Viết ước mơ từ nghịch cảnh

Mồ côi, cuộc sống hàng ngày vô cùng vất vả, nhưng bằng nghị lực và ý chí, các em vẫn vững bước trên con đường học vấn. Trong niềm vui đầu năm học mới, các em tiếp tục khoác lên vai chiếc áo trắng để viết ước mơ của mình từ trong nghịch cảnh. 

Vươn đến tương lai bằng tri thức

Trong căn gác nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cho 2 mẹ con em Lâm Huế Bình (học sinh lớp 12, quận 4, TPHCM) nằm, Bình đang vuốt lại bộ áo dài trắng đã ngả màu để chuẩn bị cho ngày chào cờ đầu tuần. Chiếc áo ấy, Bình mặc từ năm lớp 10 đến nay.

“Năm nay con cao, mặc vào nó hơi ngắn, nhưng nhờ người con ốm nên mặc vẫn còn vừa quần áo của mấy năm trước”, Bình cho biết.

Chị Lâm Mỹ Linh, mẹ bé Bình, cũng đang soạn mấy bộ đồng phục cho con, tâm sự: “Hiểu hoàn cảnh gia đình, nên từ nhỏ con bé đã không đòi quần áo mới. Mấy bộ đồ này, có bộ tôi mua từ mấy năm trước, có bộ được người ta cho”. 

Bình mồ côi cha từ năm bước chân vào lớp 1, mẹ Bình lại mắc căn bệnh nan y, nay ốm mai đau nên chỉ những lúc khỏe mới có thể đi phụ việc lặt vặt kiếm vài chục ngàn đồng. Hai mẹ con được cho ở nhờ trên căn gác nhỏ xíu được dựng bằng những tấm tôn cũ, nóng bức vào mùa nắng và lạnh lẽo vào những ngày mưa dông. Trong căn gác này, tài sản quý nhất của 2 mẹ con chính là những tấm giấy khen của Bình được treo trên vách. Chị Linh nói, biết con thích ăn món khổ qua dồn thịt, nhưng mỗi năm chị chỉ nấu được một lần. Bữa cơm hàng ngày của mẹ con Bình chủ yếu là khô, trứng với rau luộc. Mỗi năm chỉ được khoảng 10 bữa ăn có thịt. 

Viết ước mơ từ nghịch cảnh ảnh 1 Dù trong hoàn cảnh khó khăn, Huế Bình luôn vượt qua để đạt thành tích học tập cao nhất
 Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhưng suốt 11 năm qua, Bình luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Không chỉ vậy, em còn đoạt nhiều giải thưởng về học tập, vẽ tranh cấp quận. Bí quyết của Bình là tự học.

“Em không có điều kiện đi chơi như bạn bè nên về nhà là em học bài, đọc sách. Trên lớp thì cố gắng nghe thầy cô giảng để hiểu bài. Nhà em nghèo, có đồng nào mẹ lại dành dụm mua đồ dùng học tập cho em, nếu em không học tốt thì sau này không có tương lai, không thể có tiền lo bệnh tình của mẹ được”, Bình chia sẻ.

Mỗi năm, Bình được Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM trao học bổng hỗ trợ. Số tiền này, mẹ con Bình không dám chi xài, mà như lời chị Linh thì đó là số tiền lớn dành để lo chuyện học cho Bình. Mong ước của Bình là cố gắng đậu đại học. Khi vào đại học, em sẽ đi làm thêm để giúp đỡ mẹ.

Món quà ý nghĩa cho học trò nghèo

Cầm trên tay phần học bổng Nguyễn Đức Cảnh do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM trao tặng, em Nguyễn Ngọc Hân (học sinh lớp 9, quận Gò Vấp) vui mừng nói: “Vậy là có tiền đóng học phí và mua quần áo mới cho em con rồi”. Hân cho biết mình còn mặc vừa đồng phục cũ, chỉ thương em còn nhỏ, quần áo đã rách nên năm nay mẹ nói sẽ cố gắng mua cho em bộ đồng phục mới. 2 năm trước, ba Hân qua đời vì bệnh ung thư máu. Chị Hồ Ngọc Trang (mẹ Hân; công nhân may Công ty Phương Nam, quận Gò Vấp) thì bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Vừa lo bệnh tật, những ngày khỏe thì đi làm để gồng gánh lo cho 2 con ăn học, chị Trang ngày càng xanh xao, gầy yếu. Chưa đủ lớn nhưng Hân đã hiểu hoàn cảnh gia đình, nên hàng ngày ngoài đi học, em đã biết lo tất cả công việc trong nhà, chăm em gái để mẹ an tâm làm việc và dưỡng bệnh.

“Giờ em là chỗ dựa tinh thần cho mẹ và em gái nên em phải mạnh mẽ”, Hân cho biết. 

Cũng nhờ học bổng Nguyễn Đức Cảnh mà nhiều năm liền em Trần Ngọc Phương Trinh (huyện Củ Chi), sinh viên năm nhất Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, có điều kiện bước tiếp trên con đường học vấn. 9 năm trước, sau một cơn bạo bệnh, mẹ Trinh ra đi bỏ lại 2 con thơ. 2 năm sau, ba Trinh cũng qua đời. Chị em Trinh trở thành trẻ mồ côi, phải sống nương tựa vào cậu mợ và bà ngoại.

“Từ tấm lòng của các cô chú, ông bà, em phải gắng học để mai này có tương lai tươi sáng. Ba mẹ cũng sẽ an nghỉ vì chúng em được nên người”, Trinh bày tỏ.

Chương trình học bổng Nguyễn Đức Cảnh được LĐLĐ TPHCM thực hiện trong nhiều năm qua đã tiếp sức cho con công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt lên nghịch cảnh, tiếp tục con đường học vấn. Có em nhiều năm liền nhờ sự chăm lo này của các cấp công đoàn đã hoàn thành được các cấp học và ra trường có việc làm ổn định. Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, các cấp công đoàn không chỉ quan tâm đến đời sống người lao động mà thông qua các chương trình như “Trái tim nghĩa tình”, học bổng Nguyễn Đức Cảnh đã quan tâm, động viên con công nhân lao động, nhất là các cháu mồ côi cha mẹ.

“Mỗi phần học bổng dù trị giá chưa cao nhưng là tấm lòng của tổ chức công đoàn, là nguồn động viên, khuyến khích các cháu tiếp tục nỗ lực vươn lên, vượt qua thử thách trong cuộc sống. Chúng tôi mong với sự tiếp sức của tổ chức công đoàn, các cháu sẽ có thêm niềm tin, nghị lực, kiên trì phấn đấu vượt qua khó khăn để đạt được ước mơ của mình trong tương lai”, ông Tâm nhắn nhủ.

Tin cùng chuyên mục