Vụ Vinalines - Giọt nước tràn ly

Vụ Vinalines - Giọt nước tràn ly

Vụ việc sai phạm tại Vinashin chưa nguôi, đến “con tàu đắm” Vinalines bị phanh phui. Một lần nữa những doanh nghiệp “con cưng” của nền kinh tế lại gây rúng động dư luận về những sai phạm, thất thoát tài sản Nhà nước. Bên hành lang Quốc hội, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM (ảnh) trao đổi với PV Báo SGGP để lý giải điều này.

* Phóng viên: Thưa ông, chưa hết Vinashin lại đến vụ việc của Vinalines, nhiều người đang dùng tới cụm từ “nỗi buồn kinh tế biển”. Điều gì đang xảy ra đối với kinh tế biển Việt Nam nói chung và các tập đoàn kinh tế biển nói riêng?

* PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN:
Chúng ta có bờ biển rất dài, đẹp, nhiều tiềm năng, ngành kinh tế biển đang đem lại nhiều thu hút đầu tư nước ngoài, lượng ngoại tệ lớn từ sản xuất kinh doanh thủy sản, du lịch. Xác định tầm quan trọng của lĩnh vực này, TƯ đã có nghị quyết về kinh tế biển. Chúng ta cũng đã có những tập đoàn để khai thác kinh tế biển như Vinashin, Vinalines. Nhưng trong thời gian qua, cơ chế quản lý, đặc biệt là cơ chế quản lý tài chính đối với các tập đoàn chưa rõ ràng, minh bạch, dẫn đến việc các cá nhân lợi dụng quyền hạn gây ra sai phạm, thất thoát tài sản Nhà nước, tiền thuế của dân. Đến lúc đòi hỏi phải có ngay những văn bản pháp luật để quản lý việc sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn này, gắn với trách nhiệm cá nhân tham gia trong Hội đồng quản trị (HĐQT). Cần quy định rõ, khi có vấn đề xảy ra, không chỉ tổng giám đốc mà các thành viên HĐQT, cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm liên đới. Chứ như hiện nay, các vụ việc xảy ra chỉ có ông tổng giám đốc chịu trách nhiệm chính.

* Vừa qua Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra hàng loạt tập đoàn Nhà nước và đều phát hiện sai phạm. Ông bình luận gì về dư luận đang đặt câu hỏi, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì sẽ “gãy” hết các trụ cột được mệnh danh là xương sống của nền kinh tế?

* Không phải doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là lỗ lã, là gây thất thoát, giống như không phải tất cả các doanh nghiệp tư nhân đều hoạt động hiệu quả. Cái chính là nền kinh tế của chúng ta thời gian qua chạy theo tăng trưởng, nới rộng chính sách tiền tệ, dẫn đến đầu tư tràn lan, Nhà nước mất khả năng kiểm soát. Nhà nước không đủ lực để kiểm soát đầu tư. Các tập đoàn lại quá lớn trong khi khả năng kiểm soát có giới hạn. Hậu quả, cùng với thể chế không minh bạch dẫn đến việc các cá nhân lợi dụng quyền hành, chức vụ gây nên những sai phạm nghiêm trọng.
Chúng ta cũng thấy, ngay cả khi nói đến đầu tư công thì Quốc hội, Chính phủ mới chỉ chú ý đến đầu tư từ ngân sách Nhà nước, từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Chúng ta bỏ sót đầu tư từ DNNN, trong khi đây là nguồn đầu tư rất lớn.

* Khi đó phải đặt các tập đoàn, DNNN vào “đường ray” nào thưa ông?

* Khó khăn vừa qua có những khách quan của nó, chúng ta thiếu dự báo, thiếu thông tin nên không chỉ có DNNN mà tư nhân cũng khó khăn. Cần hiểu rằng không phải DNNN nào cũng xấu, cũng thua lỗ, vì vậy càng cần tách bạch ra. Tập đoàn, DNNN nào làm nhiệm vụ chính trị, ổn định vĩ mô, làm nhiệm vụ quản lý nhà nước thì tách ra; còn đã kinh doanh thì bảo đảm cạnh tranh công bằng, theo đúng luật pháp, minh bạch và công khai. Chỉ khi tách bạch ra thì chúng ta mới có cơ hội làm rõ hơn và giảm được những thất thoát, thiệt hại trong hoạt động của các tập đoàn. Vấn đề quan trọng hiện nay là thể chế. Không nên để quá nhiều tập đoàn, DNNN trong nền kinh tế. DNNN rất cần thiết nhưng không nên để số lượng quá lớn như hiện nay.

Vì vậy, cần đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DNNN để bảo đảm tính minh bạch, công khai, sự cạnh tranh của thị trường như các doanh nghiệp. Thời gian tới cần hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật Đầu tư công, sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước. Kể cả công tác giám sát của Quốc hội đối với các tập đoàn, DNNN cũng phải được tăng cường. Quốc hội cần có nghị quyết cụ thể hơn để giám sát hoạt động của các tập đoàn, DNNN.

* Dường như sự chậm trễ trong việc hoàn thiện thể chế, buông lỏng giám sát các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã khiến chúng ta phải trả giá đắt?

* Chúng ta đã có Luật Ngân sách Nhà nước. Đối với các tập đoàn, DNNN, tôi được biết Bộ Tài chính đang đẩy nhanh ban hành các văn bản cụ thể hơn trong việc quản lý tài chính của tập đoàn. Vụ Vinalines xảy ra giống như giọt nước tràn ly. Đó là đòi hỏi bức thiết của nhân dân, đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp chặt chẽ hơn trong quản lý, giám sát tài sản của Nhà nước mà các tập đoàn Nhà nước đang quản lý.

Dĩ nhiên, tất cả vấn đề xử lý doanh nghiệp, con người phải có những cơ sở nhất định, theo đúng quy định luật pháp. Nhưng có một điều đáng tiếc trong thời gian qua, các tập đoàn không được kiểm toán. Trong khi đó các báo cáo tài chính toàn theo kiểu, báo cáo thì lãi nhưng thanh tra, kiểm toán xuống lại lỗ. Chưa có một quy định ràng buộc giống như các cơ sở niêm yết trên sàn chứng khoán bắt buộc phải công khai tài chính để cơ quan giám sát có cơ sở kiểm tra. Tới đây cần quy định lại điều này, bắt buộc các tập đoàn phải công bố thông tin, bắt buộc phải kiểm toán, từ đó gắn với trách nhiệm các cá nhân. Anh có thể hưởng lương rất cao nhưng phải thể hiện trách nhiệm của mình.

Trong 5 năm từ 2006 - 2010, tổng vốn đầu tư từ DNNN lên tới 310.000 tỷ đồng, nhưng không có chương trình giám sát. Vì vậy, để bảo đảm các “trụ cột”, cần tăng cường giám sát của Quốc hội đối với nguồn vốn đầu tư từ DNNN. Nhưng trên hết cần có những quy định của luật pháp về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các cá nhân khi để xảy ra thất thoát, sai phạm.

LÂM NGUYÊN

Thông tin liên quan

 Nhiều sai phạm nghiêm trọng ở Vinalines

Tin cùng chuyên mục