Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng

(SGGP).– Chiều 5-3, Bộ Công thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 2-2012 thông báo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm.

(SGGP).– Chiều 5-3, Bộ Công thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 2-2012 thông báo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm.

Bộ Công thương cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong tháng 2, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 10% so với tháng 1 và tăng 22,1% so với cùng kỳ 2011. Tính chung 2 tháng so với cùng kỳ 2011, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 3,9%. Về xuất khẩu, tháng 2-2012, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng 1 và tăng 66,3% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ của tháng 1-2012 tăng so với tháng 12-2011 là 4,9%, trong khi đó tháng 2 so với tháng 1-2012 giảm 3,79%. Tuy nhiên, tựu chung lại 2 tháng đầu năm 2012, tổng mức bán lẻ vẫn tăng (chưa loại trừ yếu tố giá). Đây là mức tăng trưởng dương, rất tích cực trong điều kiện nền kinh tế trên thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, dấu hiệu tiêu dùng cá nhân đang co về, chỉ tiêu dùng trực tiếp cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thực phẩm, còn lại những mặt hàng mua sắm vật dụng mang tính lâu bền giảm đi. Bên cạnh đó, CPI của tháng 2 mặc dù giữ ở mức 1,37% và là tháng 2 trong 10 năm gần đây có mức tăng CPI thấp nhất (chỉ đứng sau 2009) nhưng chúng ta vẫn không được chủ quan trong kiềm chế lạm phát.

Về thông tin gần đây một số cửa hàng thuộc hệ thống Fivimart trong miền Nam đóng cửa, Bộ Công thương cho biết qua tìm hiểu bộ nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối lớn hầu hết phải thông qua những nhà đầu tư khác để có đất, có nhà để sử dụng trong kinh doanh. Do đó họ buộc phải có hợp đồng thuê sử dụng đất, trong khi đó hợp đồng chỉ có thời hạn khoảng 5 - 10 năm. Khi không đàm phán được hợp đồng thuê tiếp nên buộc phải đóng cửa.

Tuy nhiên, từ thực tế này, Bộ Công thương cho rằng, cần phải để các doanh nghiệp phân phối tiếp cận tốt tới những chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong đó có chính sách tiếp cận đất đai, tín dụng.

Bộ Công thương cũng cho biết, 2 tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng trên thế giới tăng đã tác động đến việc một số mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam giảm về lượng và giá trị, trong đó có giá xăng dầu tăng 18,5% thì lượng nhập khẩu xăng dầu giảm 31,7%, kim ngạch giảm 19%. Việc tăng giá gas trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức tiêu thụ của người dân. Giá gas tăng cao nên người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại bếp điện, bếp khác, kéo theo tình trạng gas chiết lậu, gas giả, kém chất lượng.

Về xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cho biết, bộ đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, rà soát chính sách, pháp luật về quản lý từ nhập khẩu đến sản xuất, lưu thông các hóa chất là phụ gia, dung môi hòa tan vào xăng nhằm hạn chế tối đa việc gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Đối với mặt hàng gas, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng gas, giải quyết dứt điểm các trường hợp bán lẻ xăng không đúng quy định, các trường hợp chiết nạp gas lậu, vi phạm về giá trong kinh doanh gas để lập lại trật tự thị trường gas, đáp ứng quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời nghiên cứu, phối hợp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam và doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về chính sách tỷ giá ngoại tệ phục vụ nhập khẩu gas, về vấn đề đấu giá gas sản xuất nội địa theo hướng cạnh tranh, minh bạch.

Đến nay, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý trên 3.400 trường hợp (trong đó có gần 2.230 trường hợp kinh doanh xăng dầu, gần 1.200 trường hợp kinh doanh gas), đã phát hiện xử lý 769 vụ vi phạm (trong đó có hơn 500 vụ vi phạm hành chính xăng dầu, gần 270 vụ vi phạm hành chính về gas), đã xử phạt gần 3,6 tỷ đồng (trong đó vi phạm về kinh doanh xăng dầu là trên 2,5 tỷ đồng; tước quyền giấy phép kinh doanh 14 trường hợp, vi phạm về kinh doanh gas, xử phạt trên 1 tỷ đồng).

Gần đây Bộ Công thương có nhận được thông tin tại một số địa phương như Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Đắc Nông, Đắc Lắc, có một số cửa hàng tạm dừng, hoặc xin phép dừng bán hàng, tiết giảm thời gian bán hàng… (hiện nay theo các doanh nghiệp đầu mối, giá cơ sở đang vượt trên giá bán lẻ hiện hành). Về tình trạng này, Bộ Công thương cho hay sẽ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính sớm xử lý, trong đó nguyên tắc là phải theo giá thị trường nhưng phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài vấn đề xăng dầu, Bộ Công thương cũng thông báo, tháng 2-2012 sản lượng điện ước đạt 8,4 tỷ kWh, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ ước đạt 16,3 tỷ kWh, tăng 12,8%. Hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, sản lượng điện của các nhà máy thủy điện theo kế hoạch điều tiết để đảm bảo cấp điện đủ cho mùa khô 2012.

Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo dõi tình hình, kịp thời có phương án điều hành điện một cách hiệu quả, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản có trách nhiệm đảm bảo cho các nhà máy điện chạy liên tục…

Hôm qua, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2. Trong ngày làm việc đầu tiên, Chính phủ đã dành trọn thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm. Cuối ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp để bảo đảm ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực hiện ổn định tỷ giá, bảo đảm không để đồng tiền Việt Nam mất giá. Sau phiên họp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải thực hiện giảm lãi suất ngân hàng vì đã đủ điều kiện để giảm lãi suất.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục