Phòng game phớt lờ quy định

Thời gian qua, tại TPHCM xuất hiện ngày càng nhiều điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử (phòng game)“khủng” được xây dựng với vài ba tầng lầu, cùng hàng trăm máy tính cấu hình hiện đại với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, tại đây cũng ẩn chứa những mối nguy về an toàn phòng cháy chữa cháy, chất lượng môi trường sống. 
Phòng game phớt lờ quy định
Điểm chung ở các phòng game mà chúng tôi tìm đến là những địa chỉ được đông đảo game thủ lựa chọn. Bên ngoài là những bảng hiệu to đùng với đầy đủ các dòng quảng cáo về dàn máy tính cấu hình cao, phòng lạnh khép kín, đa dạng game và hình thức thanh toán...
Còn bên trong các phòng game này lại rất khác biệt. Vừa đẩy cửa bước vào phòng game Dmax Game (trên đường Hùng Vương, quận 5, TPHCM), không khí ngột ngạt xộc vào mũi. Phòng game có đến 200 máy nhưng khách đông nghẹt.
Phần lớn khách hàng đến đây trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhiều em vẫn còn đang mặc đồng phục của trường. Người chơi cặm cụi vào màn hình máy tính, đôi lúc miệng quát lớn, còn trên tay là những điều thuốc lá cháy dang dở. Nguy hiểm là gạt tàn thuốc cho người chơi sử dụng đặt gần nhiều thiết bị điện tử và dây điện.
Tại phòng game TH Gaming (nằm trên đường số 7, quận Bình Tân) cũng tái diễn tình trạng tự do hút thuốc trong phòng máy ngay tầm mắt của chủ cửa hàng. Không những thế, khi vào phòng toilet thì quá tải, ẩm thấp, cáu bẩn.
Trong khi đó, phòng game Cybergame Pink (nằm trên đường Thành Thái, quận 10) được quảng cáo là phòng game đạt tiêu chuẩn nhưng bên trong chỉ có vài ba bóng đèn với ánh sáng vàng mờ nhạt, xung quanh đó những “cặp kính cận” vẫn mải mê nhìn vào màn hình máy tính.
Môi trường độc hại đã đành, các phòng game này còn mở cửa hoạt động quá giờ quy định. Một game thủ tại phòng game Cybergame Pink cho biết: “Tiệm này mở cửa suốt đêm, có người ở chơi từ tối đến sáng hôm sau. Thích thì 2-3 giờ sáng lại chơi cũng được”.
Hơn 23 giờ chúng tôi tìm đến phòng game này để kiểm chứng. Nhân viên phòng game này hướng dẫn khách đi bằng cửa sau để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Quả nhiên, cửa chính phòng game đóng im lìm nhưng bên trong lại hoạt động nhộn nhịp. Nhiều game thủ chọn nơi này ngủ lại để không bỏ lỡ các trận đánh quan trọng trong game...  
Nghị định 72/2013/ND-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã quy định cụ thể về những yêu cầu khi kinh doanh trò chơi điện tử công cộng, trong đó, cơ sở kinh doanh phải bảo đảm đủ ánh sáng, độ chiếu sáng đồng đều trong phòng máy; không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau. Kèm theo đó là các mức phạt khi xảy ra sai phạm.
Trong khi đó hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng thì việc quản lý các địa điểm kinh doanh này (bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử) sẽ chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan chức năng quận, huyện trực thuộc địa bàn, dưới sự phối hợp giám sát kiểm tra từ Bộ Thông tin và truyền thông. 
Điều đó cho thấy, quy định pháp luật về hoạt động của phòng game đã đầy đủ và hoàn thiện. Bản thân chủ phòng game khi đăng ký kinh doanh cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cũng được phổ biến, thế nhưng do lợi ích cá nhân mà phớt lờ đi những quy định, bất chấp mối nguy về an toàn sức khỏe và tính mạng người chơi game.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kiên quyết xử lý để chấn chỉnh các sai phạm tại các điểm cung cấp dịch vụ giải trí công cộng.

Tin cùng chuyên mục