Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu

Thách thức lớn cần quyết tâm cao
Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu

Ngày 30-11, 150 nguyên thủ các nước đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 21) tại thủ đô Paris, Pháp nhằm thảo luận về việc thông qua một khuôn khổ pháp lý ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và có phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể của COP 21.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thách thức lớn cần quyết tâm cao

Phát biểu khai mạc COP 21, Tổng thống Pháp Francois Hollande bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có quyết tâm cao để cùng đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống Francois Hollande bày tỏ cảm ơn đến các nước trên thế giới sát cánh cùng nước Pháp trong thảm kịch khủng bố vừa qua: “Chúng ta phải để cho thế hệ con cháu một thế giới không phải lo sợ khủng bố, đồng thời có một môi trường sống bền vững”.

Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020, gọi là Thỏa thuận Paris 2015 với sự cam kết của các nước cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 20C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990. Nếu Thỏa thuận Paris 2015 được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm đàm phán về khí hậu trong khuôn khổ LHQ, cộng đồng quốc tế mới đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc với sự tham gia của tất cả các quốc gia thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Nếu các nước không nỗ lực cắt giảm phát thải thì nhiệt độ Trái đất có thể tăng lên 4,80C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ là thảm họa đối với nhân loại, nhất là mực nước biển có thể dâng cao đến 2m, nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ và các vùng cửa sông, ven biển và đồng bằng trù phú trên Trái đất, trong đó Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

Việt Nam chủ động và có trách nhiệm

Theo chương trình COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp cấp cao của COP 21, khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và bà Laura Tusk, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) về phát triển bền vững, đã đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tích hợp quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực dự báo và các hệ thống cảnh báo sớm, chủ động triển khai các giải pháp phòng tránh thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong chủ động phòng tránh thiên tai và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan. Bên cạnh những nỗ lực của bản thân, Việt Nam tiếp tục cần sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế”.

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch WB Laura Tusk nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ với cộng đồng thế giới thấy rõ sự cam kết mạnh mẽ cũng như quyết tâm đề ra các biện pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề nghị Việt Nam với vai trò là quốc gia đi đầu trong khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hành động mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời khẳng định Hà Lan sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Kết thúc phiên đối thoại, các bên đã ra Tuyên bố chung giữa Việt Nam, Hà Lan và WB về việc ủng hộ và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân chuyến đi dự COP 21 tại thủ đô Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt và gặp gỡ, nói chuyện thân mật với đại diện cộng đồng người Việt và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp.

Tại buổi tiếp ông Jean Pierre Archambault, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Tổng thư ký và Hội hữu nghị Pháp - Việt tiếp tục có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp, là cầu nối giúp cho bạn bè Pháp và quốc tế ngày càng hiểu, yêu mến Việt Nam hơn.

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tiếp, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt Jean Pierre Archambault, cho rằng, sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại COP 21 sẽ góp phần tích cực vào những quyết sách và thành công chung của hội nghị.

Nói chuyện thân mật với đại diện cộng đồng người Việt và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước của bà con kiều bào đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Pháp...

Tháp Eiffel đã chuyển sang màu xanh, đánh dấu ngày khởi đầu của chiến dịch trồng cây ảo trên biểu tượng nổi tiếng của Paris. Chiến dịch mang tên “Một trái tim, một mầm cây”. Để tham gia, người dùng có thể tải về điện thoại một ứng dụng ghi lại nhịp tim của mình thông qua một phần mềm cảm ứng để dựa vào đó tạo hình cho cây ảo. Sau đó, tên người dùng và lời nhắn sẽ cùng xuất hiện bên cạnh cây ảo trên tháp. Mỗi cây ảo này sẽ gây quỹ được từ 3-10 EUR tùy chủng loại và mỗi cây ảo xuất hiện trên tháp Eiffel sẽ được hiện thực hóa bằng một cây thật được trồng trong chiến dịch phủ xanh Trái Đất bắt đầu từ năm 2016 tại Australia, Brazil, Senegal, Ấn Độ, Pháp, Peru và Bờ Biển Ngà.

Do lệnh cấm tụ tập đông người ở thủ đô Paris, người dân Paris đã biến Quảng trường Cộng Hòa thành một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt: trưng bày 20.000 đôi giày tượng trưng cho người biểu tình không được biểu tình để biểu thị chính kiến với hội nghị COP 21. Những nhân vật nổi tiếng thế giới như đức Giáo hoàng, Tổng thư ký LHQ, nhiều ngôi sao ca nhạc... cũng gửi giày tới để tham gia.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục