Cây đa Bác Hồ ở Công viên Thống Nhất

Cây đa Bác Hồ ở Công viên Thống Nhất

Công viên Thống Nhất ở Hà Nội có một cây đa đặc biệt. Cây mọc ở vùng đất phía Nam ngay cạnh bán đảo dừa. Từ ngoài đường phố Đại Cồ Việt nhìn vào đã thấy bóng đa um tùm một góc vườn có lát gạch theo lối đi quanh và xây bờ đá cao hình tròn bao lấy thân cây.

Cây đa ấy hôm nay chưa phải là cổ thụ, chỉ mới có tuổi ngoài nửa thế kỷ nhưng trông vóc dáng đã bao trùm cả một vùng. Cây đa này có nhiều cành ngang, tán tròn như đĩa xôi đầy, lá xanh sẫm, tỏa rộng. Thân cây, ngoài thân chính còn có nhiều thân phụ nữa trông xa như những cột nhà mà mái của nó xùm xòa những lá là lá. Ở cây đa đặc biệt này, với nhiều rễ phụ từ cây buông xuống chạm phải đất đã bén rễ tiếp làm thành một thân cây nữa. Cây ấy là Cây đa Bác Hồ, một thắng cảnh ấn tượng của màu xanh Hà Nội!

Cây đa Bác Hồ ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Ảnh: D.K.

Cây đa Bác Hồ ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Ảnh: D.K.

Chuyện kể rằng…

Vào đầu năm Dương lịch, ngày 11-1-1960, nơi mảnh đất của phía Nam công viên lúc này đang được hàng ngàn người dân của thủ đô đóng góp sức lao động của mình để tạo thành vườn hoa cây xanh cho người đến vui chơi đã được đón Bác đến thăm. Đấy là một buổi chiều của Hà Nội, của công viên. Mọi người ùa ra đón Bác, quây quanh Bác. Ai cũng muốn được nhìn thấy Bác. Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh họ đã được nhìn, nhưng được tận mắt thấy Bác với nhiều người đây là lần đầu tiên. Hạnh phúc hơn nữa với những người đang xây dựng công viên là được đón vị công dân số một của đất nước, của Hà Nội đến thăm hỏi và góp sức lao động với mọi người trong tư cách Người trồng cây.

Đến hôm nay nhiều cụ ông, cụ bà của thời ấy còn nhớ. Họ thường cùng nhau nhắc về kỷ niệm xưa và kể cho con cháu hôm nay nghe về thời khắc ý nghĩa được gặp Bác Hồ. Người đến với mọi người trong màu áo nâu sẫm giản dị. Sau giây lát chào hỏi mọi người, Bác đã đến bên hố đất rồi cùng mọi người đặt cây đa xuống trồng. Từ tay Bác đất tốt từ những lưỡi xẻng rắc xuống vun đầy cho gốc. Khi đất đầy gốc lại từ tay Người những tia nước mát nhè nhẹ gieo mưa xuân lên cây non. Đây là một trong những giây phút lịch sử của cuộc đời những loài cây xanh thuở ấy. Bác mở đầu cho Tết trồng cây của dân tộc. Bác kêu gọi mọi người mỗi năm đến trồng thêm một cây xanh, nhiều cây xanh cho đất nước. Tấm lòng Bác, mong muốn của Bác đã thành hai câu thơ lục bát dễ học dễ nhớ truyền tới mọi người:

Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Bác còn đúc kết thành một châm ngôn trong việc chăm cây, rèn người:

Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người

Mùa xuân năm 1960, Bác Hồ trồng cây đa trong Công viên Thống Nhất. Từ đấy mùa xuân nào cũng là mùa xuân đất nước theo lời dạy của Bác ra sức trồng cây. Xuân là tết. Dân gian gọi Tết Âm lịch là Tết Nguyên đán. Từ ngày Bác khởi xướng việc trồng cây đầu năm mới rồi thành thường xuyên để việc này trở thành một phong tục đẹp nữa của dân tộc Việt và được gọi là Tết trồng cây…

Tôi vẫn ngày ngày khi chiều muộn sau công việc hay cùng người thân đi dạo quanh Công viên Thống Nhất. Từ nhà tôi đi bộ ra đây chỉ khoảng 20 phút. Từ lâu nơi đây đã thành không gian thư giãn của nhiều người sau những vất vả lo toan. Chiều nào tôi cũng có dịp đi qua nơi có Cây đa Bác Hồ. Bao giờ khi đến gần cây ngay từ xa tôi đã ngước mắt nhìn bóng xanh của cây. Lòng người ngày ngày bên cây càng thấy giá trị của màu xanh, của bóng mát khi xuân về hè đến và thân thuộc như được gặp người thân yêu của mình. Tôi cũng như nhiều người khi đứng dưới bóng cây, đi trong bạt ngàn rất nhiều cây xanh khác của công viên càng thấu ra cái đạo lý nhân hậu của cây với những giá trị của thiên nhiên trao cho ta, dạy ta và khuyến khích ta vun vén cho cây và không bao giờ được quên việc trồng cây. Bởi chính cây là mùa xuân không những của đất đai rừng núi mà của chính mỗi con người. Cây thật cụ thể nhưng lại mang một giá trị tinh thần vô cùng quý báu.

Được chiêm ngưỡng Cây đa Bác Hồ trồng ở Công viên Thống Nhất tôi càng nhận ra được giá trị cao đẹp của tâm hồn Bác, tấm lòng Bác và trí tuệ Bác với thiên nhiên, vì thiên nhiên cũng là với con người, vì con người.

Nhà văn Phan Quế

Tin cùng chuyên mục