Có nên coi blog là “báo chí công dân”?

Xu hướng bùng nổ các blog cá nhân nhưng lại có tác động rất lớn về mặt xã hội đang đặt ra cho những nhà quản lý Thông tin – Truyền thông (TT-TT) câu hỏi này. Bên lề Hội nghị Tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí vừa kết thúc hôm qua, 25-12, Thứ trưởng Bộ TT-TT ĐỖ QUÝ DOÃN đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí về vấn đề này. Ông khẳng định:

“Có ý kiến coi blog là một loại hình báo chí, nhưng như vậy không chính xác. Tính chất pháp lý của các thông tin trên blog (dù cũng dành cho tất cả mọi  người đọc và chiêm nghiệm) rất khác với thông tin trên báo chí. Thông tin trên báo chí là nơi thể hiện quan điểm, chính kiến, định hướng của một tờ báo, đại diện cho một tổ chức, cơ quan, đơn vị. Thông tin trên blog là sự ghi chép cá nhân, suy nghĩ, quan niệm cá nhân được viết ra nhưng lại có nhu cầu chia sẻ cho mọi người cùng xem, cùng đọc; người viết chịu trách nhiệm cá nhân về những thông tin đó.

- PV: Tuy nhiên, thực tế cho thấy tác động xã hội của các blog cá nhân là rất lớn?

Ông ĐỖ QUÝ DOÃN: Bất kỳ một thông tin nào được đưa ra trong xã hội bằng hình thức này hay hình thức khác đều có tác động. Sức lan tỏa của Internet ngày nay hết sức nhanh và rộng. Mà đối tượng tham gia blog thì có đủ mọi tầng lớp, đối tượng với đủ loại thông tin tốt, xấu nên đúng là blog có những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến xã hội.

- Vậy có cần phải đặt vấn đề quản lý blog như với một loại hình báo chí?

Việc sửa đổi Luật Báo chí đang được bàn thảo, nhưng sẽ có nội dung đề cập đến việc quản lý các loại hình thông tin trên Internet nói chung, không riêng gì blog. Nhưng không nên hiểu quản lý có nghĩa là nghiêm cấm, bóp nghẹt. Quản lý chính là tạo điều kiện cho phát triển đúng pháp luật. Cụ thể với blog, quản lý không phải là cấp phép mà quan trọng nhất là phải có hướng dẫn để mọi người biết cần đưa và có thể đưa những loại thông tin gì? Bản thân các blogger phải có trách nhiệm trước thông tin mà họ đưa lên mạng cũng như thông tin mà họ truy cập. Khi đã hướng dẫn đầy đủ, không ai “quản lý” blog tốt hơn chính bản thân các blogger!

- Việc xử lý vi phạm khi một blogger cố tình đưa những thông tin thuộc loại “không thể đưa” sẽ theo hướng nào?

Thực ra trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí đều đã có quy định về những vấn đề nào được thông tin. Trong cuộc sống nếu anh tuyên truyền xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tôi, tôi cũng có quyền kiện anh ra tòa chứ chưa nói anh đưa những thông tin đó lên blog. Và tất nhiên, anh không được thông tin dưới bất kỳ hình thức nào những thông tin chống lại đất nước, kích động bạo lực, phát động chiến tranh, dâm ô, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam... Nhà nước tôn trọng tự do cá nhân nhưng cá nhân cũng phải có trách nhiệm đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.

- Liệu việc tìm ra được chủ nhân của các blog có khó khăn không, thưa ông?

Theo tôi, việc truy nguyên những người đưa thông tin xấu lên blog không phải là vấn đề kỹ thuật quá khó khăn, vì tất cả đều phải qua các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet.

- Xin cảm ơn ông.

Phương Anh ghi

Tin cùng chuyên mục