Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - Người cộng sản được viết hoa đúng nghĩa

Bộ phim tài liệu đáng nhớ
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - Người cộng sản được viết hoa đúng nghĩa

Năm 2000, tôi vừa tốt nghiệp đạo diễn Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh, được nhận làm phim tài liệu về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một thách thức không nhỏ. Nhân vật trong phim đã ở tuổi 92. Tôi thực sự lúng túng. Bởi phẩm chất bác sĩ, nhân sĩ, Nhà giáo nhân dân, nhà văn Trần Hữu Nghiệp hòa quyện trong một con người. Con người ấy là chứng nhân của hơn nửa thế kỷ đất nước đấu tranh giành độc lập, với hai lần chân cứng đá mềm vượt Trường Sơn có quá nhiều điều để viết, để kể. Rất may mắn cho tôi, bởi chân dung Trần Hữu Nghiệp càng lúc càng sáng tỏ trong ký ức của những người cùng thời.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp

Bộ phim tài liệu đáng nhớ

Anh hùng Lao động Đoàn Thúy Ba dù bề bộn công việc vẫn dành thời gian tổ chức chuyến đi, đưa đoàn làm phim về Bến Tre ghi lại những hình ảnh in dấu một thời của người thầy khả kính. Bên tấm bia tưởng niệm trường y tế quân dân y đầu tiên do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy, huấn luyện y tá, cứu thương đã được dựng nên ngay trước Trạm y tế xã An Thới, huyện Mỏ Cày.

Bà Đoàn Thúy Ba nhắc lại một kỷ niệm vô cùng cảm động về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp: “Năm ấy tôi là một y tá được thầy đào tạo. Thầy đọc nhiều, hiểu rộng, có trí nhớ tốt. Thầy kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, giữa kỹ thuật với y đức nên bài giảng phong phú, sinh động, đôi khi dí dỏm, học viên rất dễ tiếp thu. Nửa đêm, thầy trò chúng tôi được thông báo có một ca sinh khó. Vậy là đốt đuốc lá dừa, vai choàng túi cứu thương theo chân thầy vượt qua đêm tối, mấy lần suýt ngã trên cây cầu khỉ chênh vênh. Đó là một ca nhau tiền đạo.

Trong hoàn cảnh khó khăn của kháng chiến, chúng tôi không khỏi lạnh xương sống khi nghe thầy thông báo trường hợp đặc biệt này. Đưa được đứa bé ra, máu người mẹ tuôn xối xả. Tay thầy giữ chặt động mạch bụng của sản phụ, bình tĩnh ra lệnh: “Hồng Hoa, máu thầy là máu B. Hãy xem sản phụ máu gì?”. Chúng tôi làm theo lời thầy. Mắt thầy sáng lên khi được thông báo. Thầy vui ra mặt: “Cùng nhóm máu hả? Được, vậy lấy máu thầy chích thẳng vào tĩnh mạch của sản phụ”.

Bằng cách ấy, chúng tôi tiếp máu cho bệnh nhân. Mạch của sản phụ cho đến sáng ổn định trở lại. Thầy luôn căn dặn chúng tôi: “Dù bây giờ là kháng chiến nhưng chúng ta phải nghĩ đến cuộc sống trong hòa bình. Bằng mọi cách, chúng ta phải nỗ lực giữ lại chi cho thương binh, để các anh hòa nhập với cuộc sống sau này”.

Y đức của thầy tỏa sáng khiến thương binh rất yên tâm khi nằm trên giường mổ của thầy. Tôi không thể quên được một ca mổ đầy ấn tượng. Trong một trận chiến đấu, anh thương binh trẻ bị đạn địch bắn gãy nát chân. Vết thương đã hoại tử, đành phải cưa chân anh trong tình trạng không thể gây mê, cũng không có thuốc tê. Thầy động viên: “Rất đau, anh cố gắng chịu đựng nghen!”. Anh thương binh trẻ đề nghị: “Xin cho tôi vài phút”. Chúng tôi còn đang ngơ ngác thì anh đã cất tiếng hát. Đó là bài Tiến quân ca. Gương mặt thầy lặng đi, nước mắt tuôn trào. Dù không nói ra nhưng tôi biết chính người thương binh ấy đã động viên thầy rất lớn trên con đường của một trí thức đến với Đảng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió…”.

Đi theo con đường cách mạng, ông bỏ lại gia tài, sản nghiệp, bỏ lại hạnh phúc riêng tư phía sau lưng. Đó là sự chọn lựa của ông, những trí thức sẵn sàng rời bỏ cuộc sống tiện nghi để đi cùng dân tộc, suốt đời vì dân vì nước. Vậy mà mãi đến năm 1966, dưới cánh rừng miền Đông đầy bom pháo, ông mới được kết nạp Đảng.

Nhà thơ Lê Giang nhắc một kỷ niệm rất vui về ông: “Chuyện về chú Chín nhiều lắm nhưng tôi nhớ nhất lễ kết nạp Đảng cho ông. Tôi chuẩn bị lời thề vào Đảng cho ông đọc nhưng ông gạt đi, nói: Không cần, tôi tự thề”. Phải chăng khi lấy máu mình tiếp ngay cho sản phụ trong tình huống nguy cấp, ông đã là một người cộng sản được viết hoa đúng nghĩa. Lời thề vào Đảng của ông lặn vào trong từng nhận thức, từng việc ông làm cho bệnh nhân, cho học trò, cho đồng nghiệp...

Làm sách về một nhân cách lớn

Cuối năm 2011, tôi vinh dự được tham gia biên tập quyển sách “Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - Nhà giáo nhân dân, nhà văn, nhà báo” do Hội Y học TPHCM chủ trì xuất bản, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15-3-1911 – 15-3-2011). Quyển sách được chăm chút bởi những tấm lòng người đương thời, với lời giới thiệu cảm động của Viện sĩ Dương Quang Trung và PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến. Quyển sách mang giá trị kép, bởi không chỉ nói về cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mà qua đó, những con người cao đẹp trong đội quân áo trắng dần hiện lên, tinh khôi và rực rỡ. Quyển sách khá dày, với hơn 600 trang, chuyển tải cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm, nỗi thương tiếc ông nhưng vẫn chưa đủ.

Có lẽ vì vậy mà khi bản thảo quyển sách đã đưa đến nhà in, bác sĩ Đoàn Thúy Ba còn gọi cho tôi, kể thêm: “Hôm ấy, khi nghe lời phát biểu gan ruột từ chú Chín, những người tham dự đều lặng đi. Chú Chín khóc và chúng tôi cũng không ngăn được nước mắt vì xúc động. Chúng tôi hiểu sự vào Đảng muộn của chú Chín là một sự hy sinh cao cả. Để có ích cho Đảng, cho Tổ quốc trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, chú Chín sẵn sàng hy sinh, không đứng vào tổ chức Đảng Cộng sản mà phải vào Đảng Xã hội Việt Nam, trong cương vị lãnh đạo, nhằm tập họp các nhân sĩ, trí thức, giới công thương tiến bộ xung quanh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng toàn bộ tình cảm, trí tuệ, trái tim của chú Chín đã thuộc về Đảng Cộng sản, kể từ ngày chú chọn con đường từ bỏ vinh hoa phú quý đi theo kháng chiến”.

Trầm Hương

Tin cùng chuyên mục