“Ép” trẻ mầm non học chữ

Đã có không ít ý kiến lo ngại về chất lượng dạy học cũng như việc trẻ làm quen với mặt chữ quá sớm sẽ có nhiều tác hại xấu về sau. Song, thực tế cho thấy càng cấm thì... phụ huynh càng đổ xô tìm thầy dạy chữ cho con.
“Ép” trẻ mầm non học chữ

Đã có không ít ý kiến lo ngại về chất lượng dạy học cũng như việc trẻ làm quen với mặt chữ quá sớm sẽ có nhiều tác hại xấu về sau. Song, thực tế cho thấy càng cấm thì... phụ huynh càng đổ xô tìm thầy dạy chữ cho con.

Học phí “giá rẻ”

Tại một lớp luyện chữ trên đường Tân Thới Hiệp 22, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, có nhiều phụ huynh là công nhân Khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12) đưa con đến học. Để nguyên lớp áo còn vương mùi hóa chất, chị Huỳnh Thu Thảo, công nhân Công ty Orana Việt Nam, cho biết chỉ vừa đưa con đến đây học được vài buổi, qua giới thiệu của một chị làm chung công ty. “Năm nay cháu chuẩn bị vào lớp 1, sợ con không theo nổi chương trình nên hai vợ chồng quyết định cho con đi học chữ. Sau khi tham khảo qua vài gợi ý của bạn bè, đây là nơi có học phí mềm nhất”, chị Thảo cho hay. Chị cho biết, học phí một tháng chỉ hơn 100.000 đồng, tuần học 3 buổi, tính ra mỗi buổi chưa đến 10.000 đồng. 

Một trường hợp khác, anh N.Q., công nhân Công ty cổ phần Bao bì dầu thực vật (quận 12), lại chọn hình thức cho con học chữ tại nhóm trẻ gia đình gần nhà do một giáo viên tiểu học về hưu đảm nhận. Khi được hỏi về chất lượng dạy học, anh lắc đầu cho biết: “Thấy chỗ nào học phí rẻ, tiện việc đưa đón thì hai vợ chồng cho con đi học. Tôi là công nhân, chữ nghĩa có hạn, chỉ biết đặt hết niềm tin vào cô giáo”.

Giờ học vẽ của trẻ mầm non Trường Họa Mi 2, quận 5, TPHCM. Ảnh: BẢO NGỌC

Giờ học vẽ của trẻ mầm non Trường Họa Mi 2, quận 5, TPHCM. Ảnh: BẢO NGỌC

Không riêng gì anh Q., chị Thảo, nhiều phụ huynh có con đang học tại các lớp luyện chữ ở đây cho biết, do hoàn cảnh kinh tế gia đình, con chưa từng học qua trường lớp mẫu giáo nên các lớp học chữ giá rẻ là lựa chọn hàng đầu của đa số phụ huynh. Có nơi sĩ số lớp học lên đến 45 - 50 em/lớp. Giáo viên không thu tiền học theo tháng mà theo tuần, phù hợp điều kiện thu nhập của những gia đình công nhân, lao động phổ thông.

Theo lãnh đạo một phòng giáo dục, nếu như ở các quận nội thành, các lớp luyện chữ học sinh đông hay ít phụ thuộc vào danh tiếng và tên trường giáo viên đang công tác thì ở một số quận huyện ngoại thành như Gò Vấp, Tân Phú, quận 12, Hóc Môn, học phí mới là yếu tố quyết định. Lớp học thường được cơi nới từ khoảng sân trống trước nhà giáo viên, bàn, ghế chắp vá từ nhiều nguồn huy động khác nhau. “được cái giáo viên nhiệt tình, học sinh ham học. Hầu hết các em ở đây đều là lần đầu làm quen với mặt chữ nên dạy học khá vất vả. Song, thầy trò quý nhau ở chỗ chân thành, nhiều trường hợp giáo viên cho nợ học phí hoặc chỉ lấy học phí tượng trưng…”, cô T., giáo viên tiểu học đã về hưu, hiện đang mở lớp dạy thêm ở huyện Hóc Môn cho biết. 

Cần giảm áp lực cho phụ huynh

Mặc dù hàng năm, Bộ GD-ĐT đều có văn bản yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1. Song, thực tế cho thấy nhiều nơi phụ huynh chủ động đứng ra mở lớp, mời các giáo viên tiểu học đã về hưu hoặc đang công tác tại các trường tiểu học về dạy chữ cho học sinh.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Chương trình tiểu học bắt đầu từ việc cho học sinh làm quen với các đường nét cơ bản bao gồm nét ngang, nét cong, nét hất, nét sổ. Sau đó mới đến giai đoạn kết hợp các nét này lại thành con chữ, kết hợp các chữ tạo thành âm tiết. Yêu cầu đặt ra là hết lớp 1, học sinh mới đọc thông viết thạo. Do đó, phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1 là không cần thiết, dễ tạo ra tâm lý chán nản cho các em khi phải nhai lại kiến thức trong chương trình chính khóa”. Hơn nữa, từ năm học 2012 - 2013, TPHCM đã áp dụng việc không chấm điểm học sinh trong khoảng 2 - 4 tuần lễ đầu tiên của năm lớp 1 nhằm hạn chế tối đa việc phân biệt đối xử, giảm áp lực lo lắng cho phụ huynh. Nhưng tất cả những nỗ lực trên đều chưa thể giải quyết căn cơ vấn đề học chữ trước khi vào lớp 1.

Mùa hè là thời gian học sinh cần được vui chơi giải trí.

Mùa hè là thời gian học sinh cần được vui chơi giải trí.

Theo GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là do chương trình hiện nay quá nặng nề khiến phụ huynh lo lắng con không theo kịp chương trình. Bên cạnh đó, thu nhập giáo viên không đủ sống cũng là một trong những lý do khiến dạy thêm, học thêm ngày càng phát triển. Trong khi “cung” đang nở rộ thì việc phụ huynh lựa chọn theo tâm lý số đông cũng là điều dễ hiểu. Do đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để chấm dứt tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 không thể chỉ dựa vào các văn bản hô hào mà cần một sự cải cách toàn diện từ chương trình, chính sách lương bổng cho giáo viên và việc tổ chức kiểm tra, đánh giá ở nhà trường. Đây là vấn đề khó có thể khiến ngành giáo dục hao tổn thêm nhiều giấy mực, điều tra, góp ý, song không phải là không thể làm được!

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục