Người lao động bình đẳng, không cần và không phải “xin” việc làm

Vị trí của người lao động và người sử dụng ngang bằng nhau, thậm chí người sử dụng lao động còn phải bỏ tiền ra để “săn tìm”, tuyển dụng được người lao động giỏi. Không có chuyện xin - cho việc làm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào nói người lao động phải "xin việc" là sai.

Ngày 10-5, trong hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí phía Nam do Bộ LĐTB-XH tổ chức tại Bình Dương, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH) cho biết, đang có trên 80.000 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Họ đến từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm việc ở các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Trong đó, trên 95% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp giấy phép lao động. Ông Lê Quang Trung đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm, lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, sự phối hợp trong quản lý lao động nước ngoài giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa thật sự chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ; xử lý các vi phạm chưa triệt để.

Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà thầu, doanh nghiệp và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện giấy phép lao động còn hạn chế; thậm chí nhiều người nước ngoài vào Việt Nam mới thực hiện việc xin giấy phép lao động.

Người lao động bình đẳng, không cần và không phải “xin” việc làm ảnh 1 Phó Cục trưởng Cục Việc làm  (Bộ LĐTB-XH) Lê Quang Trung lưu ý không còn khái niệm "xin việc" 

Về việc làm, Phó Cục trưởng Cục Việc làm lưu ý, hiện nay không còn “hồ sơ xin việc, đơn xin việc”, mà được gọi là “hồ sơ dự tuyển, phiếu đăng ký dự tuyển”.

“Gốc của vấn đề ở chỗ, thị trường lao động ngày càng phát triển, chủ sử dụng không còn “kênh kiệu” như trước. Giờ đây, vị trí của người lao động và người sử dụng lao động ngang bằng nhau; thậm chí người sử dụng lao động còn phải bỏ tiền ra để “săn tìm”, tuyển dụng được người lao động giỏi. Vì thế, không có chuyện xin - cho việc làm, các văn bản giấy tờ không có khái niệm “xin việc”", ông Lê Quang Trung phân tích.

Cũng theo ông Lê Quang Trung, hiện nay vẫn còn nhiều cơ quan, thậm chí cả cơ quan về lao động cũng quen gọi là “xin việc”. Ông Lê Quang Trung khẳng định: Tất cả những nơi nào nói “xin việc” đều là sai. Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, tư tưởng “xin - cho” việc làm cần xóa bỏ ngay từ trong đầu, trong nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động để từ đó tạo ra sự thay đổi trong hành động, thực tế.                       

Tin cùng chuyên mục