Gian nan “chọi” hàng ngoại

Số lượng áp đảo chất lượng
Gian nan “chọi” hàng ngoại

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong năm qua nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã cố gắng đầu tư hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực nhằm khẳng định chỗ đứng trên thị trường và niềm tin đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc hàng Trung Quốc (TQ) lọt vào thị trường một cách nhanh và nhiều đã gây khó khăn rất lớn cho DN và kinh tế trong nước.

Đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh một cửa hàng tại quận 6 TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh một cửa hàng tại quận 6 TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Số lượng áp đảo chất lượng

Hàng TQ hiện chiếm lĩnh ở hầu hết các ngành hàng. Từ may mặc, đồ chơi, bánh kẹo, gia dụng, nông sản, nội thất, điện tử đến đồ dùng học sinh… hàng TQ đều áp đảo hàng Việt với giá rẻ hơn. Không phải chỉ có ở chợ, cũng không chỉ dừng lại ở các siêu thị mà ngay ở các căn tin trường học lớn, nhỏ, hàng TQ hiện chiếm đến 70% thị phần.

Tại căn tin của một trường tiểu học ở quận 3 TPHCM, mặc dù bánh kẹo trong nước vẫn có những nhãn hàng tên tuổi như Kinh Đô, Bibica, Phạm Nguyên, Hữu Nghị… nhưng đập vào mắt vẫn là hàng TQ. Từ chocolate, kẹo giấy kiếng, chewing-gum, rau câu, bánh gạo cho đến những cây bút chì, bút dạ quang, thước kẻ, hộp bút cho đến cục tẩy… đều mang xuất xứ “Made in China”.

Đáng nói, nhiều sản phẩm bao bì in toàn chữ TQ không một dòng tiếng Việt. Trong khi đó, điều kiện tối thiểu để được lưu thông hợp pháp trên thị trường trong nước phải có nhãn phụ bằng chữ Việt, có in ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu. Khách hàng phần lớn là trẻ nhỏ nên các em học sinh vẫn vô tư mua và dùng.

Còn người bán hàng vẫn vô tư bán như chưa từng nghe những lời cảnh báo về những mối nguy hiểm mà các chất DEHP, melamine, chì và cadimi… thường có trong các sản phẩm của TQ.

Theo lời bà Nguyễn Thị Tám, người có trên 10 năm đấu thầu lại các căn tin tại một số trường học ở quận Phú Nhuận, quận 3, Tân Bình cho biết, việc chọn hàng TQ để kinh doanh vì hàng hóa phong phú, đáp ứng thị hiếu của các em học sinh và giá quá rẻ.

Một bịch xí muội của TQ (hình cây đào) giá vốn bán ra tại chợ Bình Tây (quận 6) chỉ có 300 - 400 đồng, nhưng tại một số trường học nó được bán đến 1.000 - 2.000 đồng. Có điều, nó được làm như thế nào và được tẩm loại phụ gia gì, đã sản xuất bao lâu rồi người bán lẫn người mua chẳng cần biết.

Vải nhập lậu từ Trung Quốc được mua bán bình thường dù không có hóa đơn, chứng từ. Ảnh: M.THI

Vải nhập lậu từ Trung Quốc được mua bán bình thường dù không có hóa đơn, chứng từ. Ảnh: M.THI

Không chỉ riêng mặt hàng cho trẻ nhỏ, ngay cả người lớn cũng còn tư tưởng “sính ngoại” và vì thế hàng TQ, hàng nhái vẫn có đất tồn tại.

Tại Trung tâm Thương mại An Đông (quận 5), hàng nhái còn nhiều hơn cả hàng chính hãng. Không khó để mua một chiếc túi xách LV (có xuất xứ từ TQ), giống hàng thật đến 99% với giá chỉ 500.000 đồng so hàng “zin” có giá vài triệu đồng, hoặc một cặp mắt kính D&G cũng “Made in China” với giá từ 150.000 đồng/cặp bán tại đây.

Không chỉ tràn ngập tại các chợ, siêu thị, căn tin,  tiệm tạp hóa cho đến xe đẩy, người bán bộ hành lề phố… hàng TQ còn phủ sóng đầy trên các trang internet. Tuy nhiên, phần lớn hàng thời trang TQ thường chỉ dùng 3 tháng đã cũ.

Hàng nội thiếu, phân phối yếu

Có kinh nghiệm bán hàng trên 10 năm, anh Nguyễn Văn Thành, giám đốc bán hàng của một công ty bánh kẹo lớn trong nước cho biết, sở dĩ hàng TQ chiếm lĩnh thị phần ở hầu hết các hệ thống phân phối là do hiện nay, phần lớn hàng TQ tập trung tại các chợ đầu mối sỉ như Kim Biên (quận 5) và Bình Tây (quận 6). So với các công ty, các đầu mối sỉ này thường có cách kinh doanh khá linh hoạt bằng cách sẵn sàng cho các điểm kinh doanh gối đầu công nợ từ 5 ngày thậm chí dài hơn.

Cùng với sự trợ vốn, hàng hóa của họ đa dạng, phong phú chỉ cần đến giao dịch một nơi là có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Với phương thức kinh doanh này, lượng bạn hàng của họ chiếm khá lớn, chân rết giao dịch phủ khắp mọi nơi, khiến hàng hóa của họ hầu như chiếm lĩnh thị trường.

Theo ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty Bibica, cuộc tái chiếm lại sân nhà là một cuộc chiến lâu dài, mà chiến thắng còn phụ thuộc vào các điểm bán, hệ thống phân phối và nhận thức của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. “Chúng tôi rất mong các hệ thống phân phối ưu tiên hơn cho chúng tôi vị trí trưng bày. Hãy đồng hành với chúng tôi trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam””, ông Thiện nói.

Chị Nguyễn Kim Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngô Minh, đơn vị chuyên sản xuất gia công các mặt hàng văn phòng phẩm, đồ dùng gia đình tại quận 6 cho biết, năm 2009, chị nảy ra ý tưởng sản xuất cây lau nhà đa năng. Sau khi ra hàng mẫu đưa người thân dùng thử, được khuyến khích chúng tôi tiến hành xin giấy phép… để sản phẩm đủ điều kiện lưu thông trên thị trường và sản xuất hàng loạt, đùng một cái hàng TQ giống hệt như thế, không biết bằng cách nào chúng ồ ạt tràn ngập thị trường với giá chỉ bằng một nửa.

Tuy nhiên, theo chị Hương, “vàng thật không sợ lửa”, nhiều người mua hàng TQ chỉ dùng được 2 tháng là vứt nên họ lại quay sang dùng hàng trong nước. Nhờ có đầu tư tốt, nên sản phẩm của nhiều DN có độ bền hơn. Song nếu để hàng TQ lộng hành như hiện nay không chỉ người tiêu dùng bị “bội thực” mà DN trong nước cũng gặp không ít khó khăn.

Lê Mai Thi

Tin cùng chuyên mục