Kiến nghị nhiều cơ chế xây nhà cho người nghèo

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có các đề xuất liên quan đến việc phát triển thị trường bất động sản TPHCM minh bạch, bền vững; giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Nhu cầu lớn
TPHCM có gần 13 triệu dân, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư. Tốc độ tăng dân số bình quân của thành phố là 3,5%/năm, trong đó tốc độ tăng dân số cơ học là 2,3%/năm, gấp đôi mức tăng dân số tự nhiên. Cứ mỗi 5 năm, thành phố tăng dân số khoảng hơn 1 triệu người (tương đương dân số một quận), đã đặt ra câu hỏi rất lớn về giải pháp nào để đảm bảo nhà ở cho đối tượng này. 
Theo số liệu tổng hợp của Sở Xây dựng TPHCM, nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 134.000 căn. Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện khảo sát mẫu, thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, cán bộ công chức hơn 10.000 trường hợp; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo khoảng 39.000; lao động trong khu công nghiệp hơn 17.000 hộ. Thành phố đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ và đến năm 2020 có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn, như vậy chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM. 
Kiến nghị nhiều cơ chế xây nhà cho người nghèo ảnh 1 TPHCM đang cần nhà giá rẻ để phục vụ tái định cư cho người dân. (Ảnh: Còn hơn 22.000 căn nhà ven và trên kênh rạch cần di dời, giải tỏa).  Ảnh: CAO THĂNG       
Năm 2017, TPHCM có 92 dự án nhà ở thương mại với 42.991 căn hộ được đưa ra thị trường, gồm có 37.502 căn hộ chung cư, 5.489 căn nhà thấp tầng; trong đó, chỉ có 12.495 căn hộ bình dân (chiếm tỷ lệ 29,1%). Như vậy, rõ ràng số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đang sinh sống trên địa bàn thành phố. 
Một thực tế của thị trường nhà ở giá rẻ cần được quan tâm giải quyết là rất thiếu nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê; chưa có dự án nhà ở thương mại bán giá rẻ (khoảng 300 - 500 triệu đồng/căn); cũng chưa có dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ. Bên cạnh đó, đang còn 14.366 căn nhà, nền nhà tái định cư còn trống chưa có người đến ở, mà phần lớn trong số đó cần được chuyển mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại để bán thu hồi vốn cho ngân sách và tránh lãng phí. 
Cần nhiều cơ chế
Để giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, trước hết HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu đầu tư, chuyển hướng phát triển nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ và thân thiện môi trường, với các căn hộ vừa và nhỏ (1 - 2 phòng ngủ) có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn; tích cực tham gia Chương trình Nhà ở xã hội, Chương trình Chỉnh trang nhà ở ven và trên kênh rạch của TPHCM, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, trước hết là 15 chung cư loại D (nguy hiểm) và 127 dự án lớn (có giá trị trên 500 tỷ đồng/dự án), trong đó có 18 dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. 
HoREA đề nghị UBND TPHCM kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ để tạo nguồn tái cấp vốn ngân sách cho các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, với lãi suất 5%/năm (áp dụng cho năm 2018) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Từ ngày 1-7-2015 đến nay, chưa có cá nhân, hộ gia đình nào được vay vốn ưu đãi này theo Luật Nhà ở năm 2014. Chỉ có người mua nhà ở xã hội theo gói 30.000 tỷ đồng và đã nhận nhà trước ngày 1-1-2017 thì mới được vay với lãi suất ưu đãi). 
Nếu ngân sách nhà nước có điều kiện, HoREA đề nghị hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội để làm giảm giá thành, theo quy định của Luật Nhà ở 2014. Đồng thời, HoREA đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo có thủ tục hành chính rút gọn để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Tổ chức này dẫn chứng minh họa bằng trường hợp Công ty Lê Thành, là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn tư nhân tại phường An Lạc (quận Bình Tân), đã được UBND TPHCM ký 2 quyết định về công nhận chủ đầu tư dự án, nhưng do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc đất nông nghiệp mà nay đã hết hạn sử dụng và chưa được điều chỉnh, nên doanh nghiệp vẫn chưa được Văn phòng Đăng ký đất đai xác nhận đăng ký giao dịch bảo đảm để được vay vốn ngân hàng thực hiện dự án.
HoREA cũng đề nghị UBND TPHCM có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở cho thuê, nhất là căn hộ nhỏ cho thuê giá rẻ (khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng), để hình thành thị trường nhà ở cho thuê chuyên nghiệp tương tự các nước phát triển, và đón đầu xu hướng mới cùng chia sẻ không gian (co-living space) căn hộ thuê chung hiện nay…

Tin cùng chuyên mục