Từ Hollywood đến Hà Nội: Hành trình 20 năm

Cuối tuần qua, khán giả đã ngồi kín những lối đi để dõi theo bộ phim tài liệu nhựa “Từ Hollywood đến Hà Nội” (78 phút) tại rạp Hanoi Cinematheque (Hà Nội). Bộ phim được sản xuất từ năm 1993 với hàng chục cuộc phỏng vấn các nhà lãnh đạo Việt Nam và nhiều nhân vật lịch sử khác, là một phần của gia tài hàng ngàn giờ phim về VN mà đạo diễn Việt kiều Tiana Thanh Nga có được sau rất nhiều chuyến đi về VN suốt 20 năm qua...
Từ Hollywood đến Hà Nội: Hành trình 20 năm

Cuối tuần qua, khán giả đã ngồi kín những lối đi để dõi theo bộ phim tài liệu nhựa “Từ Hollywood đến Hà Nội” (78 phút) tại rạp Hanoi Cinematheque (Hà Nội). Bộ phim được sản xuất từ năm 1993 với hàng chục cuộc phỏng vấn các nhà lãnh đạo Việt Nam và nhiều nhân vật lịch sử khác, là một phần của gia tài hàng ngàn giờ phim về VN mà đạo diễn Việt kiều Tiana Thanh Nga có được sau rất nhiều chuyến đi về VN suốt 20 năm qua...

  • Cô gái Việt đến Hollywood

Tiana sinh năm 1961 tại Sài Gòn và cùng gia đình sang định cư ở Mỹ từ năm ba tuổi. Cô bé người Việt nhỏ nhắn ngày ấy thường bị bạn bè bắt nạt nên đòi xin bố mẹ cho theo học võ và trở thành một trong những môn đệ đầu tiên của Lý Tiểu Long.

Yêu mến và cảm phục cô học trò nhỏ giàu nghị lực, ông đã giới thiệu Tiana với người bạn thân là nhà biên kịch của Hollywood Stirling Silliphant. Là tác giả của nhiều phim nổi tiếng, như: “Route 66” (Đường số 66), “Naked city” (Thành phố trần trụi)... và đoạt giải Oscar năm 1968 với “In the heat of the night” (Đêm nóng), giải Quả cầu vàng năm 1968 và 1969 cho hai kịch bản “In the heat of the night” và “Charly”, ông đã đưa Tiana đến với nghệ thuật thứ bảy. Từng tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu tư tưởng Phật giáo và dành mối thiện cảm đặc biệt với các nước Á Đông, đặc biệt là VN. Hai người nên vợ chồng sau khi Tiana đến Hollywood, và bà bắt đầu sự nghiệp điện ảnh tại đây. Bà đã tham gia khá nhiều phim truyền hình với tư cách diễn viên.

Năm 1988, Tiana cùng chồng lần đầu về VN. Theo lời khuyên của chồng, bà đã ghi lại những hình ảnh quê hương ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và thực hiện loạt phỏng vấn các nhân vật lịch sử. “Anh ấy nói những thước phim này là cầu nối giữa hai dân tộc Việt- Mỹ, giữa phương Đông và phương Tây. Chồng tôi rất yêu VN. Anh ấy là người hiểu biết về văn hóa, lịch sử và địa lý VN có lẽ vì khi anh ấy đọc nhiều sách về Bác Hồ...”, Tiana nhớ lại. Ông chính là người đã đưa cho Tiana những cuốn sách về VN, về Bác Hồ... khi Tiana chưa có nhiều thông tin về quê hương.

Sau khi về VN làm phim, năm 1991, Tiana cùng chồng thành lập Quỹ Điện ảnh và Nghệ thuật Đông Dương để thúc đẩy sự hiểu biết và nối nhịp cầu văn hóa giữa VN và thế giới thông qua các dự án điện ảnh, sân khấu, và các dự án nghệ thuật khác. Năm 1996, Stirling Silliphant chẳng may qua đời vì căn bệnh ung thư. Sau ngần ấy năm, Tiana vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Đôi mắt bà vẫn thảng thốt khi nhắc về ông...

Tiana Thanh Nga (áo trắng) cùng chồng chụp ảnh lưu niệm với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp làm phim “Từ Hollywood đến Hà Nội".

Tiana Thanh Nga (áo trắng) cùng chồng chụp ảnh lưu niệm với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp làm phim “Từ Hollywood đến Hà Nội".

  • Hành trình về Hà Nội

Để làm bộ phim “Từ Hollywood đến Hà Nội”, Tiana đã về nước hàng chục lần. Nhưng khó khăn hơn cả mà bà đã vượt qua là các thủ tục khá phiền phức hồi bấy giờ để được tiếp cận một số nhân vật lịch sử...

Bà may mắn khi ông cụ thân sinh từng là học trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không thể làm hộ chiếu trực tiếp từ Mỹ về VN, bà sang Pháp rồi nhờ Đại sứ quán VN tại Pháp gửi thư về VN... “Tôi ham quay phim lắm. Có nhiều chuyện tình cờ nhưng rất thú vị trong những chuyến đi ấy. Tôi nhớ lần phỏng vấn một chị làm ruộng. Trong câu chuyện, chị kể đã bắn rơi máy bay từ năm 17 tuổi. Đúng là “ra ngõ gặp anh hùng” như một nhà văn đã nói. Với những chuyến đi như vậy, không có kịch bản trước nên chúng tôi quay phim khá vất vả, thiết bị quay phim nhựa lại khá cồng kềnh...

Khi đem những cuộn phim về Mỹ, ba tôi cần mẫn xem phim và phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh vì lúc đó, tôi không giỏi tiếng Việt. Ba lặng lẽ giúp tôi dù ba khuyên tôi không nên đi làm phim...”, Tiana kể. Báo chí phương Tây đánh giá, phim của Tiana có sứ mệnh hàn gắn vết thương chiến tranh và hòa giải giữa hai dân tộc (khi ấy lệnh cấm vận của Mỹ với VN có hiệu lực). 

Những ngày này, Tiana cùng các nhà làm phim trẻ VN đang dựng một số bộ phim tài liệu từ hơn 1.000 giờ phim đã quay suốt 20 năm qua. Đó là phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn Cao... Có những nhân vật mà mỗi lần về bà đều gặp, đều quay phim. Chẳng hạn, những thước phim về Trịnh Công Sơn được thực hiện trong... 13 năm, với mười mấy giờ phim.

Bà bày tỏ niềm tin vào “những người trẻ không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ hay mặc cảm như chúng tôi trong quá khứ nên sẽ làm nên những bộ phim mới với cách nhìn mới”...

Tiana có ý định làm phim về thế hệ con, cháu của những nhân vật trong bộ phim tài liệu đã thực hiện cách đây 16 năm. “Tôi muốn lớp trẻ phải nhớ về cha ông mình”, bà chia sẻ. Bà hy vọng những bộ phim tài liệu này sẽ có dịp đến với khán giả VN.

HOÀNG THẮNG

Tin cùng chuyên mục