Chương trình bình ổn thị trường - Các tổ chức chính trị vào cuộc

Mỗi quận, huyện có một “cửa hàng thanh niên”
Chương trình bình ổn thị trường - Các tổ chức chính trị vào cuộc

Ngày 29-12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã dự lễ ký kết liên tịch giữa các đơn vị Thành đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai mạng lưới phân phối thực hiện chương trình bình ổn thị trường. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa hàng bình ổn vào các khu dân cư, KCX-KCN.

Khách hàng chọn mua hàng bình ổn giá tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Khách hàng chọn mua hàng bình ổn giá tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Mỗi quận, huyện có một “cửa hàng thanh niên”

Theo thỏa thuận, Thành đoàn TP và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP có trách nhiệm cung cấp thông tin, vận động các thành viên tham gia tích cực vào chương trình phân phối hàng bình ổn. Tiến hành rà soát các mặt bằng kinh doanh tại các chợ truyền thống chưa sử dụng hết công năng để giới thiệu, liên kết với các doanh nghiệp (DN) tổ chức kinh doanh hàng bình ổn. Vận động tiểu thương làm đại lý cho DN tham gia bán hàng bình ổn, đồng thời vận động cán bộ, hội viên phụ nữ sử dụng mặt bằng hiện hữu của các cửa hàng kinh doanh tạp hóa của gia đình để tạo mạng lưới phân phối rộng khắp. Phối hợp với Saigon Co.op và Satra tổ chức triển khai thẩm định để công nhận các mặt bằng điểm bán lẻ đạt chuẩn theo quy định và tổ chức xe lưu động phục vụ công nhân tại các KCN, KCX.

Với tiêu chí “Tuổi trẻ TPHCM tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”, Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM xác định, ngay trong tháng 1-2012 tại mỗi quận nội thành ra mắt ít nhất một cửa hàng thanh niên, đến tháng 6-2012 ra mắt ít nhất 3 cửa hàng. Tại các quận vùng ven, ra mắt ít nhất mỗi quận có 2 cửa hàng. Tại 5 huyện ngoại thành ngay trong tháng 1-2012 sẽ ra mắt mỗi huyện 2 cửa hàng và đến tháng 6-2012 ra mắt ít nhất 4 cửa hàng. Tại các KCX-KCN trong tháng 6-2012 sẽ ra mắt 3 cửa hàng...

Theo đó, Thành đoàn cũng xác định rõ sẽ tập trung đầu tư xây dựng các “Cửa hàng thanh niên” tại các KCX-KCN, khu lưu trú, khu nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư, các hộ gia đình đoàn viên, thanh niên trên địa bàn TP. Để làm được việc này, Thành đoàn cũng đã lập kế hoạch phân công, phân nhiệm rất rõ cho từng cá nhân, từng tổ chức. Sau ký kết sẽ bắt tay để thực hiện.

Khách hàng mua gạo bình ổn giá tại một cửa hàng của Foodcomart. Ảnh: Thanh Tâm

Khách hàng mua gạo bình ổn giá tại một cửa hàng của Foodcomart. Ảnh: Thanh Tâm

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, việc ký kết liên tịch tạo điều kiện cho Saigon Co.op phát triển nhanh và mạnh các “cửa hàng Co.op Food” và “cửa hàng Co.op thanh niên”. Dự kiến đến tháng 6-2012, sẽ có 72 cửa hàng được đưa vào hoạt động tại các quận 9, 12, 8, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và tại các KCN-KCX, khu lưu trú công nhân…

Trong quá trình triển khai, Saigon Co.op chịu trách nhiệm chính về nguồn hàng, trang thiết bị, đào tạo nghiệp vụ bán hàng cho nhân viên. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới để cung ứng hàng hóa, Saigon Co.op sẽ tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng bình ổn, hàng Việt chất lượng tốt đến với công nhân, người dân lao động nghèo ở vùng sâu, vùng xa, KCN-KCX… đáp ứng nhu cầu mua sắm vào cao điểm cuối năm và Tết Nhâm Thìn.

Các hộ kinh doanh với giá thống nhất

Satra cũng sẽ phối hợp với các bên mở chuỗi “cửa hàng thanh niên”, cung ứng hàng hóa cho cửa hàng, theo dõi việc kinh doanh của các cửa hàng; hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ bán hàng miễn phí cho nhân viên. Riêng đối với các hộ tham gia kinh doanh sẽ được cung ứng hàng hóa với giá thống nhất chung theo chính sách của Satra và trả chậm trong vòng 15 ngày. Ngoài ra, Satra cũng sẽ triển khai các cửa hàng dưới tên gọi “cửa hàng Satra Food” do các đơn vị giới thiệu mặt bằng, Satra thuê và mở cửa hàng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao nỗ lực của các bên trong việc phối hợp, triển khai để đưa hàng bình ổn phủ kín các quận, huyện ngoại thành TP. Đây cũng là cơ hội để đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ có điều kiện tham gia công tác xã hội phục vụ cộng đồng và có điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên, để chương trình hợp tác thành công, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Công thương nhanh chóng xây dựng các quy chế về mở cửa hàng bình ổn, quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong việc giao nhận hàng hóa cũng như xác định rõ quyền lợi của các hộ gia đình khi mở điểm bán. Đối với Satra và Saigon Co.op cũng phải xây dựng các quy chế khi đưa hàng hóa vào bán nhằm đảm bảo uy tín, thương hiệu của DN. Ngoài ra, chủ tịch UBND các quận huyện phải là người chịu trách nhiệm gắn kết và chỉ đạo kịp thời các vấn đề liên quan.

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, tính đến nay TPHCM đã phát triển được 4.265 điểm phân phối các mặt hàng bình ổn, tăng 1.069 điểm so hồi đầu năm, chỉ riêng chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm có tới 2.546 điểm bán. Bên cạnh đó, các DN cũng tổ chức được 457 chuyến bán hàng lưu động. Về phía Thành đoàn TNCS TPHCM đã xây dựng được 6 cửa hàng Co.op Food, trong đó có một cửa hàng tại KCN Lê Minh Xuân, 2 cửa hàng tại huyện Cần Giờ.

Dự kiến trong dịp tết năm nay, Thành đoàn đang triển khai 15 cửa hàng và tổ chức 50 chuyến bán hàng lưu động. Riêng Hội Phụ nữ TPHCM cũng đã triển khai được 400 điểm bán, trong đó 294 điểm bán tại các chợ truyền thống, 3 cửa hàng Co.op Food và tại các khu dân cư.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục