Đồng bằng sông Cửu Long: Năm học mới, nỗi lo cũ!

Đồng bằng sông Cửu Long: Năm học mới, nỗi lo cũ!

Cùng với cả nước, ngành giáo dục ở ĐBSCL đang tất bật chuẩn bị cho năm học mới, tổ chức vận động đưa trẻ đến trường cho kịp tiếng trống ngày khai giảng. Bên cạnh những ngôi trường còn thơm mùi vôi mới, ĐBSCL vẫn ngổn ngang với cảnh thiếu trường lớp; nơi thừa, nơi thiếu giáo viên…!

Xây dựng trường học mới tại huyện vùng lũ Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HUY PHONG

Xây dựng trường học mới tại huyện vùng lũ Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HUY PHONG

        Nỗ lực huy động học sinh ra lớp

Bước vào năm học 2013 - 2014, thầy trò ở tỉnh Hậu Giang rất vui vì có thêm nhiều trường mới được xây dựng khang trang. Đặc biệt là trường lớp cho bậc học mầm non năm nay được tỉnh tăng cường đầu tư xây mới để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa. 12 trường mầm non, mẫu giáo trọng điểm với tổng kinh phí khoảng 72 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng ở các xã Thuận Hòa (huyện Long Mỹ), Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng (huyện Phụng Hiệp); xóa được phòng học tranh tre lá, xóa các điểm trắng, góp phần giải tỏa áp lực trường lớp cho bậc học mầm non bấy lâu nay đang là vấn đề bức xúc ở địa phương.

Lớp học tình thương tại đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau. Ảnh: XUÂN HẠ

Lớp học tình thương tại đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau. Ảnh: XUÂN HẠ

Chuẩn bị cho năm học mới, Đồng Tháp đã chi hơn 140 tỷ đồng để xây mới hơn 700 phòng học, phòng chức năng và các hạng mục khác; sửa chữa trên 400 phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ, thay mới gần 5.000 bộ bàn nghế cho các trường. Nhờ vậy, năm học này tỉnh Đồng Tháp giải quyết được tình trạng thiếu phòng học.

Tương tự, ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu đã triển khai xong đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên với 692 phòng học và 349 căn nhà công vụ. Ngành đã đưa vào sử dụng 634 phòng học, 305 nhà công vụ và trong năm học này sẽ đưa tiếp 58 phòng học và 44 nhà công vụ vào sử dụng.

Sau nhiều năm nâng cấp và đầu tư xây dựng mới, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn biên giới Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc (An Giang) đã khang trang, kiên cố hơn, không sợ bị ngập lụt; sẵn sàng đón nhận học sinh tại chỗ và vùng giáp ranh biên giới Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú). TP Cần Thơ cũng đang tập trung hoàn thành các công trình trường học để kịp thời đưa vào sử dụng khi năm học mới bắt đầu. Quận Thốt Nốt đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa nhiều trường như: Trường Mẫu giáo Tân Hưng, THCS Tân Hưng, THCS Thới Thuận 1… Quận Bình Thủy đầu tư hơn 53 tỷ đồng xây mới Trường THCS Long Hòa và Trường Tiểu học Long Tuyền 2 để đưa vào sử dụng ngay năm học này.

Hàng trăm học sinh Việt kiều Campuchia về xã biên giới Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang để học mỗi ngày.

Hàng trăm học sinh Việt kiều Campuchia về xã biên giới Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang để học mỗi ngày.

        Ngổn ngang nỗi lo cũ

Tuy nhiên, thiếu trường lớp vẫn là nỗi lo muôn thuở của ngành giáo dục ĐBSCL. Ở Cần Thơ, vẫn còn nhiều trường học tại các địa phương xuống cấp nhưng chưa thể xây dựng. Trong đó, ngay tại quận trung tâm Ninh Kiều có Trường Tiểu học Cái Khế 2 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, có 405 học sinh, chia thành 2 điểm học (điểm A, điểm B) nằm sâu trong một con hẻm bề ngang khoảng 1,5m. Hiện 2 điểm học này đang xuống cấp nặng nề, phòng học chắp vá, tạm bợ, không có sân chơi.

Trong khi đó, dự án xây dựng Trường Tiểu học Cái Khế đã có hàng chục năm qua nhưng tới nay chưa thể triển khai xây dựng được vì không giải phóng được mặt bằng và thiếu kinh phí.

Trường THPT Long Mỹ (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) là trường THPT lớn nhất tỉnh Hậu Giang, năm học này có 1.900 học sinh, chia làm 45 lớp. Trường thiếu 200 bộ bàn ghế học sinh dù đã xin gần 3 năm qua vẫn chưa được xem xét. Hiện nhà trường phải phân công các giáo viên sửa chữa chắp vá những bộ bàn ghế hư cũ để học sinh có đủ bàn ghế ngồi học. Cũng tại trường này, công trình xây dựng 19 phòng học đang thực hiện dở dang, bàn ghế, dụng cụ học tập chưa được trang bị nên chắc chắn không thể kịp khai giảng.

Tại Trà Vinh, kinh phí đầu tư Đề án xây dựng phòng học cho trẻ 5 tuổi đến trường học 2 buổi/ngày và bán trú, mới đạt 70%. Hiện toàn vùng ĐBSCL còn 140 xã chưa có trường mầm non độc lập, tình trạng học chung với tiểu học, phòng học tạm vẫn còn phổ biến.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang, hiện còn 73 điểm trường chưa có nhà vệ sinh, trong đó chủ yếu là các điểm trường mầm non và trường phổ thông. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.800 điểm trường lẻ (vài phòng học nằm phân tán). Nhiều điểm là những phòng học “4 không” (không điện, không nước, không sân chơi, không nhà vệ sinh).

Giáo viên Trường THPT Long Mỹ (Hậu Giang) sửa lại bàn ghế cũ để có đủ bàn ghế cho học sinh ngồi. Ảnh: HUY PHONG

Giáo viên Trường THPT Long Mỹ (Hậu Giang) sửa lại bàn ghế cũ để có đủ bàn ghế cho học sinh ngồi. Ảnh: HUY PHONG

Ngoài ra, các tỉnh thành ĐBSCL trong năm học này đang phải đối mặt với tình trạng vừa thiếu vừa thừa giáo viên. Tỉnh Đồng Tháp đang thiếu khoảng 600 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS, nhưng lại thừa 170 giáo viên THPT. Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, tỉnh này cũng đang thiếu khoảng 1.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non, nhưng chỉ tiêu biên chế lại chỉ có 200 người, nên ngành giáo dục phải hợp đồng thêm mới đủ giáo viên giảng dạy.

Trong khi đó, tại tỉnh Bạc Liêu, theo đề án 826 “Tiếp tục sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 – 2015” vừa được UBND tỉnh triển khai, số giáo viên dư không phải nhỏ. Nếu giữ nguyên hiện trạng số trường, lớp như hiện nay thì toàn ngành sẽ dư 220 giáo viên. Còn nếu sắp xếp lại số học sinh bình quân/lớp theo đúng quy định thì số giáo viên dư trên 1.300, trong đó dư nhiều nhất là bậc tiểu học với khoảng 600 giáo viên…

Một năm học mới với không ít nỗi lo cũ đang bắt đầu, dù vậy, lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn đang nỗ lực hết mình, khắc phục tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, nhằm thực hiện tốt công tác giảng dạy.

BÌNH ĐẠI

Chiều 19-8, Trung tá Lê Hoàng Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Hòn Chuối (Bộ đội Biên phòng Cà Mau) cho biết: Đồn vừa tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2013 – 2014 cho lớp học tình thương ở đảo. Đảo Hòn Chuối nằm cách cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) khoảng 17 hải lý về hướng Tây. Đây cũng là đảo duy nhất ở Cà Mau có dân sinh sống, chủ yếu nghề khai thác thủy sản. Trong năm học mới này, lớp học có 20 em, thầy giáo đứng lớp tiếp tục là cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Hòn Chuối.

XUÂN HẠ

Tin cùng chuyên mục