TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Gấp rút xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu

- Phóng viên:
TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Gấp rút xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu

ĐBSCL là vựa lúa cả nước. Năm 2014, sản lượng lúa ĐBSCL vượt ngưỡng 25 triệu tấn, tăng gần 3,5 triệu tấn so với năm 2010. Thế nhưng đầu ra nông sản rất bấp bênh; sản xuất manh mún, hạt gạo vẫn chưa có thương hiệu… Nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra. Đồng cảm và chia sẻ vấn đề này, TS Lê Văn Bảnh (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.

- Phóng viên: Với diện tích đất bình quân hiện nay khoảng 0,5 - 0,6ha/hộ, làm cách nào để nông dân làm giàu?

>> TS LÊ VĂN BẢNH: Tôi xin làm một phép tính: Nếu diện tích đất sản xuất của nông dân là 1 ha/hộ, làm trong hai vụ lúa đông xuân và hè thu đạt 10 - 12 tấn. Sau khi tính chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương 5-6 tấn lúa. Lấy giá lúa khoảng 6.000 đồng/kg (có lúc chỉ 4.500 đồng/kg) cũng chỉ ở ngưỡng 30 triệu đồng, chia cho trung bình mỗi gia đình là 5 người, tương đương 6 triệu đồng/người/năm. Tính ra thu nhập khoảng 500.000 đồng/người/tháng. Khoản thu nhập này phải chi đủ thứ: cưới hỏi, ma chay, học hành, trị bệnh… Trong khi đi làm công nhân thu nhập ít nhất cũng phải 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đây là bài toán khó trong thời gian tới. Thực tế nhiều nông dân đã bỏ ruộng để vào làm ở các khu công nghiệp vì sản xuất nông nghiệp thu nhập không bằng đi làm ở khu công nghiệp. Tuổi trẻ ở nông thôn bỏ ruộng đồng về thành thị ngày càng nhiều. Câu hỏi đặt ra, sau này ai sẽ là người trồng lúa?

- Hiện nay, chuyện quản lý chất lượng đầu vào cũng đang gây bức xúc trong nông dân?

Một vấn đề đáng quan tâm, nông dân đa số bón thừa phân đạm, gây lãng phí. Thế nhưng tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng tràn lan cũng đáng báo động. Có khi gặp phải “thuốc giả, thuốc dỏm”, nông dân phải phun nhiều lần, chi phí sản xuất tăng cao nhưng có khi vẫn thiệt hại nặng. Đây là thiệt thòi “kép” của nông dân. Ai kiểm soát chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật? Trong khi đó, tình trạng lấy lúa thịt làm lúa giống cấp xác nhận vẫn còn phát sinh. Đây là những nguyên nhân làm độ rủi ro trong sản xuất của nông dân ngày một nhiều hơn.

Vấn đề mang tính sống còn đối với nông dân ĐBSCL sản xuất khoảng 4 triệu ha lúa/năm là phải áp dụng đồng bộ các biện pháp sản xuất canh tác tiên tiến. Trong đó, phải tập trung bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng. Cần đẩy mạnh hỗ trợ các phương tiện sạ hàng để nông dân áp dụng sạ hàng đồng loạt. Có thể nói tập tính của nông dân ĐBSCL là chạy theo năng suất. Ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển đáng kể. Theo đó, Bộ NN-PTNT, từng thời kỳ cũng đặt ra “khung thu nhập sàn” là 50 triệu đồng, rồi 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha đất lúa. Đó là một động lực tốt để lãnh đạo các địa phương và nông dân phấn đấu. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm ở đây là lợi nhuận thật sự của nông dân là bao nhiêu, tỷ lệ lợi nhuận có tăng tỷ lệ thuận với thu nhập?

- Cụ thể chúng ta cần thực hiện những giải pháp nào, thưa ông? 

Đến nay, ở Việt Nam, việc thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn còn yếu và thiếu đồng bộ, tùy thuộc rất lớn vào trình độ và nguồn vốn của nông hộ. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp... cũng là một trong những trở ngại trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả kỹ thuật; nâng cao hiệu quả kinh tế; giải phóng bớt lực lượng lao động trong nông nghiệp; giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân. Cụ thể: Tăng được hiệu quả sử dụng đất đai và lao động; mở rộng được diện tích canh tác, đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn; tiết kiệm các nguồn: giống, phân bón, nước, năng lượng, lao động; cải thiện được chất lượng nông sản, sản phẩm; tăng cường khả năng bền vững của sản xuất nông nghiệp.

- Vấn đề liên kết “4 nhà” chúng ta đã nói nhiều, nhưng hiệu quả ra sao?

Chính phủ và ngành nông nghiệp đều đã nhận thức rõ về vấn đề này. Liên kết vùng và liên kết “4 nhà” để chủ động ứng phó với lũ, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt là việc cấp bách. ĐBSCL có 7 vùng sinh thái, cần phân định từng vùng trồng giống lúa thích hợp gắn với mục tiêu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thứ hai là liên kết tổ chức lại sản xuất. Nông dân sản xuất nhỏ ở ĐBSCL còn nhiều, gắn với tâm lý trồng ăn, dư bán. Doanh nghiệp phải đặt hàng cụ thể, trên cơ sở đó nông dân tổ chức lại sản xuất. Tôi nghe câu chuyện một số người nước ngoài thích ăn gạo Việt Nam mà không biết vui hay nên buồn! Người nước ngoài cho là ăn gạo tươi: mới tháng trước lúa còn ở ngoài đồng ruộng Việt Nam nay gạo đã xuất tới mình rồi. Một số nước, người ta chế biến trữ gạo, trông chờ thời cơ, dự đoán giá cả, dự báo... lúc nào giá cao nhất mới bán. Đó là vấn đề ngành công thương phải tính toán.

- Ông có đánh giá như thế nào về mô hình cánh đồng lớn hiện nay?

Có thể nói, mô hình cánh đồng lớn đang phát triển ở nhiều địa phương là nền tảng vững chắc để áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất hiệu quả. Khi có sản lượng lớn, chất lượng lúa đồng đều, chúng ta sẽ rất thuận lợi xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Theo tôi biết, hiện nay con số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đã vượt xa mốc 100. Chỉ cần 1 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu xây dựng 5.000ha đất sản xuất lúa, thì 100 doanh nghiệp đã hình thành 500.000ha đất sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với bao tiêu lúa hàng hoa. Chỉ lấy năng suất bình quân 6 tấn/ha nhân với 500.000 ha, sẽ bằng 3.000.000 tấn lúa. Con số này đã “qua mặt” con số 1 triệu tấn gạo mua tạm trữ hiện nay. Điều này rất quan trọng trong kênh tiêu thụ và điều tiết giá lúa gạo khi nông dân thu hoạch đồng loạt như hiện nay.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

"Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn chưa xứng tầm nên khoảng cách chênh lệch đời sống thành thị và nông thôn quá lớn. Đó là điểm yếu đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực, dân trí. Đời sống nông dân càng khó khăn do đất trồng lúa ngày càng manh mún! Một nghịch lý là chúng ta đầu tư cho nông nghiệp “ngược chiều”: Các nhà khoa học xin tiền nhà nước nghiên cứu, báo cáo thành công rồi chuyển giao cho nông dân sản xuất. Ở một số nước, viện nghiên cứu nằm trong công ty, nắm bắt thị trường rồi đặt hàng cho nhà khoa học. Các nhà khoa học làm theo đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp cung cấp kết quả nghiên cứu cho nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp về chất lượng, sản lượng"

TS Lê Văn Bảnh

CAO PHONG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục