Xem kịch Cánh đồng bất tận

Yêu thương hóa giải hận thù

Chuyện về hai con người đau khổ có chung một số phận là Sương – người đàn bà đẹp – bị lăng nhục, hành hạ tàn nhẫn và Út Vũ – người đàn ông chung thủy – bị vợ phản bội trong cái mênh mông bát ngát của cánh đồng nước trải dài bất tận, trong những thời khắc u ám nhất của thiên nhiên và con người mà hành vi đầy thù hận của họ khiến ta ghê sợ và xót xa.

Câu chuyện trên con thuyền giữa hai người và giữa họ với đồng loại chứa chất cả yêu thương lẫn thù hận. Các tác giả kịch bản sân khấu (Minh Nguyệt) và truyện ngắn (Nguyễn Ngọc Tư) đã gặp nhau ở điểm là cả hai đều tìm cách giải thích và hóa giải sự thù hận (Út Vũ) bằng sự yêu thương (Sương).

Nhưng ở tác phẩm văn học, nhà văn nhìn cuộc sống có phần nào cay nghiệt trước các hiện tượng thì ở tác phẩm sân khấu, đạo diễn có cái nhìn xót xa, tin yêu và nhân ái. Trong vở diễn Cánh đồng bất tận (đạo diễn Minh Nguyệt), người xem thấy được sự yêu thương đã hóa giải sự thù hận.

Câu chuyện đầy kịch tính của Sương – người đàn bà đau đớn không kém gì số phận của Út Vũ – người đàn ông, nhưng Sương không thù ghét, căm hận con người, vẫn cố tìm ra ở con người những khoảng sáng bị bóng tối che khuất. Còn Út Vũ lại làm cho bóng tối dày đặc thêm bởi sự căm ghét đàn bà.

Sự trả thù khiến ông ta vô cảm trước những khát khao chân thành của những người đàn bà ông đã gặp trên bước đường lênh đênh trôi nổi. Út Vũ vẫn thèm đàn bà, quan hệ với họ một cách bất công: Vừa yêu họ lại vừa khinh họ, xa lánh, lạnh nhạt với họ sau khi gần gụi. Thái độ sống của Sương lại hoàn toàn khác Vũ.

Bị hành hạ, cưỡng bức, bị trả thù tàn bạo, khinh bỉ, ruồng bỏ, Sương cũng phẫn uất vì đau đớn về thể xác, bị lăng nhục về tinh thần nhưng trong Sương vẫn còn nguyên lòng trắc ẩn, yêu thương những đứa trẻ phải sống nghèo nàn, mù mờ, dốt nát. Những tâm hồn ngây thơ, trong sáng, sớm phải chứng kiến sự độc ác, mông muội làm Sương không chịu nổi, Sương phản kháng và chống lại.

Trong vở diễn có những lớp thật cảm động ví như lớp Nương thấy máu trong mình chảy mà Nương vẫn không biết mình đã thành thiếu nữ. Hay lớp Điền gào lên tình yêu đầu đời của cậu bé lần đầu biết được lòng mình. Phải chăng vì các tác giả đều là nữ nên đã có được những khám phá tinh tế ấy. Họ đã mô tả được cái khoảnh khắc thiêng liêng của sự vận động, chuyển mình của sự sống.

Trong vở diễn còn nhiều lớp kịch gây ấn tượng, chẳng hạn như lớp Út Vũ chết sau một trận hỗn chiến. Đúng là trên sân khấu không bao giờ người ta chết bình thường cả. Cái chết của Út Vũ là sự thanh lọc, sự tẩy rửa thường gặp trong bi kịch. Lời cuối cùng Út Vũ nói với Sương hãy đưa hai đứa con của mình về làng.

Út Vũ đã chấp nhận sự yêu thương, xóa bỏ hận thù. Con người cô đơn, cố chấp ấy cuối cùng đã thấy cái sai, cái lầm lẫn của mình. Không dễ dàng chút nào đối với con người như Út Vũ, nhưng chính nhờ có quá trình va chạm với Sương mà Út Vũ đã có một cử chỉ thật sự con người.

Diễn xuất của Khánh Hoàng trong Út Vũ, Thanh Thủy trong nhân vật Sương và Cát Phượng trong hai vai người mẹ và Nương đã thật sự chinh phục người xem.

Út Vũ của Khánh Hoàng là một tính cách vừa khắc khổ, khép kín vừa đầy những khát vọng thầm lặng. Một nhân vật rất kiệm lời và hành động dữ dội. Thể hiện một con người như vậy đòi hỏi ở người diễn viên một căn bản kỹ thuật diễn xuất cao.

Thanh Thủy đã thành công trong nhân vật Sương. Cần nhớ lại Thủy đã có nhiều nhân vật hài kịch đầy ấn tượng. Giờ đây khi trở về cày xới trên cánh đồng chính kịch, Thanh Thủy đã dẫn dắt người xem đi sâu vào thế giới nội tâm của người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ, người có một cách sống vượt ra khỏi khuôn khổ bình thường của đời sống. Do vậy Sương của Thanh Thủy thật hấp dẫn và tình cảm.

Ở Cát Phượng là hai con người khác nhau trong không gian và thời gian. Một người đàn bà đã ở độ chín của mọi cảm xúc và một cô gái mà tất cả đều là lần đầu tiên. Nương của Cát Phượng không lộng lẫy như người mẹ, nhưng vẻ đẹp tâm hồn dễ làm lay động người xem.

Thành thực, nhuần nhị và không cường điệu là những dấu son mà cả ba nghệ sĩ đã để lại trong không gian khán phòng.

Bối cảnh, trang trí của Cánh đồng bất tận là một tạo hình đơn giản, đa chức năng kết hợp hội họa, kiến trúc với điện ảnh. Một màn hình lớn làm hậu cảnh thể hiện làm nền là các cảnh sông nước, ráng chiều hoàng hôn, lục bình, giàn mướp gợi không gian câu chuyện. Một tấm bục thấp hình ô-van làm điểm đậu của con thuyền có lúc là mũi thuyền, có lúc là lái thuyền, có lúc ta thấy cả lòng thuyền. Cảnh trí ước lệ kết hợp với hình ảnh thực của video đã tạo ra cái mênh mông bất tận của không gian, miêu tả được sự chuyển động của các sự kiện, các tính cách con người.

Lâu nay ít người xem chú ý đến một đặc trưng của Sân khấu 5B Võ Văn Tần là ở sân khấu này không dùng micro – khán giả được nghe giọng nói thật của diễn viên, được ngồi trong một không gian với diễn viên. Cánh đồng bất tận đã có nhiều điểm phù hợp với hình thức sân khấu này, do vậy hiệu quả của vở diễn đã tăng rõ rệt.

Việc đưa lên sàn diễn hoặc màn ảnh những tác phẩm văn học như Kỹ nghệ lấy Tây, Số đỏ v.v... là chuyện không mới, tuy nhiên rất ít tác phẩm kịch hay hơn tác phẩm văn học. Cánh đồng bất tận là một thử thách, hy vọng khán giả sẽ đón nhận nó như đã từng đón nhận tác phẩm đọc.

NSƯT TRẦN MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục