Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp - Đầu không xuôi, đuôi không lọt

Doanh nghiệp bảo hiểm than thua lỗ, chậm trễ trong việc bồi thường tiền bảo hiểm cho nông dân vì họ cho rằng một số hộ dân có dấu hiệu trục lợi qua việc bồi thường bảo hiểm. Còn nông dân được bảo hiểm thì lại cho biết công ty bảo hiểm tìm cách làm khó nông dân trong việc bồi thường, thậm chí ngưng hợp đồng bảo hiểm do e ngại rủi ro… Sự nhùng nhằng này khiến cho ý nghĩa của việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không đạt kết quả như mong muốn.
Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp - Đầu không xuôi, đuôi không lọt

Doanh nghiệp bảo hiểm than thua lỗ, chậm trễ trong việc bồi thường tiền bảo hiểm cho nông dân vì họ cho rằng một số hộ dân có dấu hiệu trục lợi qua việc bồi thường bảo hiểm. Còn nông dân được bảo hiểm thì lại cho biết công ty bảo hiểm tìm cách làm khó nông dân trong việc bồi thường, thậm chí ngưng hợp đồng bảo hiểm do e ngại rủi ro… Sự nhùng nhằng này khiến cho ý nghĩa của việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không đạt kết quả như mong muốn.

        Ép thỏa thuận, đền bù

Nhiều người còn cho rằng, mới chỉ thí điểm việc bảo hiểm nông nghiệp mà còn “khó xử”, liệu sau này nhân rộng thì thế nào? Ông Cao Văn Đức, ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, một trong những hộ dân vừa nhận tiền bồi thường từ Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cho hay, gia đình ông tham gia 2 hợp đồng bảo hiểm nhưng mới chỉ nhận được tiền từ 1 hợp đồng với số tiền bồi thường 50 triệu đồng (đã được thỏa thuận khấu trừ 45%).

Vợ ông Đức bức xúc: “Vì khó khăn quá nên gia đình tôi mới chịu thỏa thuận mức đền bù của công ty, chứ thực ra so với số tiền ban đầu công ty đã ký, chúng tôi bị thiệt thòi nhiều lắm”. Do nợ tiền của công ty thức ăn nên không riêng gì gia đình ông Đức mà nhiều hộ dân khác đã chấp nhận mức thỏa thuận đền bù do công ty bảo hiểm đưa ra để có tiền tái sản xuất.

Anh Trần Văn Tổng kéo thử mẻ tôm 4 tháng tuổi được nuôi theo phương pháp công nghiệp ở Cà Mau. Ảnh: Thái Bằng

Anh Trần Văn Tổng kéo thử mẻ tôm 4 tháng tuổi được nuôi theo phương pháp công nghiệp ở Cà Mau. Ảnh: Thái Bằng

Ông Trần Thành Hên, nông dân ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, cho hay, đợt vừa rồi gia đình ông bị thiệt hại 9 ao tôm, ông tham gia bảo hiểm 5 ao, đến nay vẫn chưa được bồi thường. Hợp đồng bảo hiểm được ký từ năm 2012. Nếu bồi thường đầy đủ thì ông có số tiền khoảng 300 triệu đồng, còn muốn được bồi thường nhanh thì phải chịu chấp nhận mức thỏa thuận, chỉ còn khoảng 120 triệu đồng.

Ông cho biết, lúc ký hợp đồng và nhận tiền, doanh nghiệp bảo hiểm không nói trước vấn đề giảm từ 15%-60% đối với tôm trên 50 ngày tuổi, để rồi đến khi bồi thường thiệt hại thì mới đưa ra thỏa thuận. Anh Trần Văn Hải, cán bộ nông nghiệp xã Tạ An Khương, bộc bạch: “Bảo hiểm nông nghiệp là một chủ trương lớn, hợp lòng dân. Lúc đầu thực hiện, chúng tôi có nhiều cố gắng tuyên truyền vận động người dân tham gia. Đến nay, khi nông dân bị thiệt hại thì lại bị chính Công ty Bảo Minh (đại diện cho Nhà nước thực hiện việc chi trả tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại cho dân) “cò kè bớt một thêm hai” khiến cho ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp không đạt hiệu quả”.

Ông Trịnh Hoàng Khanh, Giám đốc Công ty Bảo Minh Cà Mau, cung cấp, năm 2012 công ty đã bồi thường 28 vụ, diện tích thiệt hại 9,240 ha, với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Năm 2013, công ty đã bồi thường 796 vụ, diện tích 260 ha, số tiền gần 45 tỷ đồng. Số hồ sơ phát sinh chưa bồi thường là 1.038 vụ, ước tính số tiền bồi thường gần 74 tỷ đồng.

Thời gian qua, do số hợp đồng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại quá nhiều, công ty còn chờ ý kiến của tổng công ty nên việc bồi thường có hơi chậm. Tuy nhiên, ông Khanh cam kết sẽ sớm hoàn tất việc đền bù cho những hợp đồng hoàn tất hồ sơ trước ngày 15/10. Riêng những hợp đồng chưa chấp nhận mức thỏa thuận thì sẽ báo cáo với UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết.

Người nuôi tôm ở ĐBSCL rất cần bảo hiểm nông nghiệp. Ảnh: DANH NGUYÊN

Người nuôi tôm ở ĐBSCL rất cần bảo hiểm nông nghiệp. Ảnh: DANH NGUYÊN

        Cần cơ chế thống nhất

Theo thống kê, từ khi triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đến nay trên địa bàn 3 xã của huyện Đầm Dơi có 1.035 hợp đồng tham gia, với diện tích 389,39 ha. Tổng giá trị hợp đồng đã ký là 17,3 tỷ, trong đó người dân đóng góp 7,2 tỷ đồng. Theo đó, trên toàn huyện có 1.012 hợp đồng bị thiệt hại với diện tích 295,96 ha. Trong đó có 487 hợp đồng được bồi thường với diện tích 178,455 ha, số tiền 28,8 tỷ đồng. Anh Trần Thanh Hải, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tạ An Khương Nam cho hay, toàn xã có 406 hợp đồng được ký kết nhưng đến nay công ty mới chỉ bồi thường 191 hợp đồng. Mặc dù đã có Thông báo số 787 của UBND tỉnh về việc yêu cầu Công ty Bảo hiểm Bảo Minh giải quyết bồi thường nhanh những hợp đồng bảo hiểm đã ký kết với dân theo đúng quy định nhưng công tác bồi thường thực hiện khá chậm, công ty chỉ ưu tiên bồi thường cho các hợp đồng bị thiệt hại dưới 50 ngày tuổi và những hợp đồng trên 50 ngày tuổi được người dân đồng ý thỏa thuận với mức giảm từ 15%-60%.

Ông Trần Thành Hên bức xúc: “Biểu phí bồi thường ngay từ đầu cũng do công ty quyết định chứ có phải do dân đâu mà bây giờ công ty kêu gọi dân chia sẻ. Mới chỉ là thí điểm thôi mà còn ngược xuôi đủ điều, chúng tôi thấy nản lắm. Chắc sau này khi nhân rộng chẳng ai tham gia”. “Bảo hiểm nông nghiệp là chính sách rất mới với nông dân do chưa quen loại hình này trong sản xuất và đối với tổ chức bảo hiểm cũng là loại hình mới nên không tránh được bất cập. Chương trình đang trong giai đoạn thí điểm nên người dân rất mong mỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp để ý nghĩa chương trình được trọn vẹn hơn và để việc nhân rộng mô hình cũng dễ dàng hơn trong thời gian tới”, ông Trương Minh Hoàng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, chia sẻ. “Chắc chắn rằng, sau đợt nắm tình hình vừa qua của Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, trong kỳ họp tới người dân sẽ được nghe trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề này”, ông Hoàng cho biết thêm.

Số liệu thống kê của tỉnh Sóc Trăng cho thấy năm ngoái doanh nghiệp bảo hiểm ước bồi thường cho 2.500 lượt hộ với 4.750 hồ sơ, số tiền trên 250 tỷ đồng. Hiện còn tồn khoảng 470 hồ sơ chưa thể giải quyết với số tiền bồi thường gần 21 tỷ đồng, chủ yếu là hộ nghèo do còn vướng mắc về thủ tục, đang chờ xem xét duyệt. Tại tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua đã có 1.435 hộ tham gia BHNN với 1.374ha, giá trị được bảo hiểm là 598.329 triệu đồng. Hiện nay, dù là tỉnh có tốc độ giải quyết hồ sơ bồi thường nhanh so với các địa phương khác (do là tỉnh duy nhất của ĐBSCL đã đầu tư được trang thiết bị đủ điều kiện xét nghiệm bệnh tôm) nhưng cũng mới chỉ đền bù được hơn 20 tỷ đồng, do số lượng hồ sơ yêu cầu bồi thường quá lớn, diện tích dàn trải.

HUỆ NHƯ

Tin cùng chuyên mục