Người viết những câu thơ trận mạc

Nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Đức Mậu đã sống và viết hết mình cùng đất nước trong một giai đoạn lịch sử nhiều hy sinh mất mát để có những tập thơ và trường ca đầy đặn như Cây xanh đất lửa, Áo trận, Mưa trong rừng cháy, Trường ca Sư đoàn, Cánh rừng nhiều đom đóm bay, Thơ lục bát, Bầy chim lá màu vàng, Mở bàn tay gặp núi...
Người viết những câu thơ trận mạc

Nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Đức Mậu đã sống và viết hết mình cùng đất nước trong một giai đoạn lịch sử nhiều hy sinh mất mát để có những tập thơ và trường ca đầy đặn như Cây xanh đất lửa, Áo trận, Mưa trong rừng cháy, Trường ca Sư đoàn, Cánh rừng nhiều đom đóm bay, Thơ lục bát, Bầy chim lá màu vàng, Mở bàn tay gặp núi...

Hiếm có nhà thơ giành được nhiều giải thưởng văn học có giá trị như anh, từ giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1972 - 1973 đến 4 giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 1989, 1994, 2004, 2009; 2 giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993, 1999; giải thưởng ASEAN năm 2001 và giải thưởng Nhà nước năm 2002.

Đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ và là người lính của Sư đoàn 312, nhà thơ mang áo lính Nguyễn Đức Mậu đã có mặt ở những cánh rừng Lào, ở vùng đất khét mùi đạn bom của Quảng Trị... Sự khốc liệt dữ dội và mất mát khó kể xiết của chiến tranh không dập tắt được những giai điệu mạnh mẽ trong tâm hồn anh, ngược lại nó đã hừng lên và bốc cháy rừng rực từ hiện thực bi tráng của cuộc sống chiến đấu ngày ấy. Trong hàng ngàn câu thơ trận mạc anh viết ra có nhiều câu thơ, bài thơ còn trụ lại với thời gian bởi sự bi tráng của cảnh tượng, sự lựa chọn kỹ càng chi tiết, vừa anh hùng vừa lãng mạn, vừa thật vừa ảo, vừa mộc mạc, vừa lấp lánh mà tất cả những cái đó được thể hiện trên cái nền cảm xúc mạnh mẽ và chân thật của người cầm bút. Đó là thơ, cũng là cuộc sống, là cái chung nhưng cũng là cái riêng. Giai điệu tâm hồn của nhà thơ cũng là giai điệu tâm hồn của người công dân - chiến sĩ.

Người đọc hẳn còn nhớ Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu. Đây là một bài thơ cảm động viết về sự hy sinh của người lính chiến trường. Anh đưa tiễn và tưởng niệm Hùng, người đồng đội và cũng là bạn thân thiết của anh, bằng một bài thơ có cái tứ kỳ lạ: một cây trầm vừa bị cháy như một cây nhang cắm trước mộ người chiến sĩ. Có lẽ cái mùi hương trầm ấy đã từng và còn ám ảnh chúng ta về cái thời người sống sau khi đắp đá, trồng cỏ non lên mộ cho đồng đội “chẳng có thời gian mà khóc nữa/Vội chôn Hùng, vội xách súng ra đi”...

Dẫu đã có nhiều bài thơ trận mạc, nhưng có vẻ như chiến tranh còn chưa chấm dứt trong Nguyễn Đức Mậu. Sau Nấm mộ và cây trầm, Trường ca Sư đoàn... khá ấn tượng, chiến tranh vẫn còn hiển hiện và day dứt, trăn trở nhiều lắm trong thơ anh. Tuy rằng, thơ anh bây giờ ít đi cái bề bộn chiến trường nhưng lại thăm thẳm cái chiều sâu nhân bản. Thơ viết như thế này vẫn xót xa lắm chứ: “Binh trạm Trường Sơn năm 69/Có bảy người con gái trúng bom/Đám tang họ không ai đưa tiễn/Giữa rừng chiều ngổn ngang núi non”. Và tôi chợt nghĩ chính “linh hồn” của bảy cô gái ấy đã “xui” anh (hoặc họ đã nhập vào anh) viết ra những câu thơ: “Đám tang vắng bảy chàng trai ấy/Vắng trắng hoa rừng, đắng nước mắt ngày ngâu/Bảy cuộc chiến tranh, bảy vầng trăng khuyết/Một nấm mồ chìm khuất rừng sâu...”.

Về sống giữa thủ đô Hà Nội nhộn nhịp phồn hoa, cái nỗi rừng vẫn còn xao xác trong anh: Tôi cùng bè bạn về xuôi/Còn nghìn bia mộ nối lời rừng xanh/Nắm xương người lính vô danh/Vùi trong đất đá hóa thành cỏ cây. Người lính hy sinh đã hóa thân vào non nước để sống tiếp một cuộc sống khác, xanh hơn, đằm dịu hơn và huyền ảo hơn. Theo dấu chân người lính, Nguyễn Đức Mậu đã có nhiều trang viết nóng hổi hơi thở cuộc sống chiến trường, trong đó người chiến sĩ là hình ảnh trung tâm. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tuy đã nổi tiếng nhưng anh luôn là người khiêm nhường, chịu khó đọc, chịu khó nghe và ham viết. Với nghề viết, anh là người rất nghiêm túc. Có lần tôi hỏi Nguyễn Đức Mậu: “Quan niệm của anh về thơ thế nào?”. Nhà thơ chiến sĩ ấy ngước nhìn những bông hoa đại trắng trên cành cao và đọc: Có giai điệu và vượt qua giai điệu/Thơ ngũ ngôn vượt xa dòng ngũ ngôn/Thơ lục bát vượt xa dòng lục bát/Thơ tự do gập ghềnh xoáy thác/Sau giai điệu câu thơ là giai điệu tâm hồn”...

Nguyễn Hữu Quý

Tin cùng chuyên mục