Nền kinh tế đang mở ra dư địa cải cách lớn

Còn đó nỗi lo lạm phát
Nền kinh tế đang mở ra dư địa cải cách lớn

“Nếu không có những biện pháp dài hạn thì không thể vượt qua những khó khăn ngắn hạn”. Đó là nhận định của PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, về tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng. 

Tính đến thời điểm này Vinashin đã tái cơ cấu được nhiều doanh nghiệp. (Ảnh: Đóng tàu xuất khẩu tại Vinashin). Ảnh: Cao Thăng

Tính đến thời điểm này Vinashin đã tái cơ cấu được nhiều doanh nghiệp. (Ảnh: Đóng tàu xuất khẩu tại Vinashin). Ảnh: Cao Thăng

Còn đó nỗi lo lạm phát

Không thể phủ định là vừa qua cũng đã có một số yếu tố làm cho nền kinh tế chuyển động theo hướng phục hồi ổn định và tăng trưởng. Ví dụ lạm phát giảm khá mạnh, kéo theo lãi suất hạ hay GDP quý 2 tăng nhanh hơn quý 1. Lãi suất hạ, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được vốn. Khi doanh nghiệp đã quá yếu sức thì lãi suất 10% - 12%/năm, thậm chí 9% - 10%/năm vẫn là cao. Nợ xấu, chưa xoay chuyển được một cách thực chất, vì năng lực trả nợ chưa được cải thiện thực sự, chỉ mới là phép đảo (cơ cấu lại nợ) để nợ cũ, nợ xấu thành khoản vay mới. Như vậy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Mặt khác, khi nền kinh tế đang yếu thì nỗi lo lạm phát cũng phải khác lúc đang mạnh. Kinh tế “khỏe”, dù CPI tăng thêm 4% - 5% có thể vẫn chưa có vấn đề gì lớn, nền kinh tế vẫn đủ “khỏe” để chịu được. Nhưng khi nền kinh tế yếu đi thì lạm phát chỉ tăng thêm 1% thôi có thể cũng đã rất nguy hiểm vì nó sẽ tác động ngay đến lãi suất, trong khi chúng ta đang rất cần giảm lãi suất để các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Tôi cho rằng giai điệu “không nên quá lo lạm phát, cần kích cầu mạnh để cứu tăng trưởng” bây giờ mà hát lên là hơi sớm, dễ dẫn đến tâm lý chủ quan!

Hoàn toàn có lý khi các chuyên gia nước ngoài đánh giá rằng chưa giải tỏa được nợ xấu một cách thực sự thì khó lòng đẩy tín dụng lên được. Hãy nhìn “gói giải cứu bất động sản” 30.000 tỷ đồng mà xem. Do nhiều thứ thủ tục, tiêu chuẩn... nên không dễ giải ngân, dù tiền đã có. Trong khi đó, nếu bơm khoản vốn đó ra nhanh mà không giám sát chặt chẽ sẽ nảy sinh tiêu cực, gây méo mó thị trường và làm hư hỏng cơ chế, bộ máy. Xin nói thẳng là việc kích cầu phải rất thận trọng. Chúng ta đã phải trả giá đắt cho hai lần kích cầu năm 1998 và 2009.

Ưu tiên giải tỏa nợ xấu và tái cơ cấu DNNN

Trong những tháng tới, theo tôi, có hai việc phải ưu tiên hàng đầu, tức là ưu tiên hơn tăng trưởng. Một là ổn định vĩ mô, không chỉ là kiềm chế CPI mà còn gắn với việc củng cố lòng tin của thị trường vào ứng xử chính sách; ở sự kiên định và quyết tâm thực hiện đến cùng các cam kết của Chính phủ. Nếu lựa chọn ưu tiên này thì đầu tiên phải tập trung giải quyết nợ xấu. Giải quyết nợ xấu một cách thực chất thì phải có tiền thật, phải có nhiều tiền. Giải quyết hàng tồn kho cũng phải có tiền thật. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lực cho tăng trưởng bị san sẻ bớt.

Về cách làm, để giải quyết tốt nợ xấu, Chính phủ nên ưu tiên trả tiền nợ xây dựng cơ bản cho các doanh nghiệp. Trả được món nợ này thì nợ xấu của nhiều doanh nghiệp tại các ngân hàng cũng bớt đi rất nhiều, đồng thời doanh nghiệp có nguồn lực để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.

Để trả nợ cho doanh nghiệp trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, Nhà nước có thể bán bớt tài sản đi, lấy tiền đó trả nợ doanh nghiệp. Bán rẻ hơn bình thường cũng được, vì bây giờ là lúc bất bình thường. Tính toán kỹ giá trị thời điểm, chi phí cơ hội thì có khi bán rẻ một chút lại cứu được nhiều doanh nghiệp khác, khai thông nền kinh tế.

Việc thứ hai cần phải đặt ra quyết liệt hơn rất nhiều là tái cơ cấu DNNN. Thực hiện nhiệm vụ tất nhiên tốn rất nhiều tiền. Ví dụ, nợ của Vinashin lên tới cả gần trăm ngàn tỷ đồng. Để tái cơ cấu Vinashin được, phải trả khoản nợ đó. Đây là điều kiện tiên quyết của tái cơ cấu. Mà chúng ta đâu chỉ có một Vinashin! Chúng ta còn có Vinalines và nhiều “Vina” khác như vậy.

Vì vậy, trong điều kiện ngân sách khó khăn, doanh nghiệp đang suy kiệt, Chính phủ nên tập trung chỉ đạo tái cơ cấu chỉ 2 - 3 tập đoàn, làm thật nghiêm túc, chặt chẽ để bảo đảm thành công. Từ đó, rút được kinh nghiệm cho công cuộc tái cơ cấu chung, vừa tạo đà rất tốt, tạo tâm lý phấn chấn vì người ta thấy Chính phủ đã thực hiện đúng và triệt để cam kết. Đằng nào cũng phải tái cơ cấu, vậy thì tại sao không chọn hẳn những doanh nghiệp tốt mà làm trước? Bán được vốn ở những doanh nghiệp này, ngân sách sẽ có thêm tiền để tái đầu tư. Tất nhiên, đã tái cơ cấu thì cũng phải bớt vốn cho đầu tư tăng trưởng.

Tóm lại, cách hành xử chính sách phụ thuộc vào mục tiêu ưu tiên. Nguồn lực không nhiều, nên phải tính. Cụ thể theo tôi, năm nay có thể đặt mục tiêu tăng trưởng vừa phải thôi, ví dụ 4,5% - 5,0%. Nếu xuống dưới mức đó mà ảnh hưởng trầm trọng đến việc làm, thu nhập, gây bất ổn xã hội thì chúng ta kiên quyết giữ mức đó, đầu tư chỉ “vừa đủ” đạt mức đó. Nguồn lực còn lại tập trung để lo giải tỏa các “cục máu đông” như đã nói ở trên.

Nghĩ dài hạn sẽ vượt qua khó khăn ngắn hạn

Nhìn ở khía cạnh tích cực thì khó khăn, khủng hoảng cũng là cơ hội để tiến hành cải cách mạnh mẽ nhất. Yếu về lực nhưng tinh thần minh mẫn thì vẫn có cách để khắc phục. Tôi cho rằng hiện nay, trong nền kinh tế, vẫn còn nhiều nguồn lực có thể động viên được nếu thị trường có lòng tin. Vĩ mô ổn định, chính sách nhất quán, người ta sẽ bỏ vốn ra, không cất giữ trong vàng, ngoại tệ trong két sắt hay “bao tượng” nữa, mà sẽ đầu tư. Nguồn này không hề nhỏ. Hoặc khi củng cố được lòng tin, chúng ta cũng không khó tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Chúng ta đã từng có kinh nghiệm sâu sắc là nếu không có những biện pháp dài hạn thì không thể vượt qua những khó khăn ngắn hạn được.

Những năm 1986 - 1990 cũng là giai đoạn rất khó khăn, chúng ta đã tập trung vào những chính sách chiến lược và thành quả đạt được rất lớn, với những khung khổ pháp lý làm tiền đề căn bản cho đầu tư nước ngoài, chính sách tiền tệ, tỷ giá, động viên được sự phát triển của khu vực tư nhân... Cứ loay hoay theo kiểu “rách đâu vá đó”, gỡ được chỗ này, chỗ kia lại rối…

Đặc biệt, phải xác định với nhau là sẽ không có cái gì tương tự phép màu nhảy vọt chỉ sau một đêm! Bất động sản và nợ xấu là câu chuyện gay go cho cả nhân loại. Các nước nhiều kinh nghiệm hơn, giàu nguồn lực hơn, kỷ luật tài chính còn tốt hơn ta mà cũng phải mất dăm bảy năm, thậm chí hàng thập kỷ mới xử lý triệt để được.

Nhưng có đủ cơ sở để có một lòng tin và sự lạc quan dài hạn: Nền kinh tế đang mở ra dư địa cải cách rất lớn. Đó là cơ hội lớn đang mở ra. Hiếm hoi và vẫn có nguy cơ bị bỏ lỡ. Vì vậy, chúng ta phải cố hết sức.

Căn cứ vào số liệu thống kê 7 tháng vừa rồi cho thấy tình hình kinh tế vẫn đang khó khăn, tăng trưởng khó đạt kế hoạch. Những cơ sở cho tăng trưởng dù nhìn ở góc độ nào cũng đang “chòng chành”.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng năm 2012 đã thấp, mà đấy là cơ sở cho tăng trưởng GDP năm nay. Sang đầu năm nay, tín dụng vẫn tiếp tục thấp, thậm chí thấp hơn. Với độ trễ tín dụng tác động đến kinh tế là khoảng 6 tháng - lưu ý là mô hình tăng trưởng của ta chủ yếu là dựa vào vốn đầu tư - thì khó mà kỳ vọng tăng trưởng GDP sớm tươi tắn hơn được.

Thứ hai, ngân sách cũng khó khăn, cả thu lẫn chi đến giữa năm đều chưa đạt mục tiêu. Ngay cả khi Chính phủ rất quyết tâm giải ngân từ đầu năm để tạo lực cầu cho nền kinh tế, nhưng do năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, nên thực tế chi ngân sách vẫn thấp, tác động kích thích từ nguồn ngân sách cũng không lớn được. Trong khi đó, lực lượng trực tiếp tạo ra tăng trưởng GDP cũng chưa thấy có triển vọng gì thật sáng sủa.

Nông nghiệp tuy chỉ đóng góp tỷ lệ nhỏ trong GDP nhưng vẫn an toàn, là vùng đệm cho nền kinh tế trong thời kỳ khó khăn thì năm nay cũng rơi vào tình thế rất khó khăn, kể cả các ngành trồng trọt lẫn chăn nuôi, nhất là chăn nuôi.

Có một điểm sáng là khu vực đầu tư nước ngoài. Khu vực này vẫn tăng trưởng khá tốt. Nhưng nếu nhìn xa hơn, không thể không nhận thấy một tình huống rất đáng quan ngại về mặt chiến lược: Trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước - cả tư nhân lẫn nhà nước - ngày càng yếu đi, FDI vẫn cứ tăng đều và vững chắc. Thu hút thêm FDI, nhất là FDI chất lượng cao, càng nhiều càng tốt. Nhưng nếu chỉ có FDI tốt mà khu vực nội địa yếu đi, kém đi thì đó là xu hướng nguy hiểm.

Tóm lại, tôi cho rằng không nên quá kỳ vọng vào việc đẩy mạnh tăng trưởng GDP trong năm nay, thậm chí cả những tháng đầu năm sau. Nên coi đây là giai đoạn “chững lại” tất yếu chúng ta phải trả giá cho một thời gian dài cơ cấu nền kinh tế có vấn đề, do quản trị điều hành nền kinh tế chưa hợp lý. Bây giờ kích tăng trưởng mạnh, để phục hồi tăng trưởng nhanh mà quên mất giá phải trả thì có thể gây ra hậu quả khó lường cho nền kinh tế.

PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN
BÌNH AN ghi

Tin cùng chuyên mục