nhiều lỗ hổng kiến thức cho học sinh. Điển hình như môn sử, môn địa, nếu cắt cơ học một bài trong chuỗi sự kiện nào đó thì học sinh sẽ hiểu bài học lơ mơ, hụt kiến thức cơ bản.

Một vấn đề cũng được giáo viên phản ánh là chương trình phân ban hiện mất cân đối, thiếu rõ ràng ở bậc THPT đang gây lãng phí. Đa phần học sinh thích chọn ban cơ bản thay vì chọn nâng cao sẽ khiến mục tiêu phát triển ban nâng cao bị phá sản. Điều đáng nói, tuy bộ SGK nâng cao và cơ bản độc lập nhưng nhiều kiến thức trong chương trình cơ bản còn khó hơn cả nâng cao khiến học sinh ôm đầu khi học, còn giáo viên bị làm khó, chẳng biết dạy kiểu gì để giảm tải (!?). Đó là chưa kể học sinh học ban cơ bản thì không thể tự nghiên cứu sách nâng cao để mở rộng kiến thức. Với tâm lý chung “thi sao học vậy”, học sinh không muốn chọn chương trình nâng cao là điều dễ hiểu.

Những bất cập về chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang gây bức xúc khiến việc dạy và việc học nặng nề, mệt mỏi. Làm thế nào để giáo viên, học sinh không phải vật lộn, chạy “marathon” mới theo kịp chương trình, tải hết kiến thức để thi cử? Từ những ý kiến ghi nhận tại các buổi làm việc trực tiếp với các cơ sở giáo dục ở TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mới đây, hy vọng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nhìn tổng quan quan hơn, chi tiết hơn về những bất cập, khuyết tật của chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Từ đó, Quốc hội sẽ có quyết sách đúng đắn về đổi mới chương trình, SGK sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nếu không có một tổng chỉ huy có tầm, điều phối chương trình, SGK phổ thông theo hướng tích hợp từ bậc học thấp và phân hóa sâu ở bậc học cao, cũng như liên thông kiến thức một cách khoa học thì việc đổi mới khó thành công.

Trong khi chờ đợi đề án đổi mới chương trình, SGK khởi động, Bộ GD-ĐT nên có động thái tích cực hơn, giảm tải chương trình đúng nghĩa và thay đổi thực chất cách kiểm tra đánh giá học sinh lẫn cách thi cử để người dạy, người học thấy nhẹ gánh hơn. 

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục