“Tuyên chiến” với tôm tạp chất

Vấn nạn bơm tạp chất vào tôm đã tồn tại dai dẳng, làm ảnh hưởng đến thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Vừa qua, tại Hội nghị phát triển ngành tôm diễn ra ở Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố “Chính phủ và toàn thể xã hội tuyên chiến với những hành vi bơm tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính”. Vấn đề đặt ra là các ngành, các cấp có giải pháp gì để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng?
“Tuyên chiến” với tôm tạp chất

Vấn nạn bơm tạp chất vào tôm đã tồn tại dai dẳng, làm ảnh hưởng đến thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Vừa qua, tại Hội nghị phát triển ngành tôm diễn ra ở Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố “Chính phủ và toàn thể xã hội tuyên chiến với những hành vi bơm tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính”. Vấn đề đặt ra là các ngành, các cấp có giải pháp gì để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng?

Cục quản lý chất lượng NL-TS kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đưa tạp chất vào tôm

Vấn nạn gần 20 năm

Trước khi Chính phủ “tuyên chiến” với những hành vi bơm tạp chất vào tôm, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án kiểm soát ngăn chặn tạp chất và kế hoạch kiểm soát hóa chất kháng sinh, tạp chất trong tôm. Tại hội nghị này, thông tin tôm “dính” tạp chất được các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra rất đáng quan ngại.

Tại tỉnh Cà Mau, trong năm 2016, tỉnh phát hiện 57 vụ sai phạm, với số lượng gần 12 tấn tôm chứa tạp chất. Tổng số tiền xử phạt hành chính trên 1,7 tỷ đồng. Còn tại Bạc Liêu, 3 năm qua, tỉnh này tiến hành kiểm tra 100 lượt, phát hiện tới 44 trường hợp sai phạm, với số lượng tôm có chứa tạp chất hơn 6,9 tấn, xử phạt hơn 2,1 tỷ đồng. Trạng đưa tạp chất vào tôm cũng diễn ra phức tạp tại tỉnh Sóc Trăng và Kiên Giang.

Trong năm 2016, Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (NL-TS) Bộ NN-PTNT cũng chủ trì, phối hợp với Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp (A86) Bộ Công an thành lập đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất một số cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến tại Bạc Liêu và Cà Mau. Kết quả phát hiện 2 tụ điểm tại tỉnh Bạc Liêu, 1 tụ điểm và 2 doanh nghiệp chế biến thủy sản bơm tạp chất vào tôm tại Cà Mau.

Một cán bộ tham gia trong đoàn Cục quản lý chất lượng NL-TS khi kiểm tra Công ty TNHH Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Quốc Ái (Công ty Quốc Ái, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Thông tin doanh nghiệp này chế biến tôm chứa tạp chất, địa phương có nắm được nhưng khi kiểm tra theo kế hoạch, định kỳ thì lại không phát hiện. Tuy nhiên, đến khi đoàn Cục quản lý chất lượng NL-TS vào cuộc thì bắt được tại trận. Lúc đầu khi đoàn đến kiểm tra, doanh nghiệp không hợp tác, không cho vào, chỉ đạo bảo vệ đóng cổng. Bên trong, họ cho các công nhân thu dọn hiện trường, phi tang chứng cứ. Đấu tranh quyết liệt, doanh nghiệp mới mở cửa. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đoàn phát hiện và lập biên bản, cuối cùng doanh nghiệp này phải thừa nhận. Để bắt được quả tang doanh nghiệp đưa tạp chất vào tôm cũng rất gian nan”.

Cục quản lý chất lượng nông lâm - thủy sản (Bộ NN - PTNT) kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đưa tạp chất vào tôm

Cần giải pháp tổng thể

Việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu chỉ nhằm mục đích gian dối về kinh tế, làm tăng khối lượng, kích cỡ, thay đổi kết cấu, lừa dối cảm giác về độ tuổi con tôm. Việc làm này bị cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu lên án từ lâu, tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, có doanh nghiệp vẫn cố tình phớt lờ. Một doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Cà Mau khi được hỏi về vấn nạn tôm tạp chất đã than thở khi có doanh nghiệp thu mua thì mới có người bán. Con tôm chứa tạp chất đưa vào chế biến xuất khẩu bị không ít nước phát hiện, trả lại. Điều này làm ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc “con sâu làm rầu nồi canh” đã làm ảnh hưởng đến con tôm nước ta trên thị trường thế giới. Cần mạnh tay đối với những gian thương này.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi Chính phủ “tuyên chiến” với tôm có bơm tạp chất thì sở đang tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch xử lý triệt để. Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, để giải quyết triệt để tình trạng này, Bộ NN-PTNT cần ban hành thông tư quy định cấp mã vùng nuôi và cơ sở nuôi. Trên cơ sở này, việc quản lý của cơ quan chức năng mới thuận lợi, khi phát hiện tôm có bơm tạp chất hay dính kháng sinh, việc truy xuất nguồn gốc mới dễ dàng. Điều này cũng giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu tôm.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, muốn đẩy lùi vấn nạn tôm có bơm tạp chất thì hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND các xã và huyện phải chịu trách nhiệm để không xuất hiện tôm tạp chất trên địa bàn mình quản lý, phải chịu trách nhiệm với chủ tịch UBND tỉnh. “Hiện nay, xử phạt vi phạm hành chính thì chủ tịch xã và huyện có thẩm quyền. Ban chỉ đạo 389, thanh tra chuyên ngành cũng phải tăng cường kiểm tra, quyết liệt trong xử lý vi phạm. Nếu chúng ta làm quyết liệt và làm hết khả năng, có trách nhiệm thì vấn nạn đưa tạp chất mới được đẩy lùi”, ông Lân nhấn mạnh.

Đến năm 2018 “trị” dứt điểm nạn đưa tạp chất vào tôm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Theo đó, đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang) ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ. 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm; không mua tôm tạp chất. Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục