Mừng tuổi người hết lòng với chữ Việt cổ

Mỗi ngày người ta ước tính trên thế giới có khoảng 5.000 ngôn ngữ biến mất bởi nhiều lý do khác nhau. Hoặc chủ nhân của những ngôn ngữ ấy bị tuyệt diệt, hoặc điều kiện tồn tại quá khắc nghiệt, hoặc mất hết sức sống, tiêu tan khát vọng khẳng định hệ giá trị văn hóa của mình mà trong đó, ngôn ngữ là một trong những tinh túy cốt lõi nhất, hoặc bị thế giới bỏ quên, hoặc bị một thế lực khủng khiếp, đen tối nào đó cố tình hủy diệt ngôn ngữ ấy một cách có chương trình...
Mừng tuổi người hết lòng với chữ Việt cổ

Mỗi ngày người ta ước tính trên thế giới có khoảng 5.000 ngôn ngữ biến mất bởi nhiều lý do khác nhau. Hoặc chủ nhân của những ngôn ngữ ấy bị tuyệt diệt, hoặc điều kiện tồn tại quá khắc nghiệt, hoặc mất hết sức sống, tiêu tan khát vọng khẳng định hệ giá trị văn hóa của mình mà trong đó, ngôn ngữ là một trong những tinh túy cốt lõi nhất, hoặc bị thế giới bỏ quên, hoặc bị một thế lực khủng khiếp, đen tối nào đó cố tình hủy diệt ngôn ngữ ấy một cách có chương trình...

Bất kể lý do nào, sự biến mất nói trên là nỗi đau của nhân loại và thiệt hại to lớn cho di sản văn hóa trên hành tinh của chúng ta. Đừng nói đâu xa, ngay trên đất nước ta, trong 54 dân tộc anh em, có những dân tộc chỉ còn vài trăm người, đang phải đối mặt với những khó khăn để sống còn, chưa nói đến việc bảo tồn nổi chữ viết, ngôn ngữ của mình...

Và còn một nỗi canh cánh khác, sâu đậm, khắc khoải hơn nhiều, từ hàng ngàn, hàng trăm nay, những người con đất Việt thuộc nhiều thế hệ khác nhau, thân phận khác nhau đều trăn trở trước câu hỏi mà nhà văn, nhà giáo, chủ nhiệm đề tài chữ Việt cổ (bộ phận nghiên cứu tiền sử, Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam) Đỗ Văn Xuyền (Khánh Hoài) đã đặt ra: “Dân tộc ta trên dưới 3.000 năm trước đã chế tác hàng loạt trống đồng tuyệt vời tinh xảo, làm kinh ngạc thế giới hiện đại, (lúc ấy) có chữ viết hay không? Thứ chữ Khoa Đẩu mà Hùng Quốc Vương đem tặng vua Nghiêu, thứ chữ mà các thầy cô giáo thời Hùng Vương giảng dạy là thứ chữ nào?”.

Bên trong đền Thiên cổ, nơi thờ những nhà giáo dạy chữ Việt cổ thời Hùng Vương.
Bên trong đền Thiên cổ, nơi thờ những nhà giáo dạy chữ Việt cổ thời Hùng Vương.

Nhà văn Đỗ Văn Xuyền phấn chấn tâm sự tiếp với chúng ta – những đồng bào của ông – những người chia sẻ với ông nỗi niềm khao khát tìm về tận gốc rễ văn hóa của mình: “Vì đâu hàng loạt nước trên thế giới chỉ sau vài thế kỷ, thậm chí vài thập kỷ (thập niên?) bị nô lệ đã mất hết cả tiếng nói lẫn văn tự? Trong khi đất nước nhỏ bé của chúng ta đạt kỷ lục về số thời gian hàng nghìn năm bị nô lệ, bị tàn sát đến bờ vực diệt vong, bị đồng hóa đến mức tưởng phải biến thành người khác, thế mà bên cạnh nền văn hóa độc đáo của dân tộc, chúng ta còn giữ được thứ tài sản vô giá của tổ tiên. Đó là chữ viết!”.

Bằng lập luận dựa trên những bằng chứng đáng tin cậy về phương diện khoa học và thực tiễn, nhà văn họ Đỗ đã có những đóng góp tích cực, đáng trân trọng vào những công trình nghiên cứu về đề tài chữ Việt cổ, để hôm nay, trong bài phát biểu nhân ngày đặt một số công trình đá tại đền Thiên Cổ (Phú Thọ), ông xúc động và tự hào nói như reo lên: “Cho tới giờ phút này, với công sức đóng góp to lớn và kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và trên thế giới, chúng ta có thể tuyên bố: Bước đầu chúng ta đã tìm ra thứ chữ đó – thứ ký tự của thời đại Hùng Vương, sau gần 2.000 năm tưởng như không tồn tại!”.

Chữ Việt cổ được phát hiện trên đá.
Chữ Việt cổ được phát hiện trên đá.

Để một công trình lớn lao, có ý nghĩa cực kỳ trọng đại đối với việc khẳng định hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã tồn tại, phát triển hàng nghìn năm, được chính thức công nhận cả trên phương diện nhà nước và giới học thuật đồng thuận, một cách thuyết phục, nhà văn Đỗ Văn Xuyền cùng các nhà nghiên cứu Việt Nam trong nước và đang ở nước ngoài, chắc còn phải mất thêm rất nhiều công sức, tâm huyết, khả năng sáng tạo và khám phá, hợp tác một cách hiệu quả, trung thực, vô tư cùng các đồng nghiệp trên thế giới... Nhưng trước hết, chúng ta vô cùng kính phục, trân trọng và biết ơn tất cả những gì mà ông và những thành viên tham gia sự nghiệp cao cả này đã làm được và đang hăm hở đi tiếp chặng đường có tính chất quyết định đối với việc hoàn thiện hồ sơ khoa học về đài tài chữ Việt cổ.

Có lẽ, được thêm bất cứ ai lên tiếng ủng hộ bằng nhiều cách khác nhau, từ lời động viên, đóng góp thêm tư liệu, ý tưởng, đến tài chính, đồng tình và chia sẻ những nỗi niềm và khát vọng cháy bỏng này, đó sẽ là món quà mừng tuổi đáng nhớ với nhà văn Đỗ Văn Xuyền và những người nghiên cứu chữ Việt cổ...

NGUYỄN KHẮC PHỤC

Tin cùng chuyên mục