Ngăn thịt bẩn tuồn vào TPHCM

Số vụ vi phạm ngày càng tăng
Ngăn thịt bẩn tuồn vào TPHCM

Mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 1.100 tấn sản phẩm thịt động vật các loại, trong đó lượng sản phẩm thịt động vật từ các tỉnh khác chuyển vào TPHCM tiêu thụ chiếm khoảng 70%-80%. Một số đối tượng hám lợi đã tuồn thịt bẩn vào TP. Thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ thịt gia tăng, cũng là lúc thịt bẩn tuồn vào TP tăng cao.

Nhân viên Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức kiểm tra xe chở gia súc, gia cầm tại cửa ngõ TPHCM.

Nhân viên Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức kiểm tra xe chở gia súc, gia cầm tại cửa ngõ TPHCM.

Số vụ vi phạm ngày càng tăng

Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) là “lá chắn” kiểm tra, kiểm dịch động vật đưa về TPHCM từ các tỉnh và cả từ Trung Quốc. Thế nhưng nhiều người kinh doanh, vận chuyển vẫn tuồn thịt động vật không qua kiểm dịch vào TP.

Ông Nguyễn Quang Đức, nhân viên Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, kể: Ngày 11-6, nhân viên phát hiện một chiếc xe tải có dấu hiệu chở thịt bẩn nên liên lạc với cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Khi kiểm tra đã phát hiện xe chở gần 1 tần mỡ heo bẩn đưa vào TP tiêu thụ. Ngày 8-9, nhân viên trạm đã kiểm tra một chiếc xe tải, phát hiện 1.400 con gà sống không qua kiểm dịch và hơn 5 tạ thịt gà đã bốc mùi thối.

Mới đây, ngày 5-12, nhân viên kiểm tra, phát hiện một xe tải chở 18 con trăn và 300kg thịt bẩn. Theo số liệu của Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, từ đầu năm đến giữa tháng 11-2012, trạm đã phát hiện 452 vụ tuồn thịt bẩn vào TP. Số vụ vi phạm được phát hiện ngày càng tăng và thủ đoạn che giấu rất tinh vi. Tất cả số thịt bẩn phát hiện đã bị tịch thu xử lý tiêu hủy. Nhờ phát hiện kịp thời các vụ vận chuyển mỡ bẩn, thịt bẩn như vậy, đã ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho hàng ngàn gia đình.

Ngoài lượng thịt bẩn tuồn vào TPHCM qua vận tải đường bộ, còn có cả lượng thịt đông lạnh nhập khẩu. Đã có nhiều lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu của 8 doanh nghiệp bị phát hiện nhiễm vi sinh, phải tái xuất hoặc tiêu hủy.

“Lá chắn” chưa vững

Bà Đặng Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết: “Những ngày cuối năm, ngoài số lượng thịt cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ thịt hàng ngày, nhiều cơ sở cần nhập thịt để chế biến thực phẩm tết, nên nhu cầu tăng cao.

Trong khi đó, các trại chăn nuôi tại TPHCM chưa chủ động được nguồn cung, nguồn cung ứng thịt phải phụ thuộc các tỉnh, nên lượng thịt gia súc, gia cầm chuyển về TPHCM tăng cao. Đây là cơ hội làm ăn của những đối tượng vận chuyển thịt bẩn chưa qua kiểm dịch đưa vào TPHCM tiêu thụ. Dự báo dịp tết năm nay giá thịt heo trên thị trường sẽ tăng, vì thế hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép cũng nhiều hơn. Thời điểm này, 8 cán bộ, nhân viên của trạm phải làm việc rất căng thẳng để có thể ngăn chặn dòng thịt bẩn tràn vào TP”.

Với chức năng làm lá chắn ở các cửa ngõ vào TP, nhằm đối phó với hoạt động kinh doanh, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, các trạm kiểm dịch động vật đã có phương án lập “lá chắn thép”. Ngoài lực lượng trực liên tục 24/24 giờ tại điểm chốt, cán bộ, nhân viên trạm phải thường xuyên đi lại trên đường nhằm phát hiện những phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Để việc kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả, nhân viên trạm phải chú ý theo dõi và có kế hoạch phối hợp cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra. Những xe khách, xe đông lạnh từ biên giới phía Bắc và các nơi có dịch thường được theo dõi, kiểm tra kỹ hơn. Nhằm đối phó, những người buôn thịt bẩn tận dụng cả phương tiện xe buýt, xe khách đường ngắn nên việc kiểm tra rất khó khăn. Để “lá chắn thép” có thể phát huy tốt hiệu quả, ngoài việc cố gắng của cán bộ, nhân viên trạm, rất cần  sự hỗ trợ của nhân dân và các lực lượng chức năng liên quan như cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, Chi cục Thú y TP.

Điều đáng lo là không chỉ tuồn vào TP từ các tỉnh trong nước, thịt bẩn còn vào TP bằng con đường nhập khẩu. Đã từng có nhiều lô hàng của 8 doanh nghiệp nhập về bị kiểm tra phát hiện nhiễm vi sinh, phải tái xuất hoặc tiêu hủy. Hiện nay, 80% người tiêu dùng tại TPHCM vẫn chấp nhận sử dụng sản phẩm thịt chưa qua kiểm soát thú y, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã làm cho người sản xuất, kinh doanh thịt không chấp hành quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Để ngăn chặn thịt bẩn, thịt chưa qua kiểm dịch tuồn vào TP, nhiều trạm kiểm dịch động vật đã được thiết lập: Trạm Bình Chánh trên quốc lộ 1 kiểm soát hướng từ miền Tây lên TPHCM; Trạm Hóc Môn trên quốc lộ 22 kiểm soát hướng từ Tây Ninh và Campuchia xuống; Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức kiểm soát hướng từ phía Bắc vào.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục