Khơi dậy niềm đam mê sáng tác

10 truyện ngắn, 10 bút ký, tản văn; hơn 50 bài thơ, có cả một tác phẩm được phổ nhạc là con số sáng tác không nhỏ với Trại sáng tác văn học trẻ 2011 ban đầu chỉ có 10 thành viên.

Các sáng tác phần lớn tập trung miêu tả TPHCM dưới những góc nhìn của giới trẻ. Những sáng tác có thể chưa sâu sắc nhưng lại khiến người đọc chú ý vì góc nhìn mới lạ, mang tính nhân văn của người viết trẻ. Đó là chưa kể ở một số tác phẩm có yếu tố lịch sử, các cây bút trẻ còn có cả một độ lùi lịch sử nhất định như trong Truyện kể rừng Sác của Mẫn Chi.

Theo ông Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, hai dấu ấn thành công mà Hội nghị những người viết văn trẻ TPHCM lần 3 và Trại sáng tác văn học trẻ 2011 đem lại là việc khơi dậy, khích lệ niềm đam mê sáng tác và cũng là dịp để nhìn lại hoạt động văn học trẻ TP.

Thời gian vừa qua, vì nhiều lý do, một số nhà văn trẻ đã rời xa sáng tác. Tại hội trại này, nhiều cái tên đã tái xuất hiện như Hoa Níp, Trần Văn Thưởng… Có trường hợp đặc biệt như Bùi Tuyết Nhung, xuất thân từ Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. Vào TPHCM, Nhung khá chìm lắng và ở hội trại lần này Nhung đã nhận được sự chú ý với nhiều bài thơ gây chú ý như Với tuổi thơ, Mùa không nhau… Một trường hợp khác là nhà thơ Trần Huy Minh Phương, một cây bút xuất thân từ ĐBSCL với những câu thơ đẫm chất Nam bộ đem đến cho thơ trẻ TP một hơi thở mới lạ qua những Ký ức cánh đồng, Tản mạn ngày… Hội trại đã trở thành một cơ hội lý tưởng để những nhà văn trẻ thể hiện mình.

Có một dạo, khi nói đến nhà văn, nhà thơ trẻ TP người ta chỉ thấy lặp đi lặp lại những cái tên như Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Trần Nhã Thụy, Phan Hoàng… Chính qua hội trại lần này, những người viết văn trẻ của TP có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với bạn đọc. Nhiều nhà thơ, nhà văn trẻ đang chập chững bước vào con đường văn chương, qua hội trại có điều kiện để bộc lộ mình, đồng thời nhận được những nhận xét, đánh giá của bạn văn, các nhà văn đàn anh. Từ hội trại, người ta thấy một Trần Minh Hợp với những tác phẩm phóng khoáng trong cái nhìn cuộc sống, một Miên Ca từ thơ chuyển qua văn đầy ngọt ngào. Rồi Ngô Thị Vân được đánh giá viết rất chắc tay, có thể đi xa trên con đường văn chương…

Không phải ngẫu nhiên, nhiều người coi hai hoạt động trên là một nét khởi sắc của giới văn học trẻ TP. Bên cạnh những thành công kể trên, hội trại còn là một sân chơi đầy hấp dẫn cho các sáng tác trẻ. Nhiều nhà văn dù đã có tên tuổi như Trương Anh Quốc (giải nhất sáng tác văn học tuổi 20 lần 4) nhưng vẫn còn xa lạ, nhờ hội trại lần này mà Quốc trở nên gần gũi hơn với bạn văn. Rồi cũng lần đầu tiên, các dịch giả, một phần của làng văn cũng xuất hiện với những Tịch Thủy (dịch Chạng vạng), Nguyễn Vũ Hưng (dịch Hoàng đế và giai nhân)…

Hiện nay, Hội Nhà văn TP đang tổng hợp các tác phẩm có chất lượng để xuất bản thành sách, ghi dấu ấn của trại sáng tác văn học trẻ. Thậm chí, một số cây bút trẻ có năng lực còn được hội hỗ trợ ra sách riêng.

Tường Vân

Tin cùng chuyên mục