Rủi ro lạm phát còn cao

Rủi ro lạm phát còn cao

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh tháng 1 chưa khởi sắc, trong khi chỉ số giá cả (CPI) ở mức 1,25% - cao gấp 4 lần mức tăng của tháng 12-2012… phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

TS Võ Trí Thành

TS Võ Trí Thành

- Phóng viên: Thưa ông, có thể “đọc” thấy điều gì qua những chỉ số thống kê tháng 1, đặc biệt là chỉ số CPI?

>> TS VÕ TRÍ THÀNH: Có thể thấy đà khó khăn của năm 2012 vẫn còn tiếp tục lạm phát như vậy không quá bất thường nhưng phản ánh một điều là rủi ro lạm phát vẫn còn đó, có thể tăng trở lại. Có những rủi ro cơ bản phải phân tích. Đầu tiên, phải nói rằng năm 2012 chúng ta có thành công ít nhiều trong việc hạ nhiệt lạm phát từ mức 18% - 20%/cả năm xuống còn 6,81%; trong đó có may mắn là giá lương thực thực phẩm giảm mạnh (nhưng nếu tính lạm phát lõi thì vẫn cao, khoảng 10%). Như thế vẫn còn nguy cơ “sốc giá”.

Mặt khác, lạm phát ở Việt Nam thường liên quan đến những mặt hàng do Chính phủ kiểm soát giá. Rõ nhất là hồi tháng 8, lạm phát dềnh lên là do trước năm học mới giá hàng loạt dịch vụ giáo dục, y tế được điều chỉnh tăng. Vừa qua cũng vậy, giá y tế đẩy CPI lên 0,5%. Nói cách khác, CPI chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cách ứng xử đối với những hàng hóa, dịch vụ còn kiểm soát giá, không phải chỉ có các loại phí, mà còn giá dầu, giá điện... Mặc dù cung tín dụng giảm mạnh, từ hơn 30% năm 2010 còn 12% năm 2011 và năm 2012 (tính đến 20 - 12) chỉ có 6,4%, nhưng trong 10 ngày cuối tháng “nhả” mạnh lên tới 8,9%. Cộng với các biện pháp khác, tính ra cung tiền tổng thể vẫn lớn. Trong khi lòng tin chưa cao bất kỳ sự thay đổi nào trên thị trường cũng có thể dẫn đến lạm phát.

Cuối cùng là điều hành vĩ mô. Mục tiêu kép phải đạt đến là vừa tiếp tục ổn định, vừa hỗ trợ thị trường, phục hồi, sản xuất kinh doanh nên liều lượng chính sách là rất quan trọng. Hỗ trợ yếu quá thì không ăn thua, thị trường không bật lên được, nhưng nới mạnh quá thì bất ổn lại quay trở lại. Đó là chưa kể Chính phủ còn phải dành tâm lực, trí lực để xử lý nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc nền kinh tế nói chung…

- Như vậy lạm phát cao hoàn toàn có thể quay lại?

Có thể.

- Còn tình hình sản xuất kinh doanh, thưa ông? Việc chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với tháng trước, mặc dù đây là tháng áp Tết Nguyên đán. Điều này có phải do doanh nghiệp còn bế tắc?

Sản xuất vẫn khó khăn. Bên cạnh chỉ số vừa nêu, còn phải để ý đến một số yếu tố khác. Chỉ số tồn kho chẳng hạn. Tính từ tháng trước đến tháng này, chỉ số tồn kho không giảm. Ngoài ra, số doanh nghiệp giải thể nhiều hơn số mới thành lập là một hiện tượng không bình thường đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Tất nhiên thời gian còn ngắn, trong 1 tháng cũng khó nói được xu thế chung của cả năm, nhưng rõ ràng là so với năm 2012 thì tình hình chưa có biến chuyển tốt. Đó là chưa kể dòng tín dụng chưa được khơi thông, nguồn cung tín dụng âm hơn 1%...

- Trong bối cảnh đó, theo ông, phương châm điều hành kinh tế nên như thế nào?

Kiên trì những chính sách tương tự như năm 2012, nhất quán với ưu tiên hàng đầu là ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó, cần thay đổi cách thức tăng trưởng theo hướng coi trọng chất lượng để phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, hạn chế bất lợi cho người nghèo. Bao giờ cũng thế, bất ổn thì người nghèo luôn là đối tượng thiệt thòi nhất. Tín hiệu đáng mừng là ngay từ đầu năm Chính phủ đã chủ động ban hành những nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nhưng liều lượng chính sách thì phải cân nhắc. Trước mắt có những việc cần triển khai sớm: Hiện thực hóa những chủ trương hỗ trợ, quyết liệt khơi thông dòng vốn tín dụng đến doanh nghiệp, chú trọng việc xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Khi tín dụng chưa thể ra nhiều (vì nợ xấu, ngân hàng kém chưa xử lý được), thì đẩy mạnh các chính sách tài khóa, sau đó phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ với tài khóa.

Cuối cùng, câu chuyện của năm nay là lòng tin đang giảm thấp. Người dân muốn thấy những việc làm cụ thể trên thực tế, kết quả của quyết tâm tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế; từ đó xã hội mới tăng cường đầu tư, tiêu dùng... tạo lực đẩy sản xuất kinh doanh.

Anh Thư thực hiện

Tin cùng chuyên mục