Lễ hội và những tồn tại

Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó GĐ Sở VH-TT-DL Bình Thuận:
Lễ hội và những tồn tại

Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VH-TT- DL, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 lễ hội với nhiều loại hình và phương thức tổ chức đa dạng.

Lễ hội và những tồn tại ảnh 1

Múa rồng - hoạt động nghệ thuật trong lễ hội Tết Nguyên đán 2008. Ảnh: AN DUNG

Với con số 9.000 lễ hội, có thể tạm thời phân chia thành 5 loại lễ hội: dân gian truyền thống (có khoảng 7.000 lễ hội, chiếm tỷ lệ 78,6%); lịch sử cách mạng (khoảng 407 lễ hội, chiếm 5%); tôn giáo (1.399 lễ hội, chiếm 15,71%); những lễ hội mới xuất hiện như lễ hội Hoa Đà Lạt, lễ hội đường phố, lễ hội đón giao thừa… và những lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam như Valentine, Hallowen…

Điều đó cho thấy sự phát triển của các lễ hội lớn – nhỏ đang ngày càng tăng, ít nhiều ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, đồng thời góp phần giữ gìn, phục hồi và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống. Tuy nhiên, sự phát triển ào ạt các lễ hội đã kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, tiêu cực… Để đánh giá được thực trạng hoạt động lễ hội trong thời gian qua, nhằm kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc và giữ gìn sự trong sáng trong hoạt động lễ hội, Bộ VH-TT và DL đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội (2007 - 2008) khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam. Đại biểu Sở VH-TT và DL các tỉnh thành đã bày tỏ nhiều vấn đề tồn tại đáng quan tâm.

Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó GĐ Sở VH-TT-DL Bình Thuận:

Cộng đồng các dân tộc tỉnh Bình Thuận đang sở hữu một khối lượng di sản văn hóa rất lớn, nhất là lễ hội truyền thống, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Sau khi có quy chế về tổ chức lễ hội thì các lễ hội ở Bình Thuận diễn ra khả quan hơn, nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh như tổ chức theo kiểu “trống làng nào làng đó đánh” nên nội dung na ná nhau, làm mất đi tính đa dạng, du khách sau vài lần dự lễ hội đều thấy nhàm chán.

Một số lễ hội tổ chức nặng tính hình thức, nạn thương mại hóa có nguy cơ lây lan ở cả những lễ hội có quy mô nhỏ – vừa. Rồi vấn đề ùn tắc giao thông, bán hàng kém chất lượng, hạ tầng cơ sở còn yếu, một số nơi còn phục hồi các nghi thức tế lễ kỳ lạ, tồn tại hiện tượng đốt vàng mã, cầu kỳ tốn kém trong nghi thức cúng tế… nên việc quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay ở Bình Thuận còn gặp nhiều trở ngại, hiệu quả lễ hội chưa cao. Mặt khác, sự xuất hiện thêm nhiều lễ hội mới để thu hút khách du lịch đã gây khó khăn cho nhà quản lý, bởi lễ hội mới nằm ngoài phạm vi quy chế tổ chức lễ hội.

Huỳnh Công Mước, GĐ Sở VH-TT-DL An Giang:

Vừa qua, các lễ hội làm được việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn các tập quán tốt đẹp, các trang phục truyền thống, trò chơi dân gian, tạo được tình đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo… đồng thời thể hiện hiệu quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Công tác xã hội hóa lễ hội đã có bước phát triển đáng kể. Nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng để chi phí cho lễ hội, làm công tác xã hội từ thiện, xây dựng các công trình công ích cho nhân dân. Tuy nhiên, lễ hội vẫn tồn tại nhiều vấn đề lớn như: nạn bói toán, ăn xin, vệ sinh môi trường…

Nguyễn Ngọc Minh, GĐ Sở VH-TT-DL Tiền Giang:

Tại một số lễ hội vẫn diễn ra vấn đề ùn tắc giao thông, nạn trộm cắp… mà BTC lễ hội không lường hết được. Như ở lễ hội Chiến thắng Ấp Bắc vừa qua, BTC dự kiến 5.000 người tham dự nhưng nhân dân đi đến 15.000 người và đã có hàng chục điện thoại di động bị mất cắp… Đó là điều đáng buồn. Tôi nghĩ nên tập hợp và phân loại các loại lễ hội, căn cứ vào loại hình, tính chất lễ hội để có biện pháp quản lý cụ thể. Ngoài ra, cục nên tham mưu với bộ, các ban ngành, hoặc có hướng dẫn về cơ chế, hướng dẫn các địa phương phát huy việc xã hội hóa. Nếu có cơ chế tốt thì việc xã hội hóa sẽ đỡ cho nhà nước rất nhiều các khoảng kinh phí.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái:

Hiện nay, việc quản lý của chính quyền còn nhiều lúng túng, chưa kiên quyết, chưa nắm bắt được hết nội dung, bản chất của lễ hội. Vấn đề xã hội hóa cũng chưa rõ ràng, còn mâu thuẫn trong công tác tổ chức, cách tính toán phân vân, thiếu quyết đoán nên quản lý chưa sâu sát. Đồng thời, chúng ta cũng chưa dự báo được tình hình mới của lễ hội trong giai đoạn phát triển và hội nhập với thế giới. Riêng các nhà nghiên cứu khoa học chưa tìm được nhiều kế sách giúp cho bộ trong việc quản lý, tổ chức, giải quyết... những vấn đề xung quanh lễ hội. Trong con số 9.000 to lớn đó, các nhà khoa học chỉ mới làm được vài lễ hội lớn. Ngoài ra, tính tự giác của người dân chưa cao là trách nhiệm ở cấp ủy Đảng, đoàn thể địa phương…

Nhiều đại biểu vẫn lo lắng về tiêu chí chung để đánh giá tính hiệu quả của lễ hội. Dù biết rằng, với mỗi lễ hội, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban ngành, đoàn thể và nhân dân, sự thống nhất vì lợi ích chung sẽ là điều tiên quyết giúp hoạt động lễ hội đạt hiệu quả tốt nhất, nhưng trong thực tế, làm được điều này rất khó!

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục