Dung Quất và dấu ấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Dấu chân khai phá
Dung Quất và dấu ấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Sự kiện lớn đang được nhân dân cả nước mong đợi: sản phẩm thương mại đầu tiên của Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuẩn bị xuất xưởng vào ngày 22-2. Chúng tôi đã tìm đến nhà ông Phạm Hữu Tôn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và cũng là người đầu tiên phụ trách KCN Dung Quất, ghi lại những hồi ức về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người đã đặt những viên gạch đầu tiên để có Nhà máy lọc dầu Dung Quất hôm nay.

Dấu chân khai phá

Dung Quất và dấu ấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ảnh 1

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất (tháng 7-1995). Ảnh: TƯ LIỆU

Lật từng tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc, những lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thị sát Khu công nghiệp (KCN) Dung Quất (nay là Khu kinh tế Dung Quất), đôi tay ông Phạm Hữu Tôn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, người đầu tiên phụ trách KCN Dung Quất run run, giọng lạc đi vì xúc động.

Ông tâm sự: “Đô thị Vạn Tường, KKT Dung Quất… có được như ngày hôm nay là nhờ anh Sáu Dân bao lần ngang dọc, đi khảo sát, tìm hiểu kỹ càng trước khi ra quyết định. Bao năm đã qua mà chúng tôi không thể nào quên, dường như vẫn còn đó dấu chân anh Sáu Dân kính mến ở những nơi anh đã đi qua”! Có lẽ không riêng gì ông Tôn có những ấn tượng, tình cảm, sự kính phục sâu sắc đối với vị cố Thủ tướng đáng kính, mà cả người dân Quảng Ngãi nói riêng hay người dân các tỉnh miền Trung nói chung đều có những cảm xúc đặc biệt như thế. Các KKT Nhơn Hội, Dung Quất, Chân Mây… đều in dấu chân ông trong những năm tháng “khai sơn, phá thạch”, mở đường cho người dân thoát nghèo, phấn đấu đi lên.

“Những ngày đầu mùa thu năm 1994, với phong thái đĩnh đạc, giản dị, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt những bước chân đầu tiên lên những đụn cát trắng chói chang dưới ánh nắng mặt trời và những ngọn đồi mọc đầy cây dại. Ông đi bộ đến trụ sở UBND xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn) để lắng nghe các nhà khoa học báo cáo về KCN Dung Quất và dự án nhà máy lọc dầu. Sau đó, ông ân cần thăm hỏi bà con nông dân về cuộc sống và cả chuyện đi ở của họ khi dự án mọc lên. Đi thị sát vũng Dung Quất, dưới tiếng rì rào của sóng biển, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bất chợt thốt lên: “Đẹp quá! Như nàng tiên đang ngủ say”! - ông Phạm Hữu Tôn hồi tưởng.

Vì quyền lợi của nhân dân

Trở về Hà Nội, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chủ trì cuộc họp các bộ, ngành xem xét việc quy hoạch KCN, du lịch, dịch vụ trọng điểm miền Trung kéo dài từ Bình Sơn (Quảng Ngãi) tới Liên Chiểu (Đà Nẵng), trong đó việc nghiên cứu khảo sát khu vực vũng Dung Quất để xây dựng cảng và nhà máy lọc dầu phải đặc biệt chú trọng và có kết luận trong tháng 10-1994 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong mùa thu đó, vị Thủ tướng đáng kính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và đại diện các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi để chọn địa điểm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thông qua quy hoạch định hướng KCN Dung Quất và chuỗi đô thị Đà Nẵng – Quảng Ngãi, trục xương sống hình thành nên vùng kinh tế trọng điểm, từng bước giúp miền Trung thoát nghèo.

Đến tháng 11-1994, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chọn địa điểm Nhà máy lọc dầu tại Dung Quất, đồng thời chỉ đạo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam phối hợp với các ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng với Tập đoàn Total (Pháp) tiến hành nghiên cứu khảo sát. Tuy nhiên, Total tỏ ra không mặn mà lắm với dự án này. Trăn trở cùng với Dung Quất, với những người dân nghèo nơi khúc ruột miền Trung, 1 năm sau, ông lại về thăm và làm việc tại Dung Quất.

Trong buổi gặp mặt cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi, khi đề cập đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thủ tướng phát biểu: “Nếu tôi là Total, tôi cũng nói như Total, vì đây là quyền lợi của họ. Nhưng tôi là Thủ tướng, tôi phải nói và quyết định theo quyền lợi của nhân dân”.

Ông Tôn nhớ lại, sau buổi làm việc, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khoác vai ông tản bộ từ trụ sở qua nhà khách và căn dặn phải hết sức tập trung, quyết liệt cho Nhà máy lọc dầu, vị trí nào tốt nhất ở Dung Quất và đảm bảo điều kiện xây dựng thì phải ưu tiên. Và cuối cùng, thời khắc quan trọng đến với người dân Quảng Ngãi khi Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 514/TTg phê duyệt dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Qua bao thăng trầm, dù có lúc dự án đã bị kịch liệt phản đối, nhưng nay nhà máy lọc dầu Dung Quất - khu liên hợp lọc hóa dầu đầu tiên của nước ta đã sừng sững mọc lên và chuẩn bị cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên. Những đụn cát trắng, những ngọn đồi lúp xúp cây sim không còn, nhưng dấu chân và hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những ngày đầu đi khai phá vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người dân nơi đây.

Hà Minh

Khởi động phân xưởng xử lý dầu hỏa và xăng máy bay

Chiều 20-2, ông Nguyễn Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn kiêm Phó Trưởng ban chạy thử Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết: Phân xưởng xử lý dầu hỏa và xăng máy bay (KTU) Nhà máy lọc dầu Dung Quất vừa chính thức đưa vào vận hành.

Đây là phân xưởng công nghệ thứ ba (sau phân xưởng chưng cất dầu thô và phân xưởng xử lý nước chua) chính thức đi vào hoạt động tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong giai đoạn đầu, phân xưởng xử lý dầu hỏa và xăng máy bay này hoạt động cho ra khoảng 750 tấn sản phẩm/ngày, đạt 60% so với tổng công suất thiết kế của phân xưởng mỗi ngày.

Ngày 20-2, các loại sản phẩm sẽ được bơm từ khu bể chứa trung gian qua tuyến ống dẫn dài hơn 7 km đến khu bể chứa sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Mẻ sản phẩm dầu đầu tiên ra lò mang thương hiệu Made in Viet Nam tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được xuất qua 20 xe bồn để đưa ra thị trường tiêu thụ. Sự kiện trọng đại này sẽ diễn ra tại buổi lễ đón mừng dòng sản phẩm đầu tiên của Nhà máy được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam lúc 20 giờ đêm 22-2.

Tin cùng chuyên mục