Bút ký

Tổ quốc và người lính

Tổ quốc và người lính

Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, bao giờ người lính cũng là hình ảnh gần gũi và thân thương nhất. Có được vị trí đặc biệt ấy trong trái tim con người, trước hết người lính là người có nhiều cống hiến, hy sinh cho cộng đồng, đất nước, quê hương và dân tộc. Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đã có biết bao câu chuyện, truyền thuyết cảm động, cao đẹp về người lính. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, tình thương yêu đùm bọc của nhân dân, người lính Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành hình ảnh trung tâm của thời đại.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721, tỉnh Gia Lai cập nhật thông tin thời sự để phục vụ công tác. Ảnh: THÁI BẰNG

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721, tỉnh Gia Lai cập nhật thông tin thời sự để phục vụ công tác. Ảnh: THÁI BẰNG       

MỘT

Nói đến người lính là nói đến sự hy sinh. Nói đến người lính, người ta thường liên tưởng đến một cõi biên thùy xa xôi hẻo lánh với bóng dáng kiên cường của những người con trung hiếu hy sinh quyền lợi cá nhân để giữ yên bờ cõi, vì hạnh phúc của mỗi mái nhà. Trách nhiệm nặng nề, việc làm cao cả, nhưng thường thì người lính phải chấp nhận thiệt thòi, hy sinh. Tôi vừa có chuyến công tác đến các vùng phên giậu của Tổ quốc, càng hiểu thêm về sự hy sinh của người lính. Ở một đảo nhỏ nằm chơi vơi giữa biển Đông có một người lính làm công tác kỹ thuật mà từ chỉ huy đến những chàng lính trẻ đều gọi bằng bố. Xứng đáng được tôn vinh như thế, bởi anh đã có tuổi quân và thời gian công tác ở đảo gần bằng tuổi của những chàng lính trẻ mới nhập ngũ này. Say mê với công việc, gần như anh quên cả nghỉ phép.

Câu chuyện về anh thật cảm động. Anh có một đứa con gái đang học cấp 2. Lâu không thấy bố về, con gái anh nhờ mẹ gọi điện thoại khoe với bố có nhiều điểm mười. Anh hứa với con: “Khi nào con có 100 điểm mười thì bố nghỉ phép thưởng cho một chuyến du lịch”. Nhưng khi con gái anh phấn đấu có đủ 100 điểm mười, anh cũng không về với con được. Lúc này không rời đảo được anh à. Thông tin liên lạc không thể ngừng nghỉ một giây mà cánh lính trẻ thì chưa có kinh nghiệm. Nghe anh nói thế, cổ tôi nghẹn lại. Ở đâu đó trên đất nước ta, có những người vung tiền qua cửa sổ, bất chấp luật pháp làm giàu, chạy quyền chạy chức, xưng bá, xưng hùng, thì giữa ngàn trùng khơi này vẫn có những người lính âm thầm hy sinh vì hạnh phúc người khác, vì sự bình yên của Tổ quốc.

Không chỉ có những người lính trẻ đang làm nhiệm vụ bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cả những người lính già đầu bạc, đã đến lúc được nghỉ ngơi cũng không ngơi nghỉ, ngày đêm lo lắng cho đất nước và đồng đội. Mới đây, tôi có dịp dự buổi ra mắt Trung tâm Thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh do Trung tướng Lê Nam Phong làm trưởng ban chỉ đạo. Trong buổi lễ xúc động ấy, tôi thấy vị tướng trận lừng danh qua mấy cuộc kháng chiến nghẹn ngào không nói nên lời. Tôi đã được quân đội giao chỉ huy nhiều đơn vị, nhưng thời gian làm sư đoàn trưởng, tôi đã trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của đồng đội nhiều nhất. Đã có hàng ngàn người lính trẻ môi đỏ như son, áo Tô Châu chưa kịp bạc màu vừa từ hậu phương lớn vào đã ngã xuống. Đặc biệt là đợt chốt chặn trên đường 13 nơi Tàu Ô – Xóm Ruộng mùa hè năm 1972 và trận Xuân Lộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã có hàng chục ngàn người lính của tôi nằm xuống. Thân thể họ đã tan biến vào đất đai của Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, vẫn chưa tìm thấy hài cốt của liệt sĩ. Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được thư và điện thoại hỏi rằng, thủ trưởng ơi, con tôi, em tôi bây giờ đang nằm ở đâu? ...Và, ông bật khóc.

Tiếng khóc của người lính già, đại đội trưởng đầu trọc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn trưởng trong kháng chiến chống Mỹ, Tư lệnh quân đoàn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm xưa đã làm lay động lòng người. Không biết đến bao giờ chúng ta mới trả được món nợ tình nghĩa này. Trung tâm thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ra đời là dịp để chúng ta trả món nợ ấy. Công việc nghĩa tình của trung tâm còn dài dài, nhưng vạn sự khởi đầu nan. Nghĩ thế nên đã gần chín chục tuổi, ông vẫn lặn lội như người lính trận năm xưa gõ cửa từng địa chỉ có thể gõ được để cho ra đời trung tâm đầy nghĩa tình và nhân văn này.

Cùng trạc tuổi và cùng thời với Trung tướng Lê Nam Phong, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cũng có suy nghĩ và việc làm như thế. Mặc dù tuổi đã cao, sức đã cạn, ông vẫn chấp thuận lời mời của Ban Biên tập và Ban Tổ chức Chương tình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo Sài Gòn Giải Phóng làm cố vấn đặc biệt cho chương trình.

Và với tác phong của một người lính trận, bất cứ lúc nào có “lệnh” là ông già gần 90 tuổi lại khoác ba lô lên đường. Chúng tôi đã nhiều lần được tháp tùng ông trở lại Trường Sơn, khảo sát các khu di tích để xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ và các công trình dân sinh tri ân đồng bào, đồng đội. Về lại chiến trường cũ, mình như khỏe hơn, như thể các liệt sĩ - đồng đội tiếp thêm sức mạnh. Ông nói thế và cứ xăm xăm băng núi, vượt đèo, đến nỗi cánh lính trẻ có người không theo kịp…

HAI

Có thể nói, giai đoạn hiện nay, lại thêm một lần nữa đất nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức. Bên ngoài, thế giới biến động khó lường. Các cuộc xung đột lãnh thổ, sắc tộc, nhóm lợi ích bùng nổ từng giờ. Nền kinh tế thế giới vẫn chưa qua cơn bĩ cực. Biển Đông vẫn dậy sóng. Trong nước, bức tranh kinh tế - xã hội đã sáng hơn, nhưng ảnh hưởng của cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới và những nguyên nhân nội tại, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước những thách thức. Rõ nhất là các tệ nạn xã hội, đảo lộn các chuẩn mực giá trị mà trước tiên là nạn tham nhũng và sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Điều ấy thách thức bản lĩnh của đảng cầm quyền. Vì sự lớn mạnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ, của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Nghị quyết Trung ương 4: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang đi vào cuộc sống, làm những người lính thấy tự tin, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong những ngày này, tôi có dịp hành quân cùng các chiến sĩ biên phòng dọc đại ngàn Trường Sơn. Mải mê công việc, thảnh thơi một chút là mọi người lại hướng câu chuyện vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng.

Đã thành truyền thống tốt đẹp từ gần bảy chục năm nay, kể từ ngày Bác Hồ kính yêu chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân giữa khu rừng Trần Hưng Đạo lịch sử, người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vấn đề còn lại, Đảng phải không ngừng đổi mới, luôn trong sạch vững mạnh để làm tròn sứ mạng vẻ vang lãnh đạo đất nước, dân tộc vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức.

Câu chuyện mang tính thời sự: các nhóm lợi ích, sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ cấp cao, kỷ cương phép nước đang bị một nhóm người lắm của nhiều tiền thao túng, lũng đoạn… đang làm suy giảm lòng tin, là nỗi trăn trở khôn nguôi của những người lính. Tiền nhân có câu: tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt này, cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí có trách nhiệm cao cần nhìn lại mình. Hãy đặt lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước lên trên hết. Dũng cảm gột rửa những vết nhơ để góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh...

Kỷ niệm lần thứ 67 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, 43 năm ngày Bác Hồ đi xa, những người lính Bộ đội Cụ Hồ càng thấy rõ trách nhiệm cao cả của mình trước Tổ quốc và nhân dân. Người lính bao giờ cũng trung thành với Tổ quốc. Người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân.

Chân trời mới với niềm tin mới đang nâng bước họ trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

Trần Thế Tuyển
TP Hồ Chí Minh đêm 1-9-2012

Tin cùng chuyên mục