Vận chuyển alumin, nguy cơ quá tải đường bộ

Vận chuyển alumin, nguy cơ quá tải đường bộ

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cuối tháng 7-2011, Nhà máy alumin Tân Rai (tỉnh Lâm Đồng) sẽ bắt đầu vận hành và sản phẩm alumin từ nhà máy được vận chuyển bằng đường bộ về cảng Gò Dầu (tỉnh Đồng Nai) để xuất khẩu. Tuy nhiên, phương án vận chuyển mà TKV đưa ra đang khiến dư luận lo ngại sẽ không đảm bảo an toàn giao thông.

  • Đường xuống cấp
Quốc lộ 20 đoạn giáp ranh tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Quốc lộ 20 đoạn giáp ranh tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng bị hư hỏng nghiêm trọng.

Ông Trần Dương Lễ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Tổ hợp Bauxite nhôm Lâm Đồng cho biết, khi nhà máy alumin vận hành ổn định, mỗi năm sẽ có 600.000 đến 630.000 tấn sản phẩm alumin được vận chuyển từ nhà máy về cảng. Đồng thời, khoảng 550.000 đến 600.000 tấn vật tư phục vụ hoạt động của nhà máy (như than, vôi, xút) được vận chuyển từ cảng đến nhà máy. TKV sẽ sử dụng khoảng 70 – 80 xe đầu kéo và sơmi rơmoóc loại từ 5 trục trở lên để vận chuyển với trọng tải tối đa 40 tấn/xe (gồm hàng hóa và trọng lượng xe).

Theo phương án được Bộ GTVT thông qua, việc vận chuyển alumin khi chưa có cảng Kê Gà (tỉnh Bình Thuận) sẽ đi từ Nhà máy alumin Tân Rai (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) theo tỉnh lộ 725 ra quốc lộ (QL) 20 về ngã ba Dầu Giây theo tỉnh lộ 769 đến QL55 để về cảng Gò Dầu của tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài tuyến đường là 210km, đi qua nhiều khu dân cư và có lượng phương tiện tham gia giao thông cao, nên Bộ GTVT đề nghị TKV đánh giá lại hiện trạng tuyến đường để phối hợp với các địa phương đề xuất nâng cấp, cải tạo. Sau khi khảo sát, TKV đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT là các tuyến đường này có mặt đường và tải trọng các cầu đường bộ đều đảm bảo cho phương tiện vận chuyển alumin.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo SGGP trong chuyến khảo sát độc lập mới đây, nhiều đoạn đường nằm trên tuyến dự kiến xe chở alumin đi qua đang bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, nặng nhất là QL20 với chiều dài khoảng 120km từ ngã ba Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) đến ngã ba Lộc Sơn (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Cụ thể, mặt đường ở các đoạn qua xã Gia Kiệm, Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) và Phú Cường, Phú Túc, Phú Vinh (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã bị rạn nứt, một số đoạn bong tróc, hai bên mép đường bị lở, làm thu hẹp mặt đường. Đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng có nhiều ổ gà ngay giữa lòng đường. Còn đoạn qua Phương Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) và xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), mặt đường bị đùn lún, biến dạng nghiêm trọng. Ngoài ra, trên tuyến đường này còn có một số cây cầu đang xuống cấp, chịu tải chỉ 25 tấn như các cầu Bình Sơn, Suối Bí, An Viễn (trên tỉnh lộ 769), trong đó cầu An Viễn rất hẹp và yếu; cầu Lộc Sơn và cống Lộc Phát (trên tỉnh lộ 725) có khổ cầu hẹp, chịu tải thấp và bị xói lở.

  • Quá tải

Ông Dương Danh Quý, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, cho biết, tuyến QL20 đoạn đi qua địa bàn tỉnh được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, mặt đường rộng 9m. Tuy nhiên, nhiều năm qua, đường đã xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng và hàng năm chỉ được duy tu, sửa chữa nhỏ. Hiện mặt đường ở nhiều đoạn chỉ còn rộng khoảng 7m. Trong khi đó, đây là tuyến đường huyết mạch đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng.

Theo thiết kế, tiêu chuẩn đường này chỉ đảm bảo mật độ khoảng 5.000 đến 7.000 lượt xe/ngày đêm, nhưng hiện mật độ phương tiện qua lại đã tăng hơn gấp đôi. Đến khi Nhà máy alumin Tân Rai hoạt động, mỗi ngày có thêm hàng trăm chuyến xe trọng tải lớn lưu thông thì mức độ quá tải càng thêm trầm trọng.

Còn đoạn qua tỉnh Lâm Đồng, dù chiều dài chỉ 48km nhưng QL20 lại đi qua đô thị Bảo Lộc. Ông Bùi Thắng, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, lo ngại: Đặc trưng của TP Bảo Lộc là hoạt động kinh doanh dịch vụ tập trung nhất ở hai bên QL20 (đường Trần Phú), vì vậy khi xe chở alumin và nguyên vật liệu chạy liên tục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an toàn giao thông, hoạt động kinh doanh và đời sống người dân.

  • “Điểm đen” sẽ thêm “đen”

Với hiện trạng đường giao thông như vậy nên tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) trên QL20 những năm qua diễn biến hết sức phức tạp. Theo số liệu của Công an tỉnh Đồng Nai, trên QL20 đoạn đi qua địa bàn tỉnh có đến 8 “điểm đen” về TNGT mà hầu hết đều do tình trạng đường hẹp, gồ ghề, nhiều ổ gà, hai lề đường hư hỏng nặng. Riêng trong năm 2010, trên QL20 đã xảy ra 43 vụ TNGT làm 43 người chết và 47 người bị thương, nguyên nhân phát sinh tai nạn là do đường hỏng. Đoạn đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng cũng có một số “điểm đen”, trong đó đáng chú ý là đoạn cua miếu Ba Cô trên đèo Bảo Lộc. Ngoài ra, QL20 còn ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông nếu lượng phương tiện giao thông tăng mạnh vì tuyến đường này qua nhiều cụm dân cư đông đúc (Định Quán, Tân Phú, cụm Kiệm - Tân của tỉnh Đồng Nai) và có nhiều đường đấu nối.

Không riêng QL20, hai tuyến tỉnh lộ 725 và 769 cũng đối mặt với nhiều nguy cơ. Ông Dương Danh Quý, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông Đồng Nai, cảnh báo, các chuyến xe chở alumin sẽ xẻ banh tuyến đường 769, đồng thời ẩn chứa nhiều nguy cơ về tai nạn vì một số đoạn cua ngoặt khuỷu tay và có đường sắt ngang qua. Tuyến tỉnh lộ 725 của Lâm Đồng cũng trong tình trạng xuống cấp, nhiều đoạn rạn nứt, ổ gà và đường cua gập, nhất là đoạn qua cầu Lộc Sơn đường hẹp lại vừa cua, vừa dốc.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT mới đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã khẳng định, hiện trạng và tải trọng tuyến QL20 không đảm bảo phục vụ lưu thông trong điều kiện phương tiện tham gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, cần thiết phải nhanh chóng nâng cấp các tuyến đường với thiết kế có tính đến lưu lượng vận chuyển của các dự án bauxite.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục