Người đóng sách xuyên thế kỷ

Giữa thị thành huyên náo không biết còn mấy nơi đóng sách kiểu “Nhà đóng sách Văn Thơ” nhỏ nhẽ, khiêm cung, nhưng là địa chỉ chuyền tay của những người mê sách cũ bao thế hệ. Trong ngôi nhà cũ nằm nép bên con đường một chiều Điện Biên Phủ (quận 3, TPHCM) ông Thái Hữu Phước, 74 tuổi, cùng cô em gái tuổi cũng ngoài ngũ tuần - Thái Thị Thu Hương - đang tỉ mẩn “chữa bệnh” cho từng quyển sách cũ nát không hẳn để mưu sinh.
Người đóng sách xuyên thế kỷ

Giữa thị thành huyên náo không biết còn mấy nơi đóng sách kiểu “Nhà đóng sách Văn Thơ” nhỏ nhẽ, khiêm cung, nhưng là địa chỉ chuyền tay của những người mê sách cũ bao thế hệ. Trong ngôi nhà cũ nằm nép bên con đường một chiều Điện Biên Phủ (quận 3, TPHCM) ông Thái Hữu Phước, 74 tuổi, cùng cô em gái tuổi cũng ngoài ngũ tuần - Thái Thị Thu Hương - đang tỉ mẩn “chữa bệnh” cho từng quyển sách cũ nát không hẳn để mưu sinh.

Ông Thái Hữu Phước tại Nhà đóng sách Văn Thơ

Vị “bác sĩ” của sách cũ

Nhỏ nhẹ, khiêm tốn, mặc phố xá ồn ào, ông Thái Hữu Phước luôn làm người đối diện cảm thấy mình có phần vội vã, thậm chí thô lỗ mỗi khi nói to hay giục ông đóng sách nhanh hơn. Được thừa kế từ cha - ông Thái Văn Thơ, một người chơi sách yêu và mê nghề, dù đã ở tuổi 74, nhưng ông Phước vẫn nhắc về đấng sinh thành với tất cả sự xúc động: “Cha tôi mất cách đây hơn chục năm, mẹ tôi, người trợ lý tích cực của cha cũng đã theo ông vài năm trước. Khi còn sống, cha vẫn tự hào đây là nơi lui tới của các nhà văn, nhà báo, học giả, dịch giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng như Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Sơn Nam...”.

Khởi sự từ năm 1950, đến nay Văn Thơ đã đóng sách được 66 năm. Giọng vẫn đều đều giữa tiếng động cơ, tiếng còi xe inh ỏi vùn vụt lao ngang, ông Phước chỉ tay về phía chồng báo vừa kỹ lưỡng hoàn tất: “Của thư viện một cơ quan, họ muốn lưu làm tư liệu. Không chỉ đóng sách, Văn Thơ còn là địa chỉ quen thuộc của các thư viện lớn nhỏ trong thành phố khi cần lưu trữ báo chí”.

Đây đó trên bàn làm việc, trên kệ, trên giá là vô số sách cũ úa màu thời gian. “Sách đóng dán thủ công, mấy cái máy thì có từ thời Pháp nên cần khá nhiều thời gian. Bởi vậy nên khách thường được hẹn từ vài ngày đến vài tuần, thậm chỉ cả tháng nếu đóng nhiều, nhưng không vội được”, ông Phước chậm rãi kể, mắt bâng quơ lướt qua khoảng trời náo nhiệt ngoài cửa.

“Cha mất, trong số 8 người con chỉ mình tôi chọn nối nghiệp, duy trì nhà đóng sách. Nghề này thịnh nhất là thời của cha tôi, khoảng thập niên 1950 - 1960 thế kỷ trước. Hồi đó mỗi gia đình khá giả ở Sài Gòn đều có một thư viện mini với hàng dãy kệ và sách được bọc gáy, đóng bìa, mạ chữ vàng cẩn thận. Nhiều nhà có cả phòng đọc sách - nơi sinh hoạt chung của cả gia đình. Giờ đời sống hối hả, gấp gáp quá, nên ít người dành thời gian đọc sách, chơi sách, nhiều nhà không có cả kệ sách. Nghe nói bây giờ những người trẻ họ đọc sách báo điện tử, không cần sách in nữa, thành ra nghề này lỗi thời. Các tiệm đóng sách ở thành phố bây giờ cũng không còn mấy chỗ, con cháu cũng không ai chịu theo nghề. Vài năm nữa tôi cũng không còn làm nổi, đành đóng cửa thôi”, ông cười buồn.

Rồi ông nhớ lại: “Cha tôi học nghề này từ người Pháp, ông thường nói một cuốn sách hoàn hảo là phải được đóng, được bọc bằng da cừu với những đường gân nổi ở gáy, chữ mạ vàng tinh xảo. Bây giờ bìa chủ yếu bọc simili, thua xa, nhưng những quyển sách đã được may gáy, đóng xén, bọc bìa, mạ chữ cẩn thận trông vẫn sạch sẽ, tinh tươm và nghiêm cẩn hơn rất nhiều những quyển sách mới, đắt tiền”.

Bá Nha buổi hiếm Tử Kỳ

Nói thế thôi chứ mỗi ngày, mỗi tuần ông đều nhận “chữa” cho rất nhiều sách cũ. Khách hàng của ông cũng đa dạng thành phần, lứa tuổi, không chỉ người già hoài cổ, nhiều bạn trẻ là khách hàng thường xuyên của Văn Thơ, trong số đó có không ít Việt kiều. Được biết, nhiều tiệm photocopy cũng nhận đóng sách, mạ chữ… rồi mang đến nhờ ông đóng giúp. Ông bảo: “Tuy lỗi thời nhưng công việc lại rất nhiều. Đóng sách không khó, vốn cũng không nhiều, nhưng đa số công đoạn đều làm bằng tay, máy móc chỉ hỗ trợ một ít ở một số khâu, nên ngoài tính tỉ mỉ, kiên trì còn đòi hỏi lòng yêu nghề, quý sách, kỹ lưỡng và uy tín”. Rồi ông kể có lần một nhà sưu tập trông thấy một quyển sách quý của khách mà ông đang nhận đóng, liền bày tỏ ý muốn có được nó với giá rất cao và dĩ nhiên ông không thể nhận lời.

Yêu sách như tri âm, trải qua bao thăng trầm thời cuộc, ông tiếc nhiều quyển sách quý giờ không còn và mừng rỡ khi thi thoảng bắt gặp đôi quyển sót lại. “Dù tả tơi, hư nát nhưng hồn sách vẫn còn. Nhiều quyển tươi nguyên bút tích của tác giả, những lời ghi tặng chất chứa yêu thương, hy vọng, gửi gắm, tâm tình của người đã mất hoặc đang lưu lạc phương nào…”, ông cười nói.

Nhà đóng sách với diện tích lý tưởng, tọa lạc ngay trung tâm thành phố nên hàng ngày nhận không ít lời đề nghị thuê mặt bằng. “Thu nhập sẽ rất đáng kể so với công việc hiện tại, bản thân lại thảnh thơi, nhưng tôi vẫn chọn đóng sách làm niềm vui. Còn làm việc là còn khỏe. Công việc cải thiện sức khỏe lẫn trí óc”, ông nói. Tuy nhiên thời gian vẫn cứ tiếp tục chồng chất lên tuổi tác, sức vóc. Và nhà đóng sách Văn Thơ nói riêng, các nhà đóng sách, mạ chữ vàng thủ công khác nói chung rồi sẽ tồn tại thêm được bao lâu?

 Khởi nguồn từ châu Âu nhiều thế kỷ trước, rồi theo chân người Pháp sang Việt Nam hơn trăm năm, từ thế kỷ 19, người Sài Gòn đã biết đóng bìa sách bằng da, gỗ, gấm… Những nhân vật nổi tiếng trong nghề này như bà Hai Công Lý (Trần Thị Hai), ông Thái Văn Thơ, ông Paul Châu (Nguyễn Văn Châu), ông Lê Hoàng Vân (con trai bà hai Công Lý), ông Võ Văn Rạng, ông Thái Hữu Phước… cho đến nay vẫn được nhiều người chơi sách nhắc đến không chỉ bởi tay nghề.

 SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục