Đổi mới lâm trường quốc doanh: Bình mới rượu cũ? - Bài 1: 10 năm và sự thay đổi

LTS:
Đổi mới lâm trường quốc doanh: Bình mới rượu cũ? - Bài 1: 10 năm và sự thay đổi

LTS: Từ thực trạng các lâm trường quốc doanh hoạt động không hiệu quả, tháng 6-2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh”. Đến nay, việc triển khai nghị quyết liên quan đến đời sống của hàng vạn người dân đã bước vào năm thứ 11. Chúng tôi đã đến nhiều nơi thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi có nhiều lâm trường đang hoạt động, để tìm câu trả lời.

Tiếp tục đổi mới bởi trước đó đã có đến 3 đợt đổi mới hoạt động các lâm trường vào những năm 1991, 1995 và 1999. Không thể phủ nhận, qua 10 năm đổi mới, các lâm trường cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thực chất những đổi thay chỉ là “bình mới rượu cũ”?

        Đuối sức trong quản lý

Thực hiện NQ 28, các lâm trường quốc doanh đã hoàn thành việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, sắp xếp, chuyển đổi thành các DN sở hữu nhà nước. Theo Bộ NN-PTNT, đến nay, các lâm trường quốc doanh đã sắp xếp từ 256 lâm trường quốc doanh xuống còn 148 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp (gọi tắt CTLN), 3 công ty cổ phần, 91 ban quản lý rừng và đã giải thể 14 lâm trường quốc doanh hoạt động không hiệu quả. Sau quá trình sắp xếp, diện tích đất do các lâm trường quốc doanh quản lý cũng chỉ còn 2.064.690ha (giảm khoảng 50% so với trước đó). Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng các chuyên gia cho rằng thực tế vẫn bộc lộ nhiều yếu kém. Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý đất rừng hiện vẫn còn bất cập, nhiều nơi chính quyền địa phương bất lực để tình trạng xâm lấn, rừng bị “cạo trọc” kéo dài, trong khi các CTLN đang có phần “đuối sức” trong quản lý.

Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, hiện 148 CTLN đang quản lý hơn 2 triệu ha đất rừng. Như vậy, trung bình mỗi CTLN quản lý gần 14.000ha đất rừng. “Với diện tích đó nên nhiều CTLN quản lý không xuể, nhiều diện tích đất xâm lấn, rừng bị khai thác trái phép nằm ngoài khả năng kiểm soát của các công ty này” - ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam nhận định.

Tìm hiểu thực tế, CTLN Đông Bắc (tỉnh Lạng Sơn) hiện đang quản lý gần 22.000ha đất rừng (trên địa bàn 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Thái Nguyên) nhưng diện tích đất bị lấn chiếm lên tới 17.095ha.

Người dân xã Tân Thành, tỉnh Lạng Sơn lấy cây giống tại các trại sản xuất cây giống của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc. Ảnh: Huy Anh

Người dân xã Tân Thành, tỉnh Lạng Sơn lấy cây giống tại các trại sản xuất cây giống của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc. Ảnh: Huy Anh

CTLN Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) được giao quản lý hơn 19.000ha đất nhưng đã bị các hộ dân lấn chiếm khoảng 7.000ha, riêng tại xã Quảng Thành có hơn 2.000ha bị lấn chiếm và chặt phá. Ông Nguyễn Chí Thung, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành (tỉnh Đắk Nông), cho biết, trên địa bàn xã, Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (thuộc CTLN Gia Nghĩa) chỉ có 12 người nhưng quản lý đến 2.700ha rừng tự nhiên nên tại những vùng xí nghiệp này quản lý, tình trạng xâm lấn đất rừng, phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất diễn ra thường xuyên và rất phức tạp. “Chính vì “ôm” quá nhiều đất rừng mà quản lý không nổi nên tài nguyên rừng ngày càng bị suy giảm” - ông Thung quả quyết. Tương tự, CTLN Yên Bình (tỉnh Yên Bái) được giao 1.400ha đất rừng nhưng trên thực tế hiện công ty chỉ quản lý được khoảng 600ha, còn lại 800ha người dân đang “mượn” canh tác. “Công ty chỉ còn 8 cán bộ nên quản lý không xuể”, ông Phạm Đăng Hân, Giám đốc CTLN Yên Bình, xác nhận.

        Thay bình chưa thay rượu

Kết quả cuộc khảo sát mới đây tại các nông - lâm trường quốc doanh tại 15 tỉnh, TP của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho thấy, các nông - lâm trường tổ chức sản xuất chưa hiệu quả, 50% trong tổng số gần 150 nông - lâm trường quốc doanh hoạt động thua lỗ. Nguyên nhân vì năng lực quản trị yếu kém, các nông - lâm trường tổ chức sản xuất chưa hiệu quả.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện NQ 28, Bộ NN-PTNT cho biết, sau sắp xếp, hầu hết các CTLN ổn định và phát triển vùng nguyên liệu sẵn có của mình và không ngừng nâng cao đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung. Các CTLN đã từng bước tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích, đã gắn sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc kinh doanh tổng hợp; tự tổ chức sản xuất hoặc giao khoán cho các hộ thành viên trồng và bảo vệ rừng, khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tổng thể như vậy, nhưng thực tế cho thấy, không ít các lâm trường quốc doanh sau khi chuyển sang CTLN gặp không ít khó khăn, thậm chí phải ôm nợ. Ông Phạm Đăng Hân, Giám đốc CTLN Yên Bình (tỉnh Yên Bái), cho biết: Sau khi chuyển sang mô hình CTLN, công ty có 17 biên chế, do tình hình khó khăn nên sau đó đã giảm còn 8 biên chế. “Vốn điều lệ của công ty hơn 3,5 tỷ đồng nhưng thực tế công ty không có vốn hoạt động và còn phải “ôm” khoản nợ hơn 6 tỷ đồng. Để duy trì hoạt động, công ty phải cầm cố tài sản, thậm chí vay lương của công nhân viên để trả nợ. Để giải quyết khó khăn, chúng tôi nhiều lần buộc phải khai thác rừng non 4 - 6 tuổi với giá trị thấp, sản lượng chỉ đạt khoảng 30% - 60%/ha với giá bán khoảng 15 - 30 triệu đồng/ha, thay vì được 70 - 100 triệu đồng/ha đối với khi khai thác rừng đúng tuổi 8 - 10 năm” - ông Hân bộc bạch.

CTLN Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) được giao quản lý 19.000ha đất rừng để phát triển và kinh doanh cây rừng nhưng nhiều năm gần đây cũng “đuối sức”. Ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Gia Nghĩa cho biết, sau khi chuyển qua DN tự chủ, nhiều năm qua công ty trong tình trạng thiếu vốn nên gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ diện tích công ty đang quản lý đã giao hết cho công nhân, trong đó có một số diện tích đất đang bỏ hoang vì không có vốn đầu tư. Theo ông Quân, việc đầu tư trồng rừng không cho hiệu quả kinh tế, lãi không đủ trả lương cho nhân viên vì mức đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài lại rủi ro, nhất là khi xảy ra cháy rừng. Vì thế, thay vì vay vốn để đầu tư trồng rừng, ông Quân cho biết công ty đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để kinh doanh… nhà hàng, khách sạn với lý do duy trì công ty và lo cuộc sống cho công nhân viên (?!)

Lý giải thực trạng trên, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển - CODE cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của việc sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh là nâng cao hiệu quả hoạt động của các lâm trường quốc doanh. Tuy nhiên, quá trình đổi mới của lâm trường quốc doanh chỉ dừng lại ở việc đổi tên nhưng hoạt động của CTLN hiện nay đa số vẫn “bình mới rượu cũ”. Mặc dù chuyển sang công ty kinh doanh, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng rất ít CTLN duy trì được khả năng kinh doanh mà chỉ khư khư ôm đất rừng, trong khi quản lý và kinh doanh không hiệu quả. “Chỉ một số rất ít CTLN sản xuất nguyên liệu giấy, chế biến lâm sản làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận, còn lại phần lớn các CTLN kinh doanh thua lỗ, một số có nguy cơ phá sản” - ông Tú cho hay.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục