Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh giá trị sáng tạo

Điều bất thường từ một việc... bình thường
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh giá trị sáng tạo

Sau nhiều sóng gió dư luận, lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 diễn ra tại Hà Nội ngày 29-1. Dù hội viên tham dự vẫn rất đông, song không khí đầy cảnh giác, nghi ngờ bao trùm khiến buổi lễ có phần kém vui hơn mọi năm. Mùa giải 2012 đã kết thúc, song với hội đã thực sự đi qua mùa sóng gió?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (phải) nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (phải) nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012.

Điều bất thường từ một việc... bình thường

Trước khi đưa ra bản nhận xét tỉ mỉ và chi tiết các tác phẩm xuất sắc đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch hội, đã có phần giải trình cũng được coi là khá tỉ mỉ về quy trình chấm và xét tặng giải thưởng năm nay sau khi có rất nhiều thông tin trái ngược về giải của hội. Đề cập tới việc xuất hiện hai bức thư ngỏ từ chối nhận bằng khen của nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, ông Nguyễn Quang Thiều khẳng định việc nhận hay từ chối là quyền của mỗi tác giả và là chuyện bình thường, nhưng nó bất thường khi sự từ chối đó đã tạo ra một cái nhìn sai lệch về công tác xét giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2012 và đã trực tiếp hoặc gián tiếp xúc phạm đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN, đến các nhà văn có uy tín là thành viên của Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo của Hội Nhà văn VN và đến chính các tác giả được giải.

Cũng theo ông, cho tới sáng 29-1, hội vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức và hợp pháp xin rút bằng khen của hai nhà văn, vì vậy dựa trên những đánh giá của Hội đồng chung khảo và tiêu chí xét bằng khen cho 4 tác phẩm Trò chơi hủy diệt cảm xúc của nhà văn Y Ban, Thế kỷ bị mất của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng và Hoa hoàng đàn nở muộn của nhà thơ Khuất Bình Nguyên. Ông Thiều khẳng định, việc quyết định trao giải thưởng Hội Nhà văn 2012 và trao bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN là một quyết định chính xác và minh bạch.

Chia sẻ về những lùm xùm về giải thưởng năm nay, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, cũng tỏ ra thất vọng. Ông nói: “Hội Nhà văn ủy nhiệm cho Hội đồng chung khảo xét giải, ngày 21-1, Thường vụ hội mới họp để thông qua, chúng tôi đã thông qua đâu mà các tác giả ấy đã có đơn xin rút? Trong 5 ngày từ khi có đơn ấy, chúng tôi bị nghe chửi đầy tai, rất buồn lòng. Tuy nhiên, Thường vụ họp, vẫn không ứng xử theo lối thấy thái độ của người ta không ra gì với mình thì cắt giải mà làm việc theo nguyên tắc thấy đáng thưởng thì thưởng, thấy đáng khen thì khen, chúng tôi đại diện cho trí tuệ của hội, đây là một tập thể được đại hội bầu ra, phải tiêu biểu cho ứng xử của hội”.

Mỗi tác phẩm là một ô cửa khác biệt

Nhận xét về các tác phẩm đoạt giải năm nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thốt lên rằng, mỗi tác phẩm của nhà văn được giải thưởng hay bằng khen năm nay là mỗi ô cửa khác biệt, mở ra những lối cho chúng ta nhìn thấy đầy đủ hơn con người và đời sống VN. Mỗi tác giả là một giọng nói khác biệt hay nói cách khác là một con đường nhưng tất cả đều dẫn chúng ta đến với vẻ đẹp của đời sống và lòng nhân ái của con người.

Nếu tác phẩm Thành phố đi vắng đã thực sự làm đầy thêm hồ sơ sáng tác truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và đặt chị vào vị trí của những nhà văn đương đại viết truyện ngắn tiêu biểu. Đọc những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, ta nhận thấy đôi mắt của nhà văn đã mở to như không chớp, nhìn xuyên thẳng vào từng số phận, từng con người, từng ngôi nhà, từng góc phố trên đời sống này. Đó là một đôi mắt không lúng túng, một đôi mắt tinh tường, sắc lạnh, đôi mắt của lòng nhân ái. Thì Trường ca chân đất của nhà thơ Thanh Thảo được ví như một bản giao hưởng ngôn từ bi tráng và kiêu hãnh, cấu trúc trường ca với các chương từ Chân tre đến chân sóng đã tạo ra một sự chuyển động dây chuyền của con sóng này đẩy con sóng khác, để cuối cùng dâng lên thành một con sóng lớn mang tên Tổ quốc.

Với bút pháp điêu luyện và mạch ngầm xiết chảy của cảm xúc, trong câu thơ quá nhuần nhuyễn, tinh tế, đó là những con sóng của cảm xúc và ý chí, quá khứ và hiện tại, của khát vọng dâng hiến của một con người và của toàn dân tộc, của lịch sử và văn hóa. Giờ thứ 25 của Phạm Đương đã đặt chúng ta vào giữa những hiện thực đời thường bề bộn, thô ráp đầy thách thức của đời sống mà chúng ta đang sống.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nếu Giờ thứ 25 là văn bản của những ngôn từ giản dị, trần trụi nhưng da diết và trắc ẩn thì Màu tự do của đất của Trần Quang Quý lại mở ra một Trần Quang Quý đa tầng, đa nghĩa, ngập tràn những hình ảnh đẹp, mới lạ, sống động, đầy tính biểu tượng. Về giải phê bình năm nay, mặc dù nhiều người cho rằng nhà văn Văn Chinh là một cây bút phê bình không chuyên nhưng trong Đa cực và điểm đến - tác giả đã có cái nhìn riêng của một người sáng tác vào đời sống văn học đương đại.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định, mỗi người không bao giờ là tất cả, nhưng tất cả là sự cộng lại của mỗi người. Mỗi tác phẩm dù cho còn những khiếm khuyết, còn những đòi hỏi của đồng nghiệp và bạn đọc thì chúng ta vẫn phải thừa nhận đó là những sáng tạo không mệt mỏi, nói đúng hơn là những nỗ lực của mỗi tác giả. Những nỗ lực sống này không gì ngoài mục đích là chống lại sự ích kỷ, cái ác, sự vô cảm tăm tối và chống lại những nguy cơ làm nguy hại đến dân tộc về văn hóa. Chỉ như thế thôi chúng ta đã có đủ kiêu hãnh và tự hào để nở một nụ cười để nói một lời thân ái với nhau, để tin vào con đường chúng ta đang đi.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục