Giải quyết tranh chấp ở biển Đông: ASEAN cần thể hiện vai trò lớn hơn

Ngày 16-7, phiên họp hội nghị trù bị quan chức cao cấp ASEAN (SOM) đã diễn ra tại Bali, Indonesia. Đây là phiên họp đầu tiên được tổ chức trong chuỗi các hoạt động hội nghị diễn ra tại Bali, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM44) diễn ra vào ngày 19-7 tới.
Giải quyết tranh chấp ở biển Đông: ASEAN cần thể hiện vai trò lớn hơn

Ngày 16-7, phiên họp hội nghị trù bị quan chức cao cấp ASEAN (SOM) đã diễn ra tại Bali, Indonesia. Đây là phiên họp đầu tiên được tổ chức trong chuỗi các hoạt động hội nghị diễn ra tại Bali, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM44) diễn ra vào ngày 19-7 tới.

Nóng với tranh chấp khu vực, biển Đông

Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM44), các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC) và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF18) tại Bali, Indonesia, từ ngày 19 đến 23-7.

Cảnh sát biển Indonesia tuần tra an ninh tại đảo Bali, khu vực diễn ra hàng loạt Hội nghị ASEAN.

Cảnh sát biển Indonesia tuần tra an ninh tại đảo Bali, khu vực diễn ra hàng loạt Hội nghị ASEAN.

Những hội nghị quốc tế này đang được các nước thành viên ASEAN, các nước châu Á và quốc tế ngày càng quan tâm vì chúng diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực hướng tới xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015 và giải quyết các bất đồng trong khu vực như tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là những tranh chấp ở biển Đông.

Trước thềm Diễn đàn khu vực ASEAN 18 (ARF 18), Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan khẳng định, các nước ASEAN sẽ bàn về những tranh chấp trên biển Đông và mong muốn giải quyết dứt điểm vấn đề vào năm 2012, nhân kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC). ASEAN cần thể hiện vai trò lớn hơn trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Đồng thời, ASEAN cần mang lại cơ hội đối thoại bình đẳng giữa các bên tranh chấp nhằm xoa dịu căng thẳng liên quan đến các cuộc tranh chấp trên biển Đông bằng cách nhất trí với nhau về một bộ quy tắc ứng xử. Về tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, Tổng Thư ký ASEAN cho rằng, ASEAN phải có cơ chế giải quyết xung đột mạnh mẽ hơn chứ không chỉ dựa trên các nguyên tắc truyền thống không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên, thúc đẩy đối thoại và sự đồng thuận để giải quyết tranh chấp.

Dư luận

Trước thềm hội nghị, báo Jakarta Post, một trong những tờ báo hàng đầu của nước chủ nhà nhận định, dư luận đang trông đợi Indonesia đóng vai trò quan trọng trong giải quyết những vấn đề của khu vực, đặc biệt là những tranh chấp ở biển Đông. Báo chí khu vực gần đây cho rằng Mỹ và Philippines đã ngỏ ý đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận tại ARF. Ngoại trưởng Philippines cũng từng tuyên bố tranh chấp biển Đông sẽ là chủ đề chính của diễn đàn này, còn Đại sứ Mỹ tại Philippines cho rằng ARF là cơ hội tốt để giải quyết tranh chấp biển Đông.
 
Trong diễn biến liên quan đến tranh chấp biển Đông, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines, Eduardo Oban cho biết Tổng thống Benigno Aquino đã lệnh cho quân đội nước này ở vùng biển phía Tây Philippines cảnh giác cao độ và tiếp tục bảo vệ các vùng lãnh thổ, lãnh hải của đất nước. Tổng thống Aquino tuyên bố quân đội Philippines phải sẵn sàng cho dù Trung Quốc bảo đảm rằng họ sẽ không xâm nhập vùng biển Philippines, tăng cường khả năng trong việc bảo vệ các đường biên giới biển, trong đó có kế hoạch thành lập một hệ thống giám sát bờ biển để theo dõi mọi hoạt động đi lại của tàu thuyền trong các vùng biển ngoài khơi Palawan.

Cũng liên quan đến giải quyết tranh chấp trên biển Đông, báo chí và giới học giả Nhật Bản đã nhiều lần khuyến nghị chính phủ nước này lấy quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật làm trung tâm, hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á đang bị tranh chấp trên biển Đông, kéo Trung Quốc tham gia các hội nghị đa phương vì an ninh biển.

THANH HẰNG

Mỹ: Nghị quyết về biển Đông được trình lên Hạ viện

Một nghị quyết kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ - lãnh hải tại biển Đông và các vùng biển nằm kề đất liền ở Đông Á đã được đệ trình lên Hạ viện Mỹ ngày 15-7. Nghị quyết do Hạ nghị sĩ Eni F.H. Faleomavaega, ủy viên cấp cao của Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đệ trình.

Nghị quyết viết rằng, Hạ viện Mỹ cần phải khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ - lãnh hải tại biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải, đồng thời cam kết tiếp tục thúc đẩy quá trình cùng nhau giải quyết những tranh chấp đó một cách hòa bình. Nghị quyết lên án việc sử dụng vũ lực của lực lượng an ninh hàng hải và các tàu đánh cá Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông.

Nghị quyết cũng hoan nghênh những nỗ lực ngoại giao của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ nhằm giải quyết hòa bình và công bằng các tranh chấp. (TTX)
 

Tin cùng chuyên mục