Tường Linh - thơ một đời...

Tuyển tập thơ Tường Linh (*) ấn hành khi nhà thơ vừa qua tuổi 80. Ông sinh đầu năm 1931, âm lịch là Canh Ngọ, làm con ngựa thồ văn chương, thồ nhân nghĩa và ân tình xứ Quảng.

Hơn sáu thập niên làm thơ, vắt dòng qua hai thế kỷ, giờ chọn lại 396 bài, Tường Linh vẫn là một nhà thơ thuộc thế hệ trước, một nhà-thơ-mới-cổ-điển. Ông là nhà thơ dụng công về kỹ thuật, chú trọng niêm luật và vần điệu của từng thể loại mà không gây cho người đọc cảm giác gượng ép, có lẽ một phần là vì thuở thiếu thời, ông đã được rèn luyện nhuần nhuyễn khi làm các thể thơ cổ. Sở trường của ông là thơ bảy chữ, tám chữ và lục bát.

Có đôi lần ông làm thơ cách tân - thơ tự do hay thơ văn xuôi - nhưng cảm hứng và tình điệu vẫn không rời mạch thơ truyền thống của dân tộc. Thơ ông được nuôi trong nguồn mạch đó và hòa vào tiếng nói trữ tình của người Việt một cách tự nhiên như hơi thở, như không khí.

Ở trong Nam nhưng thơ ông luôn hướng vọng về “ngoài ấy”, “phương xưa”, phương của mẹ, phương của quê nhà: Ngoài ấy giờ đây mùa gió mùa/ Xiêu xiêu quán nhỏ mé đường trưa/ Vườn cau của mẹ hoa cau rụng/ Giọt sáng rơi dường giọt nước mưa.

Khi thơ ông cất lên “Thu ơi từ đó…”, thì hình ảnh sông Thu, mùa thu quyện chặt hình ảnh người thương mến: Anh mất mùa thu, mất cả em/ Lạc nhau từ thuở mới vừa quen/ Trùng trùng dâu bể đau hồn bút/ Đêm mịt mù sương lụn ánh đèn.

Hình tượng thơ Tường Linh gắn liền hình ảnh đất và người xứ Quảng, với tần số xuất hiện cao, vậy mà không thấy trùng lặp, mỗi lần đọc lại gợi lên những rung động mới. Những bài thơ như Tháng bảy, Tin bão miền Trung... được tác giả viết gần nửa thế kỷ trước mà tưởng như là chuyện vừa mới hôm qua.

Phong vị cổ điển trong thơ Tường Linh còn thể hiện ở chỗ dường như nhà thơ làm nhòa đi hình ảnh chính mình mặc dù những điều ông nói đều bắt nguồn từ gan ruột. Phải chăng ông nghĩ rằng những “gió dập sóng nhồi” của cuộc đời ông có thấm gì so với những chìm nổi của đất nước quê hương. Nhưng dù ông đứng lùi về phía sau thì tấm lòng ông, cái tình trong thơ ông vẫn hiện lên dạt dào ở phía trước. Dễ nhận ra chất nhạc trong thơ Tường Linh là yếu tố gây men cho những ca khúc phổ từ thơ ông của Anh Việt Thu, Trầm Tử Thiêng, Minh Kỳ, Bắc Sơn…

Khi viết những bài thơ thế sự về những thảm nạn do thiên tai hay chiến tranh, về những ngang trái đắng cay của cuộc đời, Tường Linh vẫn giữ vẹn nguyên chất giọng nhỏ nhẹ, kín đáo mà làm chứng cho những bể dâu và “cuộc tỉnh say” của kiếp người.

Đọc một tập thơ, hiểu một tâm hồn, luận đề quen thuộc ấy càng đúng với thơ Tường Linh. Đó là một tâm hồn hết mực khiêm cung mà chất chứa bao nỗi niềm tâm sự để viết ra những vần thơ, như “tiếng trúc trầm luân”, thấm sâu vào những tấm lòng Việt Nam bình dị.

(*) NXB Văn học, 2011 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục