Tăng trưởng GDP không nên là chỉ tiêu thi đua

TS kinh tế Nguyễn Minh Phong đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh việc số liệu về tăng trưởng GDP quý 1-2013 cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Tăng trưởng GDP không nên là chỉ tiêu thi đua

TS kinh tế Nguyễn Minh Phong đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh việc số liệu về tăng trưởng GDP quý 1-2013 cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.

* Phóng viên:
Thưa ông, sau khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố tăng trưởng GDP quý 1 là 4,89%, một số nhà quan sát trong nước tỏ ra hồ nghi. Họ cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng rất thấp thì GDP không thể tăng ở mức đó, bởi những năm trước tín dụng tăng trên 20% - 30% mà tăng trưởng chỉ ở quanh mức 6% - 7%. Ông có bình luận gì?

* TS NGUYỄN MINH PHONG: Tôi lại cho rằng nếu số liệu chính xác như công bố thì đó là điều đáng mừng, vì chất lượng tăng trưởng tăng lên, nền kinh tế không quá bị lệ thuộc vào nguồn vốn vay. Phân tích kỹ báo cáo của Tổng cục Thống kê có một chi tiết đáng lưu ý, đó là nhận định: “GDP quý 1 có đóng góp quan trọng của khu vực dịch vụ”. Đúng là dịch vụ thì không cần nhiều vốn, có thể tạo ra giá trị gia tăng cao và có thể coi là “cơ chế mềm” để điều chỉnh tăng trưởng.

TS kinh tế Nguyễn Minh Phong

TS kinh tế Nguyễn Minh Phong

Những lo ngại về độ chính xác của con số thống kê không phải hoàn toàn không có cơ sở, vì lâu nay chúng ta vẫn thấy có tình trạng GDP do các địa phương báo cáo thường cao hơn GDP cả nước, cứ dựa trên những thông tin đã bị “thổi lên” mỗi nơi một chút thì kết quả khó có thể chính xác được. Mặc dù vậy, tôi vẫn cho rằng con số thống kê cơ bản đã phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế, nếu tính tới bộ phận “kinh tế ngầm”. Trong bối cảnh nền kinh tế sử dụng tiền mặt là phổ biến, các quy định pháp luật chưa buộc được doanh nghiệp phải kê khai, hạch toán thật minh bạch doanh thu, lợi nhuận của mình thì phần bị “giấu đi”, chưa được phản ánh vào thống kê sẽ bù lại phần nào sự sai biệt trong thống kê do khách quan, thậm chí là cố ý. Đây cũng không phải hiện tượng chỉ xảy ra ở Việt Nam, nước nào cũng có, ở những mức độ khác nhau. Có nước (như Nga) kinh tế ngầm được ước tính tới 50% phần chính thức. Đòi hỏi số liệu thống kê chính xác hơn luôn luôn là cần thiết nhưng chính xác tuyệt đối là rất khó.

* Vậy theo ông, liệu có thể đạt được chỉ tiêu kế hoạch về tăng trưởng GDP năm nay?

* Hai năm gần đây chúng ta đã có sự thay đổi căn bản trong nhận thức lý luận, theo đó tăng trưởng GDP không còn là mục đích tối thượng, không phải là chỉ tiêu thi đua! Cũng sẽ không có chuyện vì không đạt được chỉ tiêu này mà “bắt lỗi” Chính phủ, chính quyền địa phương nữa. Đây là tư duy mới, đề cao yếu tố ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát hợp lý và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nền kinh tế đã hội nhập ở mức độ cao mà khi kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, thậm chí âm, đòi hỏi GDP của nước ta tăng cao là không hợp lý. Hơn nữa, GDP cao nhưng xã hội bất bình đẳng, không ổn định, lãng phí thì cũng rất nguy hiểm. Phải thông suốt như vậy chúng ta mới có thể quyết liệt thực hiện tái cơ cấu kinh tế, vì việc này chắc chắn sẽ làm giảm tăng trưởng GDP trong ngắn hạn.

* Quay trở lại với câu chuyện của GDP quý 1 năm nay, ông có cho rằng đó là dấu hiệu đáng lo ngại? Giải pháp cho những quý tới là gì?

* Tôi được biết theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam sẽ đạt 5,2% (thấp hơn không nhiều so với mức 5,4% mà ADB đưa ra cuối năm ngoái) và sang năm 2014 sẽ tốt hơn. Việt Nam vẫn là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, theo nhìn nhận khách quan của họ, tình hình chưa có gì đến mức đáng làm ầm ĩ! Tất nhiên, có khá nhiều việc phải làm, như phải kiên quyết xử lý nợ xấu; nâng cao hiệu quả đầu tư; kiên định thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, cho dù có thể vấp phải những lợi ích nhóm, thậm chí có thể cả ở cấp cao. Trong đó, theo tôi, một việc rất đáng báo động là tinh thần, chất lượng làm việc của đội ngũ công chức. Nợ xấu và thiếu trách nhiệm công vụ chẳng khác nào chiếc hố không đáy hút cạn kiệt nguồn lực xã hội và làm chậm quá trình phát triển.

Cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng những ý kiến bình luận cần được đưa ra một cách nhất quán về quan điểm. Khi đã thống nhất nhìn nhận tăng trưởng GDP không phải là mục tiêu quan trọng nhất - mà là chất lượng tăng trưởng - thì phải chấp nhận việc tăng trưởng GDP có thể sút giảm đi trong ngắn hạn và phải chuẩn bị sẵn nhiều loại “thuốc” giải cho những tình huống khác nhau. Đó là tính nhân văn và trách nhiệm xã hội của người phản biện. 

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục