Thị trường cuối năm: Chạy đua hàng tết

Nhiều hàng đặc sản
Thị trường cuối năm: Chạy đua hàng tết

Dù sức mua trong dịp Tết Tân Mão 2011 dự báo chỉ tăng khoảng 20%, nhưng tại hệ thống các siêu thị đều tăng lượng hàng dự trữ lên khoảng 30%-40% so với cùng kỳ. Năm nay các siêu thị đã thực sự bước vào cuộc cạnh tranh bằng nhãn hàng riêng để thu hút khách. Đây là nét mới trong kinh doanh mùa tết.

Doanh nghiệp thực phẩm chế biến hàng tết với giá bình ổn theo chương trình của TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp thực phẩm chế biến hàng tết với giá bình ổn theo chương trình của TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều hàng đặc sản

Còn gần một tháng nữa mới đến tết nhưng tại nhiều chợ lớn ở TP, các mặt hàng đặc sản truyền thống đã được tiểu thương chuẩn bị khá kỹ. Theo đó, các mặt hàng thủy hải sản cao cấp như vi cá, nấm hương, hải sâm, ngân nhĩ… phục vụ khách hàng cao cấp, Việt kiều đã treo đầy trong các gian hàng.

Đại diện sạp bánh mứt Thành Lợi (chợ Bến Thành) cho biết, tết năm nay các loại bánh hộp sản xuất trong nước như Kinh Đô, Bibica, Vinabico, Tân Tân, Hải Hà… rất đa dạng, phong phú về kiểu dáng.

Đáng lưu ý, chất lượng và bao bì các loại bánh nội không ngừng hoàn thiện và dù giá cả có tăng khoảng 10% nhưng vẫn tương đối phù hợp với túi tiền người dân. Bánh hộp giấy, giá bán dao động 30.000-50.000 đồng/hộp; hộp thiếc từ 40.000-140.000 đồng/hộp. Ngoài ra, lượng bánh nhập khẩu từ Đan Mạch, Pháp, Malaysia… cũng đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng.

Riêng các loại mứt tết, phổ biến vẫn là mứt dừa sấy, dừa dẻo, dừa già được sên với nhiều màu sắc khác nhau, rất bắt mắt. Ngoài ra, còn có mứt mãng cầu, mứt hồng, mứt khoai lang, mứt cà rốt, mứt bí đỏ và bí xanh, chùm ruột…

Nếu như các siêu thị có thế mạnh trong việc cung cấp các loại bánh tết, thực phẩm chế biến thì mứt tết và các loại thực phẩm ngâm chua tại các chợ lại chiếm ưu thế. Nghề làm mứt vốn được “cha truyền con nối” nên các loại mứt bán ở chợ Bến Thành, An Đông có thể để dành được khoảng 6 tháng nhờ bí quyết sên và sấy của tiểu thương.

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bán tất cả các mặt hàng đặc sản như thủy hải sản khô, bánh mứt, thực phẩm ngâm chua đều đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái (tăng thấp nhất 10% và cao nhất 100%). Nhiều khả năng vào cao điểm mua sắm tết, giá các sản phẩm này sẽ tiếp tục biến động.

Với các mặt hàng tiêu dùng như ấm chén, bát đĩa, khay đựng bánh mứt, xoong nồi… lượng hàng rất dồi dào, trong đó chủ yếu hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và Thái Lan.

Các ngành hàng như quần áo, giày dép do biến động từ giá nguyên liệu đầu vào tăng tới 30% (đối với quần áo) nên nhiều tiểu thương gần như ít chuẩn bị sẵn nguồn hàng, chỉ thực hiện theo đơn có sẵn.

Chị Vân, chủ sạp vải Kim Vân chợ An Đông cho biết, hiện giá các loại vải ngoại nhập chỉ tăng khoảng 10%, trong khi vải trong nước đã tăng từ 30%-35%. Do giá bán hầu hết các mặt hàng tăng cao nên sức mua đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Cạnh tranh bằng nhãn hàng riêng

Theo thống kê từ Saigon Co.op, lượng hàng nhu yếu phẩm phục vụ tết đã lên đến 150 tấn, gấp 30%-40% so với năm ngoái. Riêng bánh mứt tết, Saigon Co.op đã chuẩn bị 400 tấn bánh kẹo và 200 tấn mứt, trong đó hàng nội địa chiếm 90%.

Tại BigC, các loại mứt và kẹo truyền thống cũng chuẩn bị khoảng 130 tấn các loại và khoảng 500 tấn các loại rau củ quả chủ đạo trong mùa tết như dưa hấu, bưởi, bắp cải… MaxiMark, Citimart, Satramart cũng đã chuẩn bị các mặt hàng phục vụ tết. 

Cùng với việc chạy đua khuyến mãi cuối năm để kích cầu tiêu dùng, xu hướng cạnh tranh bằng việc tung ra những sản phẩm có thế mạnh, nhãn hàng riêng đang biểu hiện khá rõ nét trong mùa tết năm nay.

Saigon Co.op có khoảng 500 sản phẩm (tăng 200 sản phẩm so với năm ngoái) mang thương hiệu Co.opMart, trong đó tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng có sức mua lớn như thực phẩm chế biến, bánh mứt, hóa mỹ phẩm… Ưu thế của những sản phẩm này không chỉ ở chất lượng mà giá bán còn rẻ hơn 5%-30% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Việc tổ chức nguồn hàng tốt sẽ giúp Saigon Co.op chủ động được giá bán. Đây cũng là cách siêu thị chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh giá hàng hóa đang ở mức rất cao.

Tại hệ thống siêu thị Satramart, bên cạnh việc bày bán khá đầy đủ nhóm hàng của các DN thành viên như APT, Cầu Tre, Vissan…, đây cũng là nơi phân phối các loại đặc sản của các vùng miền, được đóng gói từ chợ đầu mối Bình Điền, thương hiệu “Binhdienmarket”.

Tết này BigC cũng chuẩn bị 100 tấn thịt nguội eBon được sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP và nhiều mặt hàng sản xuất theo đơn đặt hàng. Hệ thống siêu thị Metro cũng mạnh dạn đầu tư cho các vùng nguyên liệu và các DN có năng lực để sản xuất hàng hóa mang thương hiệu của chính mình.

Kẹo, mứt tết đa dạng ở chợ Bến Thành. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Kẹo, mứt tết đa dạng ở chợ Bến Thành. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Theo dự báo của các chuyên gia, sức mua trong dịp tết năm nay có thể sẽ tăng khoảng 20%. Đây là mức thấp hơn so với mức 30% của những năm trước, vì vậy các DN và tiểu thương cần chú ý để chuẩn bị hàng hóa cho phù hợp.

"Theo dự báo của các chuyên gia, sức mua trong dịp tết năm nay có thể sẽ tăng khoảng 20%."

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục