Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Gửi gắm là chuyện bình thường nhưng quy trình rất chặt chẽ

Những ngày qua, dư luận quan tâm đến sự kiện Bộ VH-TT-DL công bố danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 8. Ngoài việc nhiều tên tuổi quen thuộc với khán giả bị loại ra khỏi danh sách, một lần nữa câu hỏi về việc có hay không việc “chạy” danh hiệu cũng được đặt ra. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ VH-TT-DL xung quanh vấn đề này.
Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Gửi gắm là chuyện bình thường nhưng quy trình rất chặt chẽ

Những ngày qua, dư luận quan tâm đến sự kiện Bộ VH-TT-DL công bố danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 8. Ngoài việc nhiều tên tuổi quen thuộc với khán giả bị loại ra khỏi danh sách, một lần nữa câu hỏi về việc có hay không việc “chạy” danh hiệu cũng được đặt ra. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ VH-TT-DL xung quanh vấn đề này.

NSƯT Chí Trung (thứ hai từ trái sang) trong chương trình Gặp nhau cuối năm

- Phóng viên: Khi danh sách được công bố, dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc các nhà hát đứng ra vận động, “chạy” huy chương cho nghệ sĩ của mình đủ chuẩn?

>> Ông PHÙNG HUY CẨN: Xã hội hiện nay có nhiều tiêu cực vì thế dễ nảy sinh tâm lý cho rằng việc gì cũng có thể “chạy” được. Suy ra từ bản thân tôi, người quản lý của một vụ có hơn 10 cán bộ, trong mỗi dịp xét tặng thi đua, việc tôi đứng ra bảo vệ cán bộ của mình là chuyện bình thường. Khi ngồi hội đồng xét duyệt, việc nhận được lời gửi gắm, nhờ vả cũng là chuyện bình thường, nhưng điều đó có khiến họ thể hiện thành ý chí, thành các phiếu bầu hay không là việc hoàn toàn khác. Do đó gọi việc nói những câu xã giao không thể coi là bằng chứng cho việc “chạy” danh hiệu.

- Dù không có bằng chứng nhưng ông có cho rằng có hiện tượng “chạy” khi xét tặng danh hiệu?

Việc xét tặng danh hiệu phải qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở có từ 5-7 thành viên; hội đồng cấp tỉnh/thành/bộ có khoảng 15-20 thành viên và hội đồng cuối cùng gồm hội đồng cấp Nhà nước và hội đồng chuyên ngành có từ 20-25 thành viên. Như vậy, muốn hồ sơ đi vào tới vòng trong cùng phải qua hơn 40 thành viên đến từ mọi miền... Vậy có ai có đủ sức, đủ lực mà “chạy” từng đó người không? Từ “chạy” dường như không thực tế trong những trường hợp xét tặng như thế này.

Có người chất vấn tôi rằng không “chạy” hội đồng vậy có thể “chạy” các ông ở tổ thư ký không? Thực tế, thư ký chính là người trình các hồ sơ ra hội đồng, công việc của họ chỉ đơn thuần là giấy tờ, hành chính. Sau khi nhận được hồ sơ, tổ thư ký phải làm một tóm tắt trích ngang của mỗi hồ sơ để hội đồng có thể nắm bắt thông tin đầy đủ, cô đọng, chính xác. Không chỉ thế, các thành viên của hội đồng có thể yêu cầu thư ký trình hồ sơ gốc của bất cứ trường hợp nào để tra cứu, vì vậy thư ký không thể làm sai lệch được hồ sơ. Thời gian qua, tổ thư ký chưa hề bị bắt lỗi, chưa có sai sót nào gây bất lợi cho nghệ sĩ.

- Trường hợp của NSƯT Chí Trung, sau khi có danh hiệu NSƯT thì anh vẫn tiếp tục có thêm thành tích, vậy hồ sơ của nghệ sĩ này bị loại do đâu?

NSƯT Chí Trung xét NSƯT năm 1997 và từ năm đó đến nay, theo như bản kê khai thì nghệ sĩ này có 4 HCB và 1 HCV - đạo diễn xuất sắc vở Mùa hạ cuối cùng (giải của Hội Nghệ sĩ sân khấu). Theo nghị định, việc quy đổi huy chương sẽ được tính: HCV, giải nhất, nhì, ba của các liên hoan, hội diễn do các hội chuyên ngành tổ chức thì được tính là 2/3 HCV. Tuy nhiên, riêng với trường hợp vở kịch Mùa hạ cuối cùng, trong hồ sơ chúng tôi nhận được thì vở diễn này nghệ sĩ Chí Trung chỉ được tặng giải đạo diễn chứ không đi kèm theo bất cứ thành tích là vàng, bạc hay giải nhất, nhì... nên không thể xác định được thành tích như vậy quy đổi thế nào.

- Với sự chưa “rõ ràng” trong thành tích của nghệ sĩ Chí Trung, đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu có nói gì về giải thưởng của chính hội hay không?

Đại diện hội có giải thích rất rõ về việc đó. Nhưng “án tại hồ sơ”. Trước khi bỏ phiếu mỗi trường hợp, mọi tiêu chí để xét đều được đưa ra tranh luận bàn thảo rất kỹ. Không chỉ riêng yếu tố huy chương mà còn xét đầy đủ các tiêu chí khác. Quyết định cuối cùng là dựa trên kết quả phiếu bầu của hội đồng.

- Có trường hợp nào hồ sơ thành tích không đủ, nhưng hội đồng vẫn bỏ phiếu ủng hộ?

Có, nhưng đó đều là những trường hợp các nghệ sĩ lớn tuổi, có nhiều cống hiến. Chỉ cần nêu tên ra là mọi người đều tâm phục, khẩu phục. Hơn nữa, xét tặng danh hiệu là xét toàn diện trên mọi tiêu chí. Nếu chỉ là đếm huy chương thì cần gì phải lập ra một hội đồng xét chọn.

- Cảm tính trong các lá phiếu của hội đồng là có thật?

Các hoạt động xét tặng mang tính chất hội đồng đều vướng phải những vấn đề này.

- Những ai được ngồi vào ghế hội đồng, thưa ông?

Đây là những người được lựa chọn dựa trên giới thiệu của các hội chuyên ngành và người quyết định cuối cùng thuộc về cơ quan chủ quản cùng cấp. Đây là quy trình rất chặt chẽ.

- Phải chăng các  nghệ sĩ hài không được lòng của hội đồng nên cơ hội xét tặng danh hiệu của họ cũng ít hơn nghệ sĩ khác?

Trong giới nghệ thuật, giữa hài kịch và chính kịch phân biệt cao thấp ra sao, tôi là người “ngoại đạo” vì thế không có ý kiến. Có thể với những người trong nghề, việc họ có phân biệt về chuyên môn là có thật nhưng khi xét hồ sơ tặng danh hiệu, mọi đối tượng đều được làm như nhau, chưa bao giờ hồ sơ phân biệt đâu là nghệ sĩ hài kịch - chính kịch. Riêng trường hợp các nghệ sĩ hài như Hoài Linh, có một số báo nói rằng hồ sơ xét tặng NSƯT của anh bị loại, nhưng thực tế chúng tôi chưa xét đến nhóm hồ sơ này nên chưa thể nói là được hay không được.

- Hội đồng có xét việc đi biểu diễn ở vùng sâu, xa là tính điểm ưu tiên?

Theo tôi, có nhiều hình thức khác nhau để ghi nhận, động viên, khen tặng cho những công việc này như tặng bằng khen, giấy khen... Trong khi đó, việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ lại nghiêng nặng về đánh giá tài năng đích thực nhiều hơn.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục