Festival Huế 2014: Đời sống chốn cung đình hút khách

Sau hơn 20 năm UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Quần thể di tích cố đô Huế được ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đặc biệt tại Festival Huế 2014, nhiều hoạt động đời sống chốn cung đình được tái hiện, trở thành điểm đến mới lạ hấp dẫn du khách.
Festival Huế 2014: Đời sống chốn cung đình hút khách

Sau hơn 20 năm UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Quần thể di tích cố đô Huế được ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đặc biệt tại Festival Huế 2014, nhiều hoạt động đời sống chốn cung đình được tái hiện, trở thành điểm đến mới lạ hấp dẫn du khách.

        Tái hiện cách khám bệnh cho vua

Trong những ngày diễn ra Festival Huế, Thái y đường triều Nguyễn là địa chỉ mới lạ thu hút đông đảo du khách tham quan. Không gian Thái y đường được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Hội Đông Y Thừa Thiên - Huế nghiên cứu và phục dựng gần như nguyên bản tại khuôn viên Phủ Nội Vụ - Đại Nội Huế. Ngoài việc được các “Thái y”, “Ngự y” là những thầy thuốc đông y giỏi trực tiếp thăm mạch, bấm huyệt, kê đơn bốc thuốc theo trình tự khám chữa bệnh cho vua quan triều Nguyễn năm xưa, du khách tham quan còn có cơ hội chiêm ngắm một số hình ảnh thăm khám, bản tấu của Thái y viện năm Minh Mạng thứ 10 (1830), bản tấu Thị Vệ xứ, Thái y viện năm Tự Đức thứ 2 (1849) và một số sản phẩm liên quan đến y học cổ truyền vùng đất cố đô Huế… Không gian Thái y đường lần đầu được tái hiện tại Festival Huế 2014 tuy còn khiêm tốn nhưng đây là một sự khởi động cho việc phục hồi Thái y viện trong tương lai với quy mô lớn hơn rất nhiều lần. Qua đó, góp phần chấn hưng những giá trị truyền thống về y học cổ truyền của dân tộc; tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến đây tham quan nghỉ dưỡng.

Du khách được bắt mạch khám bệnh khi tham quan Thái y đường tại Đại nội Huế.

Du khách được bắt mạch khám bệnh khi tham quan Thái y đường tại Đại nội Huế.

Từ cung cấm theo cửa Hòa Bình phía Bắc Hoàng thành Huế chúng tôi ghé thăm Bình An Đường xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823) ở phía tả Hoàng thành Huế đến năm Tự Đức thứ 11 (1858) di chuyển đến phía Bắc Hoàng thành với quy mô gồm một tòa nhà 3 gian 2 chái, chung quanh có la thành bao bọc, phía trước, sau đều có trổ cửa vòm ra vào. Đây là nơi chăm sóc, chữa trị cho cung tần, mỹ nữ lúc ốm đau, bệnh tật dưới triều Nguyễn. Người bệnh đưa ra Bình An Đường qua cửa Hòa Bình và an dưỡng ở đó cho đến khi bình phục. Trường hợp không qua khỏi, sẽ đưa về quê mai táng. Nhưng do tác động thời tiết khắc nghiệt và biến thiên lịch, di tích này đã bị xuống cấp nên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành trùng tu, tôn tạo và đưa di tích này vào phục vụ du khách tham quan.

        Độc đáo vườn Cơ hạ

Dưới thời Nguyễn, kinh đô Huế từng có hàng chục khu vườn cung đình với nhiều dạng thức. Vườn Cơ hạ là một trong 5 khu vườn ngự uyển nằm ngay bên trong Hoàng thành Huế được xây dựng từ năm 1837, thời vua Minh Mạng, nâng cấp, bổ sung và trùng tu nhiều lần dưới thời các vua Thiệu Trị, Tự Đức. Đầu thế kỷ 20, do không có điều kiện chăm sóc, triều Nguyễn cho triệt giải các công trình kiến trúc chính và vườn Cơ hạ dần trôi vào quên lãng. Hiện khu vườn này đã được đầu tư tôn tạo, đón khách như một điểm đến hấp dẫn trong Đại nội Huế. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra Festival Huế 2014, một cuộc triển lãm cây kiểng ba miền diễn ra tại vườn Cơ hạ với 600 tác phẩm bonsai, non bộ, tiểu cảnh của 117 nghệ nhân khắp cả nước. Đây không chỉ là cuộc so tài giữa các tác phẩm bonsai mà còn tạo cơ hội cho các nghệ nhân khắp cả nước trao đổi về nghệ thuật cây cảnh. Một không gian mới thay cho không gian hoang phế um tùm cỏ cây từng tồn tại từ lâu nay trong Đại nội Huế. Ngoài ra, 3 ngôi nhà rường Huế được dựng lên, tạo điểm nhấn gợi lên một hình ảnh vườn Ngự ngày xưa với rất nhiều công trình kiến trúc được xây dựng.

Sau hơn 20 năm Quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đã có gần 100 công trình thuộc di tích Huế được bảo tồn, trùng tu với tổng vốn gần 800 tỷ đồng. Cố vấn Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương Richard Enghenhart đã khẳng định, Festival Huế tổ chức chính là một minh chứng cho sự thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi lại các công trình kiến trúc của quá khứ cùng với việc làm sống lại các truyền thống văn hóa trước đây...

Đêm 14-4, dưới chân Kỳ Đài, trước Quảng trường Ngọ Môn, lễ hội áo dài đã cống hiến cho người xem một đêm diễn đầy ấn tượng bởi những mẫu thiết kế mới lạ, lần đầu tiên xuất hiện tại Festival Huế 2014. Năm nay, 600 mẫu áo dài mới nhất của 18 nhà thiết kế tham gia lễ hội.

Lễ hội áo dài năm nay có chủ đề “Thế giới trong tà áo dài Việt Nam”. Đây là một sự đột phá và cũng là thách thức đối với các nhà thiết kế phải nghiên cứu, suy nghĩ khi thực hiện mẫu thật. Với ý tưởng rộng mở và táo bạo, mỗi nhà thiết kế với sáng tạo của mình là đại diện cho một đất nước trên thế giới. Nhà thiết kế Minh Hạnh - tổng đạo diễn chương trình, cho biết: “Có 18 đất nước được bốc thăm để trở thành 18 đề tài, 18 nguồn cảm hứng. Với tên gọi “Thế giới trong tà áo dài Việt Nam”, đây là một bộ sưu tập khổng lồ. Mỗi mẫu thiết kế không chỉ là vẻ đẹp vĩnh cửu của chiếc áo dài Việt Nam mà còn là tiếng nói của nhiều phong cách đặc trưng cho mỗi đất nước được thể hiện lên đó”.

VĂN THẮNG – NGUYỄN HÙNG

>> Festival Huế 2014: Ấn tượng với “Đêm Phương Đông”

Tin cùng chuyên mục