Rút kinh nghiệm khi tăng bội chi ngân sách Nhà nước

(SGGPO).- Đó là đề nghị của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khi xem xét, thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012.

Trước đó, khi trình bày báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 17-4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP. Quyết toán số bội chi là 154.126 tỷ đồng, so dự toán vượt 13.926 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP thực tế. Đây là con số nằm trong tỷ lệ bội chi được Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, số bội chi như báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết tình hình bội chi, chẳng hạn như chưa tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm, nợ đọng xây dựng cơ bản, tạm ứng vốn lớn chưa thu hồi...

“Đề nghị Chính phủ xác định lộ trình cụ thể để xử lý những khoản nợ và khoản ứng nêu trên nhằm bảo đảm tính chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Phùng Quốc Hiển, mặc dù tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước tính trên GDP có giảm so với dự toán (4,8%) nhưng số bội chi lại tăng 13.926 tỷ đồng so với dự toán được Quốc hội quyết định. Việc Chính phủ điều hành tăng bội chi ngân sách Nhà nước trên cơ sở tăng giải ngân nguồn vốn ODA (tăng 17.143 tỷ đồng) theo báo cáo của Chính phủ là tích cực, nhưng lẽ ra cần có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện. “Trường hợp này đã được quy định tại khoản 2, điều 49 của Luật Ngân sách Nhà nước, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm”.

Đáng lưu ý, Chính phủ đề nghị cho phép quyết toán chi chuyển nguồn số tiền 383,02 tỷ đồng do việc thu hồi vốn của một số dự án chậm giải ngân để phân bổ cho một số dự án khác của các bộ, ngành. Tuy tán thành đề nghị này, song Thường trực cơ quan thẩm tra cũng cho rằng Chính phủ “cần rút kinh nghiệm, trước khi thực hiện cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị làm rõ tại sao đã chỉ ra nhiều hạn chế và kiến nghị tăng thu, giảm chi nhiều tỷ đồng mà cuối cùng cả cơ quan thẩm tra và kiểm toán đều đồng ý với con số được Bộ Tài chính báo cáo. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng chia sẻ quan điểm này. Ông Phước thẳng thắn: “Năm sau, khi quyết toán ngân sách nhà nước 2013 thì Bộ trưởng Bộ Tài chính phải trả lời là tại sao cứ sai hết năm này sang năm khác và phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục