Đừng để sự thiếu hiểu biết làm xấu lễ hội

Những ngày đầu năm này, tại nhiều lễ hội tiếp tục diễn ra biến tướng như tập tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội… đã tạo nên không ít những hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa, gây mất an ninh trật tự, đi ngược với nét đẹp văn hóa vốn có bao đời nay. Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý mong muốn xóa bỏ tệ nạn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đừng để sự thiếu hiểu biết làm xấu lễ hội

Những ngày đầu năm này, tại nhiều lễ hội tiếp tục diễn ra biến tướng như tập tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội… đã tạo nên không ít những hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa, gây mất an ninh trật tự, đi ngược với nét đẹp văn hóa vốn có bao đời nay. Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý mong muốn xóa bỏ tệ nạn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

  • Ông Phan Đình Tân Người phát ngôn Bộ VH-TT-DL: Cần đề cao giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội

Lễ hội là sinh hoạt tự do của cộng đồng, gắn bó với cộng đồng và là sinh hoạt văn hóa truyền thống rất đáng tự hào của dân tộc ta, bởi đa phần lễ hội đều là những tín ngưỡng văn hóa dân gian. Để nâng cao ý thức du khách trong việc giữ gìn nếp sống văn minh, hành xử văn hóa; tránh tối đa việc lợi dụng lễ hội để tuyên truyền mê tín dị đoan; đảm bảo an ninh, hạn chế trộm cắp… trong các lễ hội là trách nhiệm của ban quản lý di tích, ban quản lý lễ hội tại nơi sở tại.

Bộ VH-TT-DL chỉ tham gia chỉ đạo những lễ hội mang quy mô quốc gia. Vài năm trở lại đây, việc “quan hóa” lễ hội - các quan chức lấy xe công đi lễ trong thời gian hành chính, đã được hạn chế. Việc treo bán thịt sống tại chùa Hương cũng đã được nhắc nhở để ban quản lý, ban tổ chức lễ hội chùa Hương phải vận động, hướng dẫn bà con và phải cấm tuyệt đối việc mua bán này. Lễ hội nói chung là hướng đến đời sống tâm linh, tinh thần nên các cấp, các ngành và mọi người dân phải có trách nhiệm chung tay xây dựng để lễ hội trở thành một hoạt động văn hóa lành mạnh, đề cao những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông ta.

Người dân đi lễ hội Chùa Bà tại Bình Dương.

Người dân đi lễ hội Chùa Bà tại Bình Dương.

  • Đại đức Thích Bảo Nghiêm Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Cần cái tâm hướng thiện

Trên đời này không có ngôi sao nào chiếu vào con người ta mà mang phúc hay mang họa đến cho người ấy. Thế nên, việc cúng sao giải hạn đang diễn ra ở khắp các đình, chùa là một quan niệm sai lệch, tốn kém, có khi đưa đến nhiều hệ lụy. Không chỉ vậy, nhiều người hay xoa tay vào tượng Phật để mong đạt được lời cầu. Tôi cho rằng đó là hành động phải tội, thiếu sự tôn kính, mất đi sự tôn nghiêm, đồng thời ảnh hưởng đến mỹ thuật của pho tượng. Đi lễ chỉ cần cái tâm hướng thiện, lòng thành kính Phật là đủ.

  • Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Vẫn còn thiếu hiểu biết về tín ngưỡng

Trước đây, người dân thực hiện công đức một cách hết sức nề nếp, trang trọng. Người ta thường bỏ tiền vào hòm công đức hoặc đặt vào một cái đĩa dâng cho nhà chùa. Bây giờ, họ cho rằng tiền đó để cúng cho thần linh nên tốt nhất là đưa đến tận tay thần linh. Ở chùa Bái Đính có trường hợp người đi lễ nhét tiền vào miệng một vị La Hán vì cho rằng như vậy thần linh mới có thể trợ giúp cho họ, đó là sự hiểu biết bệnh hoạn. Hiện nay, không ít người thực hiện hành vi tín ngưỡng mà bản thân lại thiếu hiểu biết. Riêng về việc đốt vàng mã trong lễ hội hay những phong tục liên quan đến tín ngưỡng là hình thành trên cơ sở quan niệm có từ lâu đời, thế nên không thể xử lý những hành vi dựa trên một quan niệm xã hội như thế bằng sự cấm đoán. Mặt khác, những chế tài xử phạt hiện nay không mấy khả thi, chưa nghiêm.

  • Giáo sư Trần Lâm Biền: Ngăn chặn những hành vi biến tướng

Trong một vài mùa lễ hội gần đây hiện tượng rắc muối gạo trắng xóa các gốc cây, sân vườn trước các điểm thờ cúng khiến các ban quản lý di tích phải đặt các biển báo cấm ở các gốc cây, chậu cảnh. Đây không chỉ là việc làm phá hoại môi trường, một việc làm xuyên tạc hành vi vốn có ý nghĩa tốt đẹp trong tục lệ dân gian. Hiện tượng rắc gạo muối ở nơi thờ cúng đang ngày càng trở nên phổ biến, một phần do hội chứng tâm lý đám đông, phần khác chính là việc làm nhằm trục lợi của một số cá nhân. Các cơ quan quản lý cần mạnh tay, ngăn chặn hành vi xuyên tạc, trục lợi này.

  • Ông Lê Tôn Thanh Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM: Hiện tượng kém văn hóa sẽ giảm khi ý thức được nâng cao

Tại thành phố lớn như TPHCM, lễ hội diễn ra liên tục từ đầu năm đến cuối năm. Nội dung các lễ hội truyền thống, lịch sử, chính trị, văn hóa, đối ngoại luôn gửi gắm nhiều thông điệp: kêu gọi người dân quan tâm hơn nữa trong việc chung tay xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng thành phố văn minh; đồng thời hỗ trợ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tình yêu quê hương đất nước trong nhân dân. Nhiều lễ hội đậm chất truyền thống dân tộc được tổ chức trọng thể và trong chừng mực, không bị chi phối bởi yếu tố tâm linh.

Tuy nhiên, rải rác đâu đó vẫn còn hiện tượng đốt vàng mã ở một số đình - miếu - chùa, còn tồn tại các tập tục mê tín dị đoan và các hoạt động ăn theo lễ hội chưa lành mạnh như: nạn móc túi, giữ xe quá giá, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường…

Đó là mặt trái của xã hội, mặt trái của vấn đề văn hóa, đã và đang được nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân nỗ lực chung tay khắc phục. Căn bản nhất vẫn là khi ý thức người dân được nâng cao thì các hiện tượng kém văn hóa sẽ giảm dần.

Năm nay, phải nhìn nhận người dân thành phố có ý thức văn hóa, cách ứng xử văn hóa rất cao khi tham gia vào các hoạt động lễ hội: đường hoa không vì sự quá tải của khách tham quan mà xảy ra các tình trạng xô đẩy, chen lấn làm giập nát hoa, cảnh; hàng trăm ngàn khán giả cùng trật tự để thưởng ngoạn chương trình biểu diễn nghệ thuật ở kênh Tàu Hủ - Bến Nghé; nạn xả rác hạn chế nhiều; vấn nạn móc túi tuy còn nhưng đã giảm so với năm trước; vấn đề an ninh trật tự được các đơn vị chuyên trách thực hiện rất tốt…

Trong thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, nhất thiết các cấp, các ngành, đoàn thể phải cùng ngành văn hóa phối hợp chặt chẽ trong công tác tăng cường biện pháp giáo dục, thuyết phục, nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, khu phố văn minh, gia đình văn hóa, khu dân cư sạch - đẹp - an toàn… để ý thức người dân dần thay đổi, nâng cao hơn, góp phần làm đẹp văn hóa lễ hội. 

NHÓM PV VHVN

Đưa tư duy hiện đại vào lễ hội dân gian

Có hai vấn đề chính về lễ hội hiện nay. Đầu tiên là sự quá tải của chính bản thân lễ hội. Đa số lễ hội ngày xưa chỉ thuần túy là hoạt động làng, xã, có quy mô nhỏ, mục đích chính là đáp ứng nhu cầu tâm linh hoặc giải trí, có khi kết hợp cả hai của dân làng. Ngày nay, lễ hội bị khoác quá nhiều chức năng, từ tâm linh đến vui chơi, du lịch, quảng bá địa phương… Số người tham dự từ vài trăm ngày xưa nay lên vài ngàn, thậm chí chục ngàn. Phương thức tổ chức cũ đương nhiên không đáp ứng nổi dẫn đến lộn xộn, bát nháo như bị phản ánh thời gian qua.

Vấn đề thứ hai là sự hiểu biết về văn hóa của người tổ chức cũng như khách tham dự. Ngày xưa đây không phải là việc quá khó vì nghi thức được lưu truyền tốt, người tham gia phần lớn là dân địa phương có sự hiểu biết nhất định. Nay việc truyền thừa nhiều nơi bị đứt đoạn dẫn đến việc tổ chức khá tùy tiện, khách tham quan cũng vậy, mang theo tư duy trao đổi với thần thánh dẫn đến tình trạng méo mó, mê tín trong lễ hội.

Trong khi đó, hiện nay chúng ta không xây dựng được bộ quy chuẩn khoa học cho lễ hội nên cũng không có cách nào quản lý hoạt động này. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi, lễ hội đã là một hoạt động cộng đồng thì nên chăng áp dụng tư duy hiện đại vào công tác tổ chức, xem lễ hội là một sự kiện văn hóa, được tổ chức chuyên nghiệp như các sự kiện xã hội khác. Cách làm này tuy chưa khắc phục được sự thiếu hiểu biết về văn hóa dân gian nhưng ít nhất cũng đem lại sự ổn định, trật tự cho hoạt động lễ hội hiện nay.

PGS-TS Lương Hồng Quang,
Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam

Tin cùng chuyên mục