Kỷ niệm 20 năm ngày mất của NSND - Nhà thơ Thế Lữ (1989 - 2009)

Thế Lữ - “Người anh cả” trong làng sân khấu Việt Nam

(Tiếng sáo thiên thai)
Thế Lữ - “Người anh cả” trong làng sân khấu Việt Nam

Ngay chính giữa Nhà Truyền thống của Nhà hát Kịch VN có một bức tượng người sáng lập đoàn Kịch nói Trung ương trước đây và sau này là Nhà hát kịch VN để các thế hệ mai sau nhớ mãi người đã có công khai phá bộ môn nghệ thuật mới mẻ cho đất nước ta vào những năm giữa thế kỷ 20. Để rồi từ đó đến nay, đã có biết bao nhiêu bông hoa của nền nghệ thuật kịch nói sinh sôi nảy nở và hình thành nên một đội ngũ nghệ sĩ kịch nói vững vàng với thành tựu đáng kể… Người đó là NSND Thế Lữ (ảnh).

Thực ra, Thế Lữ bước vào con đường nghệ thuật lúc đầu chính là bằng tài năng thơ ca. Quả thực, thơ của ông đã đưa ông trở thành ngọn cờ đầu của phong trào thơ mới với nhiều bài thơ bất hủ đã đi sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt.

Những bài thơ của Thế Lữ lúc đó, như những làn gió trong lành, để làm nguôi ngoai đi những băn khoăn trăn trở của các tầng lớp nhân dân, nhất là tiểu tư sản, trí thức… trước những cảnh đời bất công cùng bao điều xấu xa, ngang trái của xã hội đương thời. Ông đưa người đọc vào chốn bồng lai tiên cảnh;

…Theo chim, tiếng sáo lên khơi
Lại theo dòng suối bên người tiên nga
Khi cao vút tận mây mờ
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh
Êm như lọt tiếng tơ tình
Đẹp như ngọc nữ uốn mình trong không

(Tiếng sáo thiên thai)

Thế Lữ cũng cho người đọc thấy được tâm trạng u uất của ông trước cảnh nước nhà bị thực dân đô hộ. Nỗi u uất đó thể hiện rất rõ trong bài thơ nổi tiếng Nhớ rừng.

…Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua

Cũng với tâm trạng như vậy, Thế Lữ còn đưa vào biết bao nhiêu bài báo, truyện dài ngắn… để mong tìm được một lối thoát cho những con người đang cùng cảnh ngộ bế tắc như ông dưới chế độ thực dân hà khắc lúc đó.

Nhưng dường như về lĩnh vực văn học thơ ca không thể tải hết mong muốn của ông về một xã hội công bằng, bác ái… do đó, Thế Lữ đã tìm tới sân khấu để nói được nhiều hơn, để đến với đông đảo quần chúng nhân dân hơn.

Ông cho rằng: kịch nói chính là một vũ khí sắc bén để chuyển tải những ý tưởng tốt đẹp tới người xem. Thế là, bên cạnh thơ ca, Thế Lữ đã tìm tới sân khấu với tất cả niềm say mê, hào hứng và đầy trách nhiệm. Làm sân khấu lúc đó nào có dễ, thiếu thốn đủ đường, diễn viên không được đào tạo và đa số là trí thức tham gia với tư cách “tài tử”, nhà hát không có, phương tiện sân khấu chỉ là số không…, ban kịch lại còn bị chế độ thực dân dòm ngó… Thế nhưng, ông vẫn quyết tâm theo đuổi và thực hiện bằng được ý tưởng của mình.

Ngay từ những ngày đó, Thế Lữ đã xác định: Nghệ thuật kịch trường Việt Nam sẽ được cải tiến, có một địa vị xứng đáng, sẽ xây nền đắp móng trên đời sống xã hội Việt Nam. Kể từ đó, hàng loạt vở kịch ra đời và gây được tiếng vang rất lớn. Ông đã đạo diễn các Cái lọ vàng của Mai Phương, Ông ký Cóp và Kim tiền của Vi Huyền Đắc…

Tên tuổi Thế Lữ đã gắn liền với sự ra đời của nền kịch nghệ Việt Nam như vậy!

Cách mạng Tháng Tám thành công, những ấp ủ về nền kịch nghệ nước nhà của Thế Lữ như con thuyền đang ở ngòi lạch được thênh thang ra biển lớn. Ban kịch Thế Lữ đã đem đến cho đông đảo khán giả từ Bắc vô Trung với bao vở diễn hào hùng, lý thú và đầy cảm xúc…

Sự yêu mến của quần chúng và sự tin tưởng của đồng nghiệp đã khiến Thế Lữ càng tin tưởng ở công việc của mình, càng lao vào sân khấu với một quyết tâm sắt đá vì một nền sân khấu thuần Việt trong tương lai. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong bản kiến nghị “Sân khấu Việt Nam và kế hoạch xây dựng tân kịch” mà ông trình bày tại Hội nghị văn hóa toàn quốc cuối năm 1946. Bản kiến nghị này chính là tâm huyết, là hoài bão mà ông ấp ủ suốt bao năm, nhằm xây dựng một nền kịch nghệ nước nhà sau khi giành được độc lập từ tay thực dân Pháp.

Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông vẫn mang hết sức mình để bằng nghệ thuật sân khấu đóng góp cho cuộc kháng chiến. Biết bao vở kịch dài ngắn được phục vụ cho quần chúng, động viên sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong thắng lợi chung của đất nước, Thế Lữ cũng rất vui vì thấy Ban kịch của ông cũng đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của cả dân tộc. Cho đến hôm nay, lịch sử sân khấu Việt Nam vẫn còn nhắc tới vở kịch Đề Thám với cách dàn dựng hoành tráng, táo bạo và đầy xúc cảm đã làm nức lòng bao chiến sĩ trước khi ra trận, đã làm rung động bao tầng lớp nhân dân háo hức đem hết sức mình ra phục vụ tiền tuyến…

Con đường cách mạng của đất nước ngày càng rộng mở với nghệ thuật nói chung và cá nhân Thế Lữ nói riêng. Sau 1954, hòa bình lập lại, Thế Lữ đã chính thức được trở thành người phụ trách của Đoàn Kịch nói Trung ương.

Ông tham gia biên kịch, đạo diễn, biểu diễn rất nhiều tác phẩm và ở bất cứ cương vị nào thì Thế Lữ vẫn là Thế Lữ: một Thế Lữ đầy say mê, cảm xúc và trách nhiệm với nghề và với công chúng. Tên tuổi của ông gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu nước nhà, nhất là bộ môn kịch nói. Các thế hệ đi sau vẫn luôn nhắc tới ông với một sự thành kính, yêu mến nhất: Thế Lữ - “Người anh cả” trong làng Sân khấu Việt Nam.

Kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông (1989-2009), cũng là dịp để chúng ta cùng nhắc tới ông để rút ra những bài học về lòng say mê, hoài bão, sự nghiêm túc và tính sáng tạo… cho các thế hệ làm sân khấu hôm nay.

NSND Doãn Châu

Tin cùng chuyên mục