Trường Sa Xanh

Trường Sa Xanh

Do đặc thù công việc, dường như tôi đã có mặt ở khắp các hòn đảo gần bờ của Tổ quốc. Nhưng quần đảo Trường Sa nơi cách đất liền gần 400 hải lý (gần 700km) thì tôi chưa có may mắn được đặt chân tới. Lần này, nỗi khát khao, mong đợi đã được thực hiện. Tôi có mặt trong đoàn đại biểu Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó bí thư Thành ủy TPHCM, làm trưởng đoàn ra thăm quần đảo Trường Sa. Rất may cùng đi có đoàn cán bộ Hải quân do Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân, đơn vị kết nghĩa với TPHCM, một người đồng đội của tôi dẫn đầu. Cuối tháng 3, hàng năm đây là mùa biển lặng. Nhưng năm nay khác thường, các tỉnh phía Bắc vẫn có rét đậm. Trên vùng biển phía Nam nước ta gió Đông Bắc vẫn cấp 5 cấp 6, có lúc giật lên cấp 7 cấp 8.

  • Những cánh chim hải âu

Trung tá Trần Đức Dục, thuyền trưởng tàu HQ 960 thuộc Lữ đoàn Hải quân 125 quê ở Nghĩa Hưng (Nam Định) có gương mặt kiên nghị và cái nhìn xa xăm. Anh có dáng của một cánh chim hải âu. Tôi nghĩ thế, khi ngay đêm đầu tiên tàu rời bến ra khơi, đúng lúc cơn dông đến. Biển như giận dữ ai mà gào thét suốt đêm. Ngồi trên buồng lái, giữa đêm tối mênh mông, con tàu có trọng tải 45.000 tấn với sức kéo 8.800 mã lực (tương đương với sức kéo của 8.800 con ngựa) như cánh võng chung chiêng giữa biển khơi. Khách trên tàu ai cũng nôn tháo, mặt xanh, tóc tai bơ phờ mà Trần Đức Dục và đồng đội của anh vẫn bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Dục cho biết, tàu Ti Tan HQ 960 là tàu chuyên dụng cứu hộ, cứu nạn trên biển. Các nhà thiết kế đã tính toán bảo đảm tàu an toàn cao khi sóng to gió lớn. Đại tá Chính ủy Vùng 4 Hải quân Đặng Minh Hải thì ví tàu như con lật đật của Nga, sóng gió mấy cũng không lật được. Nghe các anh nói thế, đặc biệt nhìn tác phong làm việc bình tĩnh và nhịp nhàng của thủ thủy đoàn, lòng chúng tôi ấm lạ.

Sau gần 3 ngày lênh đênh trên biển cả, vượt qua những con sóng to như mái nhà, tàu đến điểm dừng chân thứ nhất – đảo Song Tử Tây. Mùa biển động, từ nơi tàu thả neo vào đảo cũng không phải là chuyện dễ dàng. Các chiến sĩ hải quân, mặc cho mưa bão dìu từng người xuống xuồng. Ai cũng mặc áo phao cứu hộ màu đỏ, sẵn sàng phương án khi có lốc. Từ Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Đá Tây, đặc biệt đến Trường Sa lớn, thủ phủ của huyện đảo Trường Sa, việc di chuyển khách và hàng hóa vào bờ là cả một thử thách đối với những người lính biển.

11 giờ 30 ngày thứ 5 của cuộc hành quân chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn. Ấy là lúc gió lên đến cấp 7 cấp 8. Từng con sóng có độ cao từ 6 đến 7m chồm lên thành tàu. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Từ phòng chỉ huy, Phó đô đốc Trần Thanh Huyền lòng như lửa đốt. Làm sao đưa lực lượng và hàng hóa, quà tặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM vào đảo. Chỉ cách bờ chừng cây số nhưng sóng to, gió lớn rất nguy hiểm đến tính mạng. Đang phân vân thì Đại tá Chính ủy vùng 4 Đặng Minh Hải đề xuất, anh sẽ dẫn đầu một tổ dùng xuồng nghiệp vụ rẽ sóng vào đảo trinh sát. Được Phó đô đốc đồng ý, Hải cùng 3 chiến sĩ như những cánh hải âu lao vào bờ. Chúng tôi nín thở chờ đợi. Giữa phong ba, bão táp con người trở nên nhỏ bé, mong manh quá. Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Sau khi khảo sát kỹ luồng lạch, Hải điện về báo cáo Phó đô đốc.

Để đảm bảo an toàn cho đoàn, Phó đô đốc Trần Thanh Huyền đồng ý cho một nhóm đại biểu vào đảo, trong đó có Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà và Phó đô đốc Trần Thanh Huyền cùng các sĩ quan tham mưu, tác chiến, văn phòng. Số còn lại sẵn sàng đợi lệnh. Không thể nào mấy ngày đêm lênh đênh chịu sóng, chịu gió trên biển cả, ra đến đây mà không được đặt chân lên mảnh đất yêu dấu, không được chạm tay vào cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ai cũng tình nguyện xung phong. Tôi có cảm giác đang sống lại không khí của những ngày kháng chiến năm xưa, trong mỗi mùa chiến dịch. Cuối cùng, tôi cũng toại nguyện. Cùng trên chuyến áp chót vào đảo có Thượng tọa Thích Tắc Huê, Phó văn phòng Thành hội Phật giáo thành phố.

Mưa mỗi lúc một nặng hạt, sóng chồm lên như con ngựa bất kham. Nhưng nhờ tay lái vững vàng, giàu kinh nghiệm của Thượng úy Phạm Văn Phương, Phó thuyền trưởng tàu HQ 960 mọi người đã vào bờ một cách an toàn. Chúng tôi theo Phó đô đốc Trần Thanh Huyền đi trong mưa viếng nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ Bác Hồ, thăm chùa Trường Sa lớn và một số công trình văn hóa trên đảo. Đàn chim hải âu, dường như đã theo chúng tôi từ đất liền không rời tàu, chao nghiêng trong bão gió tiễn chúng tôi vào bờ. Tôi nghĩ đến gương mặt kiên nghị, ánh mắt tự tin, cánh tay rắn chắc và màu da dạn dày sương gió của Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Vùng 4 Đặng Minh Hải, thuyền trưởng tàu HQ 960 Trần Đức Dục và thuyền phó Phạm Văn Phương... Các anh là những cánh hải âu giữa mênh mông biển cả.

Trung tá Trần Đức Dục, thuyền trưởng tàu HQ 960 trên đường ra đảo. Ảnh: T.B.TRÂN

Trung tá Trần Đức Dục, thuyền trưởng tàu HQ 960 trên đường ra đảo. Ảnh: T.B.TRÂN

  • Lấp lánh khơi xa

Trái ngược hoàn toàn với sóng to gió lớn biển khơi, cuộc sống của quân và dân trên các đảo, nơi chúng tôi vừa đi qua thật thanh bình, rộn rã như một công trường. Đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn là một ví dụ. Đảo Song Tử Tây có hình bầu dục diện tích khoảng 0,13km2, lòng đảo trũng xung quanh cao so với mực nước biển từ 4m đến 6m. Từ xa thấy đảo như một khu rừng nho nhỏ mọc giữa đại dương. Màu xanh của cỏ cây như: phong ba, phi lao, bàng vuông hòa cùng màu xanh của biển tạo nên màu xanh thanh bình, ổn định. Nhờ một đêm dừng chân trên đảo, chúng tôi mới có dịp tìm hiểu về đất và người nơi đây.

Đúng như một công trường, Song Tử Tây đang dang tay chào đón những chàng trai, cô gái ở khắp mọi miền đất nước về xây dựng đảo. Họ làm những công trình văn hóa, dân sinh, tâm linh và cả những công trình quân sự để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trung úy Phạm Ngọc Tân là một người như thế. Sinh năm 1977 ở Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình, tháng 2 năm 1995 Tân nhập ngũ và được tuyển vào học lớp kỹ thuật sửa chữa xe cơ giới. Ra trường vào Vùng 4 Hải quân, Tân đã cùng đồng đội đi khắp các đảo như Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn và hơn 1 năm nay anh về Song Tử Tây công tác. Đảo là nhà, biển cả là quê hương, Tân thuộc từng luồng lạch, đường mòn trên đảo. 17 năm gắn bó với biển đảo, đến nay anh vẫn chưa lập gia đình. Chuyện riêng thì thế, nhưng chuyện đảo, Tân thuộc như lòng bàn tay. Anh cho biết, đảo Song Tử Tây có nhiều nước lợ thuận lợi cho việc sinh hoạt và nuôi trồng. Đàn heo, gà, bò của đảo ngày một sinh sôi nảy nở. Rau xanh ở đảo bốn mùa xanh tốt. Đặc sản của đảo có cây sâm đất, người ta vẫn dùng làm nước uống khá ngon.

Tấm lòng người trên đảo thật bao dung, thân thiện. Các anh nhường giường cho chúng tôi nghỉ đêm, còn mình mắc võng ra các lùm cây phong ba. Các anh chọn những con heo mập nhất mổ thịt đãi khách. Bước chân lên đảo Sinh Tồn trong một buổi sáng nắng hanh vàng, se lạnh, tôi có cảm giác nơi đây như một khu nghỉ dưỡng. Doanh trại bộ đội và nhà dân, nơi nào cũng sạch sẽ, thoáng mát. Chủ tịch xã Đinh Trọng Thắm dẫn chúng tôi đi thăm khu dân cư. Các nhà dân ở đây thật gọn gàng, ngăn nắp. Gia đình nào cũng nuôi gà, chó, trồng rau xanh. Anh Bùi Đình Nam, vợ là Trần Thị Nữ cho biết, anh chị có hai con là Bùi Hoàng Minh Quân và Bùi Hoàng Nhã Kỳ. Đó là những công dân đầu tiên sinh ra trên hòn đảo này.

Trong buổi gặp gỡ giữa quân và dân các đảo với đoàn công tác, chúng tôi mới biết bộ đội hải quân làm công tác dân vận thật khéo. Khéo nhất là Phó đô đốc, Chính ủy Quân chủng Hải quân. Tôi biết Trần Thanh Huyền đã lâu nhưng không ngờ anh lại có tài làm dân vận khéo đến như thế. Đến các nhà dân trên đảo, anh thân thiết gần gũi như người nhà. Anh biết hoàn cảnh từng gia đình và còn dạy các cháu hát bài Khúc quân ca Trường Sa của nhạc sĩ Đoàn Bổng mà dường như người lính, người dân nào trên huyện đảo này cũng thuộc. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta. Đảo này là của ta. Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…

Màu xanh của lá của cây của trời của biển cứ theo mãi chúng tôi, lấp lánh ngoài khơi xa, níu chân du khách. Chia tay, mấy cô văn công thuộc nhà hát Trần Hữu Trang và các chiến sĩ hải quân trên đảo không muốn rời nhau. Họ cầm tay nhau cùng hát vang khúc quân ca Trường Sa. Đảo này là của ta. Biển này là của ta. Dù bão tố, phong ba, chiến sĩ Trường Sa viết tiếp bài ca về tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ…

  • Tiếng chuông chùa trên đảo

Có lẽ phút giây xúc động nhất trong suốt chuyến đi là lễ tưởng niệm và thả tràng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh thân mình bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trời nắng chang chang, chúng tôi đang đứng nghiêm trang trên boong tàu nghe Đại tá Đặng Minh Hải, Chính ủy Vùng 4 Hải quân, đọc lời tưởng niệm thì cơn mưa từ đâu ập tới. Nước mắt hòa trong mưa, chúng tôi như đang nghe sóng biển ầm ào kể về những tấm gương anh dũng hy sinh bảo vệ biển đảo và nhà giàn trong những năm trước đây. Dứt bài điếu cũng là lúc trời quang, mây tạnh, bầu trời lại bừng sáng, sóng biển lại rì rào dưới mạn tàu. Phó đô đốc Trần Thanh Huyền bảo chuyện này thường diễn ra trong mỗi lần làm lễ thả tràng hoa và cúng hương hồn các liệt sĩ trên biển.

Tan buổi lễ tưởng niệm tôi thấy có một phụ nữ đứng mãi trên mạn tàu. Đôi mắt chị đẫm lệ. Chị thổ lộ, như có giác quan thứ 8, chị thấy các liệt sĩ trở về, dâng hai tay đỡ tràng hoa và cười nói, tâm tình cùng đồng đội. Chuyện thần giao cách cảm bây giờ không còn là chuyện lạ. Thực tế cho thấy đã có hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ được tìm thấy bởi các nhà ngoại cảm. Điều đáng nói ở đây, người phụ nữ trong đoàn công tác không chỉ thấy các liệt sĩ trở về mà hơn thế thấy rõ trách nhiệm của người đang sống đối những người đã khuất.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện của Phan Văn Quý, thủy thủ tàu HQ 960, kể cho tôi nghe trong đêm trăng khi tàu Ti Tan chồm lên những con sóng lớn vươn ra biển. Đó là một chiến sĩ Trường Sa còn rất trẻ. Anh tên là Chiểu. Chiểu hy sinh giữa tuổi 20 khi đang làm nhiệm vụ. Xuồng công tác của anh gặp nạn chìm xuống đáy biển. Sau thời gian tìm kiếm không thấy anh, đồng đội đã phải cúng cơm gọi hồn anh về. Chiểu về với đồng đội sau gần một tuần nằm dưới đáy biển như một sự bí hiểm mà đến nay chưa thể nào giải thích được. Câu chuyện cứ ám ảnh tôi mãi, cho đến buổi chiều, tôi cùng Thượng tọa Thích Tắc Huê ra cúng ở chùa Song Tử Tây.

Chùa Song Tử Tây được xây dựng khá bề thế, theo mô hình chùa Bái Đính, Ninh Bình. Khi tiếng chuông chùa ngân lên, trong khói hương nghi ngút và tiếng sóng biển rì rào, tôi cũng như nghe thấy tiếng bước chân chiến sĩ ào ào dội lên từ biển cả. Và điều linh thiêng hơn nữa, giữa bão bể mưa rừng, chúng tôi ra viếng mộ liệt sĩ nằm kế mép biển gần ngôi chùa trên đảo Trường Sa lớn. Hai ngôi mộ, hai liệt sĩ còn rất trẻ. Đồng chí thứ nhất là Hoàng Văn Nghĩa, sinh năm 1988 quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Đồng chí thứ hai là Lê Văn Tuấn, sinh năm 1987, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Các anh nằm đó giữa muôn trùng biển khơi. Tiếng sóng biển rì rào quanh năm, tiếng chuông chùa ngân nga mỗi tối như giọng ca ấm áp của bà, của mẹ ru các anh vào giấc ngủ. Tôi bất chợt nhớ đến hai câu thơ khắc trên quả chuông lớn đặt ở đền thờ liệt sĩ Long Khốt : Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia… Đến đây, tôi muốn viết thêm: Những người chiến sĩ Trường Sa. Máu xương đã kết tràng hoa dâng đời.

Bỏ lại sau lưng biển đảo và những cánh chim hải âu trở về thành phố, chúng tôi vẫn có cảm giác chung chiêng, lênh đênh trên tàu Ti Tan HQ 960. Nhắm mắt lại là thấy Trường Sa. Nhắm mắt lại là thấy lá cờ Tổ quốc đỏ thắm phần phật tung bay trên cột mốc chủ quyền. Nhắm mắt lại là thấy gương mặt các chiến sĩ hải quân với nụ cười lấp lóa ánh mặt trời và màu xanh bất tận.

Trường Sa – TPHCM, 26-3-2011
Bút ký của TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục