Bức xúc danh hiệu Nghệ nhân dân gian

Từ năm 2005 đến nay, Bộ Công thương đã tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho lĩnh vực nghề thủ công truyền thống. Trước đó, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng xét truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Việc 2 đơn vị cùng xét phong một danh hiệu với nhiều tiêu chí khác nhau đã tạo ra sự khập khiễng, lấn cấn, không vinh danh đúng công trạng của Nghệ nhân dân gian.

Từ năm 2005 đến nay, Bộ Công thương đã tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho lĩnh vực nghề thủ công truyền thống. Trước đó, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng xét truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Việc 2 đơn vị cùng xét phong một danh hiệu với nhiều tiêu chí khác nhau đã tạo ra sự khập khiễng, lấn cấn, không vinh danh đúng công trạng của Nghệ nhân dân gian.

  • Danh hiệu và cơ chế

Năm 2009, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân gian Việt Nam” cho cụ Nguyễn Trọng Quyền, hiệu là Mộc Quán (1876 – 1953), soạn giả sân khấu, quê tại làng Thạnh Hòa, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ (nay là phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt).

Cùng đợt trao tặng danh hiệu này ở ĐBSCL còn có các ông Cao Văn Lầu, Lê Tài Ký tức Nhạc Khị (Bạc Liêu), Nguyễn Quang Đại (Long An), Thái Đắc Hàn, Lâm Tường Vân (Cà Mau). Đây là những người có công lớn trong việc truyền bá, lưu giữ, phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, vọng cổ, cải lương; những loại hình nghệ thuật góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, cái “hồn châu thổ” hôm nay. Lễ đón nhận, trao bằng danh hiệu Nghệ nhân dân gian được một số địa phương tổ chức khá trang trọng.

Chuyện tưởng đã “êm” nhưng mới đây tại Cần Thơ lại “bùng” lên một số ý kiến trái chiều bởi danh hiệu Nghệ nhân dân gian chưa phản ánh đúng, đủ công lao của cụ Nguyễn Trọng Quyền. Càng băn khoăn hơn khi danh hiệu này đặt cụ (cùng nhiều tên tuổi lớn khác), vốn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa “song hàng” với danh hiệu phong cho nghệ nhân cây kiểng, làm bánh… thuộc lĩnh vực ngành nghề truyền thống như Nghệ nhân dân gian Mười Xiềm ở Cần Thơ.

Soạn giả Ngô Hồng Khanh, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Cần Thơ (cũ), nguyên Vụ trưởng (Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) bức xúc: “Cụ Mộc Quán không thể xếp vào lĩnh vực “dân gian” bởi cụ là tác giả, soạn giả, là dạng “chuyên nghiệp”, cần phong tặng cho xứng đáng, phù hợp”.

Bà Đoàn Thị Bích Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TD-TT quận Thốt Nốt, người từng thay mặt gia đình đi nhận bằng cùng kỷ niệm chương Nghệ nhân dân gian cho biết bà không chỉ bà “hụt hẫng” mà một buổi lễ đón nhận long trọng địa phương dự định tổ chức cũng phải hủy bỏ.

Đáng chú ý là trong thời điểm đó (và ngay cả đến nay) vẫn chỉ có duy nhất danh hiệu Nghệ nhân dân gian để tôn vinh những cá nhân không thuộc dạng “chuyên nghiệp”, sống trong dân, trong cộng đồng có công đóng góp cho văn hóa phi vật thể. Rõ ràng, danh hiệu Nghệ nhân dân gian chung “một chiếu” cho tất cả các lĩnh vực văn hóa phi vật thể là chưa thể hiện rõ mức độ, sự khác biệt, “đẳng cấp” công lao đóng góp.

  • Bộn bề trăn trở

Sự “phản ứng” đó bắt nguồn từ những công lao đóng góp và ảnh hưởng của Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, nhất là trong nghệ thuật cải lương. Nhiều người cho rằng nếu như nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) là cha đẻ của bản “Dạ cổ Hoài Lang”, tiền thân của bài vọng cổ thì soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền là cây “đại thụ”, là “hậu tổ” góp công lớn khai sáng, đặt mốc cho loại hình sân khấu cải lương Nam bộ, là danh nhân văn hóa đất Cần Thơ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian đã được đề cập tại Điều 26 Luật Di sản văn hóa năm 2001, chủ yếu tôn vinh “nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”. Tuy nhiên, tại Điều 65 Luật Thi đua, khen thưởng lại chỉ quy định tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho “cá nhân có nhiều năm trong nghề, kế tục, giữ gìn, sáng tạo và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống”. Do đó, cho đến nay, các nghệ nhân không thuộc lĩnh vực thủ công truyền thống không được phong tặng danh hiệu này.

Để bổ khuyết, một dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian nhân dân, Nghệ nhân dân gian ưu tú vừa được Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến đợt xét tặng này sẽ công bố vào dịp Quốc khánh 2-9 tới. Theo đó, huy hiệu, bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng; danh hiệu Nghệ nhân dân gian nhân dân sẽ được tặng kèm theo tiền thưởng là 12,5 lần mức lương tối thiểu chung và đối với danh hiệu Nghệ nhân dân gian ưu tú là 9 lần mức lương tối thiểu chung.

Dẫu biết đây là việc cần làm ngay nhưng nhiều người am hiểu cho rằng thông tư này “chưa chắc đã ra được” do vướng cơ chế. Bộ Công thương hay Bộ VH-TT-DL sẽ là “đầu mối” trong khi “văn hóa là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” và chiếm hầu hết lĩnh vực văn hóa phi vật thể được bình xét. Trong khi các cơ quan hữu quan còn bận bàn luận, tìm tiếng nói chung, quy chế chung thì các “báu vật nhân văn” lần lượt từ giã cõi đời.

Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa trình UNESCO hồ sơ tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì ngay tại “sân nhà”, những người đã đặt nền móng, làm thăng hoa hơn bản sắc văn hóa cả một vùng miền từ thủa “mở đất” rất cần được khẳng định xứng danh, xứng tầm. 

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục