Israel rò rỉ kế hoạch tấn công Iran

Nhiều mục tiêu nằm trong tầm ngắm
Israel rò rỉ kế hoạch tấn công Iran

Trang tin điện tử Ynetnews đưa tin, một đoạn tài liệu mật của Chính phủ Israel về vụ tấn công đã được blogger người Mỹ Richard Silverstein đăng tải trên mạng. Chưa rõ đây có phải là vụ rò rỉ có chủ đích hay không nhưng nó cho thấy Israel đang ra sức củng cố thông tin sẽ tấn công Iran trong thời gian tới bất chấp sự phủ nhận của nước đồng minh thân cận là Mỹ.

Israel thử nghiệm tên lửa trong hệ thống phòng thủ tên lửa Mái vòm thép (Iron Dome) tại Asdod, miền Nam Israel.

Israel thử nghiệm tên lửa trong hệ thống phòng thủ tên lửa Mái vòm thép (Iron Dome) tại Asdod, miền Nam Israel.

Nhiều mục tiêu nằm trong tầm ngắm

Blogger vốn được nhiều người gọi là “WikiLeaks Israel” cho biết tài liệu này do một nhân vật giấu tên cung cấp từ Cơ quan phòng vệ Israel. Ông Richard Silverstein cho rằng tài liệu được đưa cho ông nhằm mục đích tiết lộ những tranh cãi và những kế hoạch tấn công giữa hai nhân vật cấp cao trong chính phủ và quân đội Israel là “Bibi” (Thủ tướng Netanyahu) và Barak (Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak). Ông Netanyahu đang tìm cách thuyết phục 8 thành viên nội các trong hội đồng an ninh ủng hộ kế hoạch tấn công thẳng vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Đoạn tài liệu bị rò rỉ được cho là phác thảo từ ý tưởng tấn công vào Iran của ông Netanyahu. Vụ tấn công được mô tả là theo “phong cách Israel”, dựa trên việc ít thiệt hại về con người, tấn công nhanh, được phối hợp với các vụ công kích không gian mạng, có nhiệm vụ chỉ trong vài phút vô hiệu hóa hệ thống Internet, điện thoại, đài phát thanh, truyền hình, vệ tinh viễn thông, hệ thống cáp quang liên lạc của Iran. Chính phủ Israel sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất để vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng của nước Cộng hòa Hồi giáo này, cũng như các căn cứ tên lửa tại Horamabade và Isfahan.

Tài liệu cho hay các nhà máy điện sẽ tê liệt vì bị gây chập mạch bằng đạn sợi carbon. Tàu ngầm Israel tại vịnh Persian sẽ tấn công cơ sở hạt nhân của Iran bằng hàng chục tên lửa đạn đạo. Trong khi tên lửa hành trình được áp dụng tiêu diệt hệ thống điều khiển. Ngay sau đó, một vệ tinh do thám TecSar của Israel sẽ bay qua lãnh thổ Iran để đánh giá thiệt hại của đối phương. Thông tin được chuyển tới chiến đấu cơ Israel, thâm nhập không phận Iran để hoàn thành nốt nhiệm vụ tấn công danh sách mục tiêu cụ thể. Những mục tiêu nằm trong tầm ngắm của Israel là tên lửa đạn đạo Shahab 3, Sejil, các trung tâm điều khiển tên lửa, các cơ sở hạt nhân tại Iran. Ngoài ra, còn có kế hoạch ám sát một số quan chức cấp cao trong chính quyền Iran.

Có khả thi?

Theo ông Richard Silverstein, Iran hiện đang có 31 quận, mỗi một quận đều có một cơ quan điều khiển quân sự và các nhà máy điều khiển hoạt động làm giàu uranium độc lập. Vì thế, nếu Israel không thể tấn công tổng lực vào 31 quận, việc phá hủy các cơ sở hạt nhân lẫn quân sự của Iran là điều rất khó khăn.

Theo tờ Maariv, Bộ trưởng An ninh nội địa vừa mãn nhiệm của Israel Mantan Vilna cho rằng nếu quyết định tấn công Iran, Israel sẽ phải tham gia cuộc xung đột kéo dài một tháng và thiệt hại nhân sự khoảng 500 người. Israel đã sẵn sàng cho cuộc chiến kiểu này, song việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran cần được sự đồng ý của Mỹ.

Hãng AP dẫn lời nhà báo người Israel Motti Kirshenbaum cho hay, mâu thuẫn giữa chính phủ và quân đội ngày càng gia tăng do những tranh cãi xung quanh kế hoạch tấn công phủ đầu vào Iran nhằm ngăn chặn sự phát triển chương trình hạt nhân của nước này. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là sự kiện Thủ tướng Benjamin Netanyahu bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan tình báo Shin Bet Avraham Dichter làm Bộ trưởng An ninh nội địa. Ông Avraham Dichter là người nổi tiếng với chính sách cứng rắn, từng kêu gọi Israel tấn công Iran để bảo vệ an ninh.

Trong khi đó, nguồn tin hãng Reuters khẳng định, Chính phủ Mỹ mới đây cũng đã kêu gọi Israel gia hạn thêm thời gian cho quá trình đàm phán hạt nhân ở Iran nhưng cũng không loại trừ khả năng phải sử dụng biện pháp mạnh là tấn công Tehran.

Báo Haaretz cho biết trong thời gian gần đây, giới lãnh đạo quân sự chóp bu của Israel kịch liệt phản đối ý tưởng đơn phương tấn công Iran vì họ lo ngại, một cuộc tấn công như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột khu vực với những hậu quả khôn lường. Nhưng quan điểm của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn là Israel cần phải tự bảo vệ mình trước một “mối đe dọa hiện hữu” như Iran. Thậm chí, nội các Israel còn xác nhận rằng, lệnh trừng phạt Iran của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã làm tổn hại nền kinh tế nhưng không ảnh hưởng đến chương trình hạt nhân của nước này. Trong khi đó, kết quả các cuộc thăm dò dư luận lại cho thấy, có tới 46% người Israel phản đối một cuộc tấn công vào Iran trong khi số người ủng hộ chỉ là 32%.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục