Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20: Tìm cơ chế thúc đẩy tăng trưởng

Ngày 16-2, các bộ trưởng tài chính nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) nhóm họp tại Mátxcơva, Nga. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, không ít các vấn đề đã được bàn thảo mà nổi bật là nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ; tranh cãi tăng trưởng và thắt lưng buộc bụng.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20: Tìm cơ chế thúc đẩy tăng trưởng

Ngày 16-2, các bộ trưởng tài chính nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) nhóm họp tại Mátxcơva, Nga. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, không ít các vấn đề đã được bàn thảo mà nổi bật là nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ; tranh cãi tăng trưởng và thắt lưng buộc bụng.

  • Lo ngại phá giá đồng tiền

Nguy cơ xảy một cuộc chạy đua phá giá đồng tiền đe dọa thế giới đã được Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước công nghiệp phát triển (Hội nghị G7) gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Canada và Italia cảnh báo vài ngày trước thềm cuộc họp G20. Tuyên bố chung của Hội nghị G7 nêu rõ: Kinh tế trong nước không thể sử dụng chính sách tiền tệ mà phải tiếp tục được quyết định bởi thị trường.
Nhật Bản đang bị cáo buộc khơi mào chiến tranh tiền tệ khi chỉ trong vòng 2 tháng, giá trị đồng yên của Nhật đã giảm 10% so với đồng USD và 20% đối với đồng EUR.

Quang cảnh cuộc gặp gỡ giữa các Bộ trưởng Tài chính G20 với Tổng thống Nga ngày 15-2.

Quang cảnh cuộc gặp gỡ giữa các Bộ trưởng Tài chính G20 với Tổng thống Nga ngày 15-2.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng trên thực tế từ 5 năm qua, hầu hết các cường quốc kinh tế đã điều chỉnh đồng tiền để kích thích kinh tế. Trung Quốc - một trong những cường quốc về xuất khẩu đã định giá thấp đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Mặc dù đã nâng giá đồng nhân dân tệ sau khi xảy ra tranh cãi với Mỹ rất nhiều chính trị gia ở Washington vẫn phàn nàn việc thả nổi tỷ suất hối đoái của Bắc Kinh vẫn chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, chính Mỹ cũng tham gia cuộc chơi. Sau đợt khủng hoảng nợ xấu năm 2008, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục hạ lãi suất (xuống gần mức 0%) và in USD tung ra thị trường để tài trợ cho các kế hoạch chấn hưng kinh tế và xuất khẩu. Tại châu Âu, Anh cũng áp dụng cùng biện pháp để hạ giá bảng Anh…

Frederic Ducrozet, một chuyên gia kinh tế Pháp, cảnh báo nếu tất cả mọi quốc gia đều phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu, sau những hiệu quả đầu tiên, vực dậy guồng máy sản xuất thì chính sách này sẽ đưa đến hậu quả lạm phát không tránh khỏi. Ông Ducrozet đã nhắc lại 2 sự kiện là cuộc chiến tranh tiền tệ đầu tiên xảy ra vào năm 1930 sau cuộc khủng hoảng 1929 và lạm phát phi mã tại Đức mà hậu quả cuối cùng là Thế chiến hai (1939-1945).

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định, nguy cơ về cuộc chiến tiền tệ hiện nay đang bị thổi phồng quá mức bởi không có độ chênh lệch lớn về giá trị các đồng tiền chính trên thế giới. Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng cho rằng, đề tài về cuộc chiến tiền tệ là không cần thiết tại G20.

  • Thắt lưng buộc bụng không còn phù hợp

Hãng Reuters cho biết, một số đại biểu đã đề nghị xem xét lại sự cân bằng giữa chính sách tăng trưởng và thắt lưng buộc bụng. Theo tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã đề nghị thay đổi các thỏa thuận được ký kết tại Toronto, Canada năm 2012 bởi không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.

Tại Canada, các nhà lãnh đạo G20 đã thống nhất cắt giảm thâm hụt ngân sách 50% vào năm 2013 và ổn định vấn đề nợ công vào năm 2016. Các nhà kinh tế tính toán cứ cắt giảm 1 EUR thâm hụt ngân sách sẽ khiến giảm sút 50 xu về tăng trưởng. Tuy nhiên, theo IMF và các nhà tư vấn kinh tế của G20, trên thực tế con số tăng trưởng sụt giảm lại là 1,5 EUR. Không ít nền kinh tế của các quốc gia châu Âu áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng đang phải nhận trái đắng.

Trong cuộc gặp với các bộ trưởng tài chính ngày 15-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay các vấn đề kinh tế mà Mỹ hay châu Âu đang gặp phải đều ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết sự mất cân bằng kinh tế và kích thích tăng trưởng toàn cầu.

Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 nêu rõ các bên kiên quyết đấu tranh với nạn tội trốn thuế và không đặt ra mục tiêu tỷ giá hối đoái đặc biệt, vốn là nguyên nhân chính có thể gây ra một cuộc chiến tiền tệ. Thông cáo cũng khẳng định tiếp tục thực hiện các cam kết, trong đó có tiến hành cải cách tài chính nhằm xây dựng hệ thống tài chính vững chắc hơn và cải cách mạnh mẽ cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng…

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục