Doanh nghiệp Việt Nam - Khát vọng 2013

Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế? Trong năm 2013, họ dự cảm nền kinh tế ra sao và sẽ làm gì để tiếp tục chèo lái con thuyền DN của mình cập bến an toàn? Trước thềm năm mới 2013, PV Báo SGGP đã gặp gỡ một số DN để làm rõ những khát vọng của họ.
Doanh nghiệp Việt Nam - Khát vọng 2013

Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế? Trong năm 2013, họ dự cảm nền kinh tế ra sao và sẽ làm gì để tiếp tục chèo lái con thuyền DN của mình cập bến an toàn? Trước thềm năm mới 2013, PV Báo SGGP đã gặp gỡ một số DN để làm rõ những khát vọng của họ.

  • Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Hưng, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart: Không ngại DN nước ngoài

Trong năm 2013, sức mua theo dự báo cũng không khả quan lắm, nhưng Citimart sẽ xem đây là năm bản lề để “cải cách” nhiều thứ, giống như làm một “cuộc cách mạng” để có thể thay đổi cái nhìn của khách hàng đối với Citimart.

Năm 2013, chúng tôi sẽ khởi động trở lại kế hoạch phát triển đạt 100 siêu vào năm 2017. Với những siêu thị lớn hơi khó tìm mặt bằng nên sẽ chậm hơn một chút nhưng với hệ thống B&B (Best & Buy, diện tích khoảng 250m²) chắc chắn chúng tôi sẽ đẩy nhanh số lượng.

Trong thời điểm các DN bán lẻ nước ngoài đang đầu tư ồ ạt, nhưng trên thực tế, DN bán lẻ trong nước vẫn hoạt động tốt trong mô hình nhà nước và tư nhân kết hợp. Họ vừa đẩy nhanh quy mô siêu thị vừa liên kết với nước ngoài để mở trung tâm thương mại. Citimart cũng không lo đối đầu với các DN nước ngoài vì có một lượng khách hàng nhất định và mình đang ở thế “sẵn sàng chiến đấu” nên biết rất rõ hướng đi của họ thế nào, họ cần gì...

Tuy nhiên, điều tôi mong mỏi là người VN nên bảo vệ người VN, thông qua nhiều cách khác nhau. Thứ nhất, người VN nên ủng hộ mua hàng ở những siêu thị của VN. Thứ hai, các DN phải liên kết để có tiếng nói chung chứ không nên “mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Mình phải có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững mới có thể đương đầu với các đối thủ nước ngoài.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành. Ảnh: CAO THĂNG

  • Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty May túi xách Hương Mi (Hami): Chủ động giá thành

Hai năm gần đây, hầu hết các DN đều gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng với Hami, do may mắn được tham gia chương trình bình ổn giá, với tiêu chí sản xuất các mặt hàng chất lượng, nhưng giá luôn phải thấp hơn giá thị trường nên doanh số bán ra ngày càng tăng, với lượng hàng bán ra khoảng 600.000 sản phẩm. Trên thực tế, việc tham gia bình ổn, DN chỉ được vay nguồn vốn rất ít, Hami xem đây là vốn mồi. Phần còn lại DN phải chủ động tìm các nguồn vốn khác để chuẩn bị dự trữ đủ nguyên vật liệu sản xuất cho cả năm sau. Tôi cho rằng, kinh tế càng khó khăn, DN càng phải chủ động về mọi mặt. Chỉ như vậy mới giúp DN vượt khó khăn, khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng.

Năm 2013, theo dự báo của Hami, sức mua sẽ còn hạn chế. Nhưng với mặt hàng cặp xách thì nhu cầu thị trường vẫn rất lớn. Mục tiêu của Hami là huy động mọi nguồn vốn giá rẻ để tiếp tục mua và dự trữ đủ các loại nguyên vật liệu, đồng thời đầu tư thiết bị công nghệ cao để tiết giảm tối đa lao động phổ thông; cơ cấu lại bộ máy sản xuất theo hướng chia nhỏ các tổ sản xuất để quản lý tốt hơn; nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường để đưa ra các sản phẩm có kiểu dáng và hình ảnh đẹp.

  • Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa - Bibica: Khẳng định thương hiệu Việt

Năm 2013, sức mua được đánh giá vẫn chậm do nền kinh tế chưa hết khó khăn. Thế nhưng, nhà nước đã đề ra những bước đi thích hợp, đưa ra nhiều chính sách vĩ mô, ổn định kinh tế, đồng thời có một số chính sách để hỗ trợ DN, khơi thông thị trường bất động sản nên nhiều khả năng các DN sẽ dễ chịu hơn so với năm 2012. Bibica xác định, trong khủng hoảng, nếu DN tìm được hướng đi phù hợp vẫn có thể phát triển.

Đặc biệt, trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bản thân mỗi DN cần phải có những “vũ khí bí mật”, đó là những sản phẩm tốt, giá thành tốt. Để kiên định mục tiêu này, hàng năm Bibica đã chi khoảng 20 tỷ đồng để làm mới bao bì sản phẩm, marketing, đưa ra thị trường các sản phẩm mới... Nếu DN thiếu đi các điều kiện trên, cho dù được nhà nước hỗ trợ nhiều mặt thì DN cũng sẽ bị loại bỏ trên thị trường.

Đến thời điểm này, các sản phẩm của Bibica có thể tự tin để cạnh tranh trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm bởi chính chất lượng và giá cả phù hợp với nhiều túi tiền của người dân. So với hàng ngoại nhập, các dòng sản phẩm cao cấp của Bibica không chỉ đẹp về bao bì, mẫu mã, chất lượng tốt nhưng giá luôn rẻ từ 25% - 30%. Hy vọng một ngày không xa, những sản phẩm của VN nói chung và Bibica sẽ thay thế được hàng ngoại nhập.

  • Bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Liên Thành: Tạo sự khác biệt của sản phẩm

Là một DN có bề dày 107 năm sản xuất và chế biến nước mắm, Liên Thành đã chỉ cho người tiêu dùng biết thế nào là nước mắm nhĩ nguyên chất, nước mắm xá và nước mắm pha,… thông qua hàng loạt sản phẩm rất đặc trưng của mình. Trong 2 năm 2009 và 2010, Liên Thành đã đột phá về doanh thu tăng tới 80% so với bình quân của giai đoạn 2000 - 2008 chỉ ở mức 10%.

Trong năm 2013, Liên Thành sẽ vẫn kiên định với hoạt động của mình, đó là đầu tư, chăm chút hơn cho sản phẩm, tiếp tục đưa ra thị trường những sản phẩm khác biệt. Trong bối cảnh DN trong nước không có nhiều kinh phí để quảng cáo sản phẩm, Liên Thành sẽ tận dụng tất cả các kênh phân phối để phát triển mạng lưới tiêu thụ. Với cách tiếp cận kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chắc chắn nước mắm Liên Thành sẽ khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường bằng chính chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng.

  • Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina: Minh bạch chính sách hỗ trợ

Tình hình kinh tế năm 2012 quá khó khăn. Trong đó, việc đóng băng của thị trường bất động sản đã kéo theo hàng trăm ngành nghề khác, trong đó có ngành sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Đối với ngành thép mà Pomina đang sản xuất kinh doanh bị tác động trực tiếp khi hàng loạt dự án không thể hoặc ngừng triển khai. Do đó, giải pháp cần làm ngay trong năm 2013 là đưa lãi suất về dưới 8%/năm.

Trong những ngày qua, Chính phủ đã có những chính sách đột phá, trong đó có giải pháp hữu hiệu vực dậy thị trường bất động sản. Đây là một chủ trương, chính sách sát sườn, cộng đồng doanh nghiệp lẫn người dân rất phấn khởi. Bởi cứu thị trường bất động sản sẽ vực dậy các thị trường liên quan, giảm hàng tồn, tạo ra công ăn việc làm… Tuy nhiên, cần lưu ý các chính sách khi triển khai cần cụ thể, minh bạch, tránh trường hợp chung chung như trước đây. Trong đó, phải thể hiện rõ chính sách áp dụng vào thời điểm nào, tài chính ra sao và những lĩnh vực nào được hỗ trợ... 

THÚY HẢI - THẢO NGA - LẠC PHONG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục