Những “hạt sạn” ở Yên Tử

Những “hạt sạn” ở Yên Tử

Trước khi diễn ra Lễ hội Yên Tử, Ban tổ chức đã khẳng định năm nay sẽ không còn tái diễn cảnh “chướng tai gai mắt” như đua nhau bán thuốc nam dọc đường hành hương lên đỉnh Bạch Vân Sơn, nạn khai thác tràn lan măng trúc, gậy trúc, thịt thú rừng... Vậy mà, có lên Yên Tử mới biết rằng… không phải vậy!

  •  Lên Yên Tử chớ tin “thầy lừa” 

Dọc đoạn đường bộ từ phía sau chùa Giải Oan lên bãi đá An Kỳ Sinh, cứ đi vài chặng lại gặp một khu bày bán thuốc nam. Tuy nhiên, trung tâm của “chợ” thuốc nam Yên Tử là khu vực từ An Kỳ Sinh lên đỉnh chùa Đồng. Dăm ba cây lá cũng thành một hiệu thuốc nam di động. Cả lá chào mào tía cũng được vặt xuống, buộc thành xâu, bán mỗi xâu 10.000đ. Hàng trăm chủ bán thuốc ngồi bệt trên cỏ mời chào, chèo kéo.

 Trên mỏm đá nằm cách bãi An Kỳ Sinh vài chục mét, một nhóm người đang vây kín một mẹt thuốc của người đàn ông. Anh ta trỏ vào giỏ thuốc, bảo: “Đây là hoa bách hợp, là thần dược, chỉ ở Yên Tử mới có.

 

Những “hạt sạn” ở Yên Tử ảnh 1
Nhiều du khách đã bị mắc lừa bời người đàn ông bán dạo loại thần dược mang tên hoa bách hợp trên đường lên chùa Đồng (Yên Tử) với giá tới 1.000.000đ/kg.

Cái này còn quý hơn sâm, chữa bệnh rất hiệu nghiệm”. Hỏi chữa bệnh nào, anh ta bảo: “Nói chung là đủ các bệnh: Phong thấp, phù nề, đau tim, đau lưng, kém ăn, sỏi thận… với giá “100.000đ/lạng”. Cò kè mãi anh ta cũng không chịu giảm giá, trong khi khách đua nhau nhảy vào mua. Có người còn bảo: “Dưới chân núi người ta còn bán tới 120.000đ/lạng”.
 
Cô sinh viên Nguyễn Bích Đào, 20 tuổi, nhà ở Tăng Bạt Hổ (Hà Nội) liền rút ví mua luôn 3 lạng với giá 300.000đ. Chúng tôi, mỗi người cũng mua từ 500gr đến 1kg.

 Cầm cả bịch thuốc lặc lè trên tay xuống đến cửa ga ở chùa Một Mái, mới chưng hửng khi có người “lột trần” sự thật: “Thuốc không chữa được bệnh đâu. Họ cứ thu hái hoa cỏ linh tinh về nói ngoa lên là thần dược. Nhiều người tưởng thật, mua về mới rõ là thuốc dỏm”. Chúng tôi vẫn chưa tin, bảo: “Nhưng rất nhiều người kể là thuốc linh nghiệm lắm”. Chị ta cười: “Họ chính là cò mồi thôi. Tay ai cũng giả vờ cầm một bịch thuốc, miệng liên hồi nói là năm nào cũng lên đây mua thuốc về dùng, nhưng lát khách đi họ lại đổ thuốc ra bán nốt”.

 Một hành khách nhìn tôi an ủi: “Thôi thì của đi thay người. Năm trước tôi cũng bị lừa như vậy, còn mất tới 1,8 triệu đồng cơ”.
 
Về đến Hà Nội, tôi mang bọc thuốc đến một cơ sở đông y gia truyền ở Thanh Xuân Bắc. Chủ cơ sở ở đây bảo, cái này chỉ là vị thuốc bình thường, ở cơ sở đông y nào cũng có.  

  • Còn đâu “Trúc Lâm thiền tự”?! 

Trúc là nét đặc trưng của Trúc Lâm Yên Tử. Thế nhưng ngay dưới chân chùa Giải Oan, nhà ga cáp treo Yên Tử, khu vực Bến xe Yên Tử… măng trúc bày bán tràn lan như một chợ “đặc sản”. Măng trúc có 2 loại: tươi và khô. Loại tươi đã ngâm tẩm sẵn, đựng trong các chai, lọ nhựa, bày la liệt hàng trên sạp dưới. Còn măng trúc khô thì bày trong thúng, mẹt, bao ni lông…

Một chủ sạp chuyên kinh doanh măng trúc trong “trung tâm thương mại” được Ban tổ chức quy hoạch ngay cuối con đường Dốc Đỏ, tiết lộ: “Năm nào cũng thế, cứ sắp đến hội là cả làng em lại kéo vào rừng để đào măng trúc. Ban đầu chỉ khai thác ở những cánh rừng nằm quanh khu vực di tích nhưng khi nguồn măng cạn kiệt thì nhiều người còn liều tràn lên tận đỉnh Bạch Vân Sơn, nơi có rừng tùng, rừng trúc cổ thụ để thu lượm”. Chị thừa nhận, mỗi lần dân tràn vào rừng bẻ măng là cánh rừng lại xơ xác như bị voi rừng quần xéo.
 
Theo Trung tâm Quản lý di tích Quảng Ninh, trúc Yên Tử là loài cây quý, mọc rải rác trong khu rừng đặc dụng rộng 2.600ha. Theo quy định, đây là khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt! Tuy nhiên, mỗi mùa khai hội, du khách hành hương về Yên Tử lại đua nhau tha về hàng bịch măng trúc. Được dịp làm ăn, người dân địa phương không còn thiết nghĩ việc bảo tồn di sản nữa.
 
Có lẽ hành trình leo núi ở Yên Tử là gian nan, vách cao dốc thẳm nhất. Bởi thế, suốt dọc con đường leo bộ từ phía sau chùa Giải Oan lên đỉnh chùa Đồng, cứ vài chục mét lại có một nhóm người ôm bó gậy trúc mời chào khách. Hỏi trúc ở đâu, dân thản nhiên chỉ vào rừng nói “ở đây”. Giá chỉ có 2.000đ một chiếc gậy. Mỗi ngày, hàng ngàn cây gậy bán ra là hàng ngàn cây trúc bị đốn hạ. Thậm chí, trúc ở Yên Tử còn được người dân mang về tận lễ hội chùa Hương (Hà Nội) bán. Cứ đà này, rồi đây còn đâu “Trúc Lâm thiền tự”!

 Một chủ quán ở khu vực chùa Giải Oan còn kể: “Đợt Tết Kỷ Sửu vừa qua, còn có hàng trăm người không biết ở đâu kéo lên khu vực núi Yên Tử để chặt đào, mai Yên Tử đem ra quốc lộ rồi chở về xuôi. Họ bảo rằng, mai Yên Tử toàn là loại có tuổi hàng trăm năm, đẹp và hiếm có”.
 
Ba năm trước, dư luận đã từng “lăn đùng ngã ngửa” khi được tin một tập đoàn có chủ trương đầu tư khai thác nốt cái hầm than khổng lồ ở ngay trong khu quần thể di tích Yên Tử. Rồi sau đó, lại rộ lên thảm họa than thổ phỉ ngay trong những cánh rừng già, nơi hàng trăm am tháp, lăng tẩm, chùa chiền lớn nhỏ đã có tuổi hàng trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt. Giờ đây, chủ trương khai thác than đã bị “sập” song những hoạt động xâm hại như tàn phá trúc, chặt mai rừng… tưởng chừng nhỏ lẻ song lại đang từng ngày làm bào mòn giá trị của chốn non thiêng Yên Tử 

 VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục