TTCK nóng vì cạnh tranh thương mại

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á trong 2 ngày đầu tuần rớt điểm trầm trọng do nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sau khi Trung Quốc công bố áp dụng thuế 25% với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 2-4, hành động trả đũa cho việc Mỹ áp thuế 25% với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm giá do chính sách cạnh tranh không lành mạnh và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm giá do chính sách cạnh tranh không lành mạnh và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Giảm sâu

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ giảm sâu với các chỉ số như S&P 500 giảm 2,2%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,9%. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,5%, chỉ số Shanghai giảm 1% và Hang Seng giảm 0,6%. 

Phản ứng trước tuyên bố áp thuế của Trung Quốc với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ bao gồm thịt heo, trái cây và rượu, người phát ngôn Nhà Trắng  Lindsay Walters nói: “Thay vì nhắm vào các mặt hàng của Mỹ, Trung Quốc cần ngừng các kiểu thương mại bất bình đẳng gây hại cho an ninh quốc gia Mỹ và ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu”. Bà Walters thêm rằng việc trợ cấp của Trung Quốc là tiếp tục gây dư thừa sản lượng thép toàn cầu và là nguồn cơn của cuộc khủng hoảng thép. Theo Reuters, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cho các mặt hàng như thịt heo, đậu nành. Riêng thịt heo, năm 2017, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của thịt heo Mỹ, kim ngạch 1,1 tỷ USD.

Ngoài thép và nhôm Trung Quốc bị đánh thuế với tổng số tiền thuế lên đến 50 tỷ USD, giai đoạn 2 Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuế trừng phạt nhắm vào hàng hóa thuộc sở hữu trí tuệ nhập khẩu từ Trung Quốc. Ước tính tổng số thuế lên đến 60 tỷ USD. Trung Quốc cũng đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa giai đoạn 2. Mỹ cho rằng Trung Quốc gây áp lực buộc các công ty muốn hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho các kỹ sư Trung Quốc.

Cạnh tranh không công bằng từ nội tại nước Mỹ

Chiến lược gia Scott Wren nói với CNBC rằng rất ít khả năng xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Wren, hiện làm việc cho Viện đầu tư Wells Fargo, cho rằng kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng là rất lớn và mức thuế trừng phạt thực sự là khá nhỏ, vì vậy ông không nghĩ sẽ có sự leo thang lớn về tranh chấp thương mại biến thành cuộc chiến thương mại toàn diện Mỹ-Trung. Wren cho rằng ông hy vọng sẽ có nhiều cuộc đàm phán giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Trung Quốc thay vì một trận chiến dữ dội hơn. 

Ngoài ra, trong đợt giảm giá TTCK của Mỹ lần này, nguyên nhân cũng từ chính các công ty công nghệ của Mỹ. Các cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump nhắm vào trang Amazon.com, phê phán công ty này về chính sách thuế và hợp đồng vận chuyển không công bằng gây thiệt hại cho Bưu điện Mỹ đã khiến cổ phiếu của công ty Amazon giảm 5,2% và kéo chỉ số Nasdaq xuống 2,7%. Chỉ số Nasdaq giảm 9,5% so với tháng 3. Ngoài ra, cổ phiếu của Facebook đã giảm 2,8% vì các buổi điều trần sắp tới về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Trên Washington Post, ông Rob Atkinson, chủ tịch Quỹ Công nghệ Thông tin và Đổi mới nhận định một số công ty công nghệ đang phải đối mặt với những thách thức về uy tín, bao gồm cả Facebook, Google và bây giờ là Amazon sau lời tuyên bố mới nhất của Tổng thống về cuộc cạnh tranh không lành mạnh của họ. Thị trường dường như tin rằng những điều này sẽ chuyển thành những thách thức chính sách mới cho ngành, bao gồm cả việc thực thi chống độc quyền theo kiểu châu Âu và quy định về sự riêng tư. Tại Quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp đã đặt câu hỏi với Facebook, Google và Twitter về vai trò của họ trong việc cho phép thông tin sai lạc và nội dung cực đoan. Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã yêu cầu các giám đốc điều hành từ Google, Facebook và Twitter điều trần về chính sách bảo mật tại thời điểm các nhà quản lý châu Âu bắt đầu thực thi các quy tắc bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt mới của họ.

Tin cùng chuyên mục